Trong cuốn sách “Phiếm thần luận - Một lối đi tâm linh cho Thiên niên kỷ mới” (Elements of Pantheism) viết năm 1999, Paul Harrison muốn khởi xướng một tôn giáo “thay thế”, một lối đi tâm linh mới phù hợp với xã hội khoa học hiện đại ngày nay, với giả định rằng chủ nghĩa hữu thần hay vô thần ít nhiều đã không còn “vừa vặn”.

Tác giả Paul Harrison.
Tác giả Paul Harrison.

Trong cuốn sách được coi là đầu tiên giới thiệu về lịch sử, học thuyết và thực hành của Phiếm thần luận, Paul Harrison cho biết, Phiếm thần luận vốn là một hệ thống niềm tin 2.500 tuổi, cổ xưa như nhiều tôn giáo lâu đời khác, từng được đề cập bởi những nhà tư tưởng và nhà văn nổi tiếng bao gồm Lão Tử, Heraclitus, Spinoza, Wordsworth, Goethe, Hegel, Whitman, Emerson, Einstein và Carl Sagan. Sự lan rộng của Ki-tô giáo và Hồi giáo đã dồn Phiếm thần luận vào hàng “dị giáo” và phải lui vào bí mật trong hơn 1.000 năm. Kitô giáo luôn khẳng định Thiên Chúa là đấng sáng tạo ra tất cả, trong khi Hồi giáo tán dương sự tối cao của Đức Allah. Chính vì thế, những năm tháng mà quyền năng của Giáo hội và niềm tin Hồi giáo lên ngôi cũng chính là khoảng thời gian những áp chế đối với những người có niềm tin phiếm thần gia tăng. Về cơ bản, họ bị cáo buộc là những kẻ “báng bổ” và hạ bệ Thượng đế; Phiếm thần luận bị coi là “ngoại đạo”, thậm chí “tà đạo”. Tiêu biểu như vụ án của Giordano Bruno: ông bị thiêu sống năm 1600 vì tư tưởng phiếm thần của ông bị gán là “thái độ không chính thống”.

Phiếm thần luận về cơ bản là chủ thuyết nhấn mạnh lòng sùng kính có tính tâm linh sâu xa với Vũ trụ và Thiên nhiên. Từ Pantheism phát xuất từ các chữ Hy Lạp, pan nghĩa là “tất cả”, và theos nghĩa là “Thượng đế”. Theo nghĩa đen, từ đó có nghĩa là: Tất cả đều là Thượng đế. Những người có khuynh hướng phiếm thần sẽ ái mộ, quan tâm đến Thiên nhiên và có những cảm thức “tâm linh” với sự huyền bí và uy lực của Thiên nhiên và Vũ trụ, giống như những tín đồ có xúc cảm thiêng liêng trước Thượng Đế mà họ tôn sùng.

Phiếm thần luận được xuất bản bởi NXB Tri thức và nhà sách Khai Tâm.
Phiếm thần luận được xuất bản bởi NXB Tri thức và nhà sách Khai Tâm.

Thế kỉ XIX, Phiếm thần luận bắt đầu được nhiều người chú ý và lấy lại một phần hào quang đã mất. Nhưng thế kỷ XX một lần nữa chứng kiến nó bị đẩy lui trở lại trong bóng tối do hai cuộc thế chiến và sự giao tranh của nhiều ý thức hệ. Con người thời bấy giờ mê say với những ý thức hệ chính trị mới, đặc biệt là chủ nghĩa phát- xít và chủ nghĩa cộng sản, sau đó lại lao vào nghiên cứu chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa hậu hiện đại, Phiếm thần luận bị rơi vào quên lãng. Tuy nhiên, ngày nay, khi đang trên đà hồi sinh, Phiếm thần luận hiện hình trong thế giới quan của nhiều nhà hoạt động vì môi trường, nhà khoa học hay đơn giản là những người bình thường, không theo tôn giáo nào nhưng luôn cảm thấy cần thiết tìm kiếm một lối đi tâm linh thích hợp cho riêng mình.

Thực tế là ngày nay rất nhiều người đang thể hiện khuynh hướng Phiếm thần dù họ có thừa nhận điều đó hay không. Khi đứng trước một cảnh quan kỳ vĩ, ngắm nhìn một ngọn núi mù sương, một bờ biển sóng vỗ, một cánh rừng ngút ngàn xanh hay bầu trời đêm đầy sao, bạn cảm nhận một trạng thái bình an sâu sắc, cảm thấy được “thuộc về” với vạn vật; hay khi khi lắng nghe tiếng chim hót, tiếng lá xào xạc trong vườn nhà, bạn cảm thấy dòng năng lượng tuôn trào và thăng hoa trong niềm thán phục thì rất có thể, bạn là người có khuynh hướng Phiếm thần mà không hay.

Lời phát biểu “Thiên nhiên là vị thần của tôi” có thể tóm lược cái cốt lõi của niềm tin Phiếm thần luận. Nhưng “vị thần” này không phải hữu thể siêu nhiên nào đó ngồi trên ngai vị để điều phối mọi hoạt động trong nhân gian mà chỉ đơn giản là đối tượng của lòng sùng kính.

Paul Harrison nhấn mạnh rằng các tôn giáo chính của thế giới đều khởi nguồn từ xa xưa, khi khoa học đang còn sơ khai và giáo dục chỉ dành riêng cho thiểu số có đặc quyền trong xã hội. Vào thời đó, chiến tranh, đói kém và dịch bệnh xảy ra liên miên, vì thế con người mong rằng cái chết có thể là sự giải thoát, là cánh cửa mở ra một thiên đường với sữa, rượu và mật ong dâng ngập. Khi đó, niềm tin Phiếm thần tồn tại lẻ tẻ trong những cá nhân xuất chúng. Đến thời hiện đại, khi khoa học phát triển và cơ hội giáo dục được san sẻ đồng đều, Phiếm thần luận đã phát triển độc lập như một hệ tư tưởng tương đối chặt chẽ và nhận được sự đồng thuận lớn hơn.

Với hiểu biết khoa học, người hiện đại khó lòng tin vào những vị thần của tôn giáo truyền thống; chủ nghĩa hoài nghi, bất khả tri luận và vô thần luận ập đến. Cần có những nền tảng hợp lý hơn, tích hợp được với thế giới quan của khoa học nhưng không khép lại trước những trải nghiệm tâm linh đáng quý. Trên hành trình kiếm tìm tín ngưỡng và pháp môn thay thế, nhiều người thấy rằng Phiếm thần luận hoàn toàn có thể thỏa mãn những nhu cầu tâm linh mà không đòi hỏi tín đồ của nó hy sinh tinh thần phê phán và thực nghiệm mà giáo dục đã vun đắp. Chính vì thế, tác giả cuốn sách đã đi đến một xác tín: “Nó [Phiếm thần luận] phù hợp với thời đại khoa học, thời đại không gian và thời đại khủng hoảng môi trường hiện nay”.

Tác giả cuốn sách cũng không quên đề cập đến Albert Einstein như một người phiếm thần chủ nghĩa tiêu biểu, một người không tin vào bất cứ vị Thượng đế có ngôi vị nào. “Tôi chưa bao giờ gán cho Thiên nhiên một mục đích hay mục tiêu, hay một cái gì đó mà có thể được hiểu như là có tính nhân trạng. Những gì tôi thấy trong Thiên nhiên là một cấu trúc mỹ lệ mà chúng ta chỉ có thể hiểu được một cách rất bất toàn, và nó (cấu trúc mỹ lệ đó) phải đổ đầy một kẻ suy tư với một cảm nhận về sự khiêm cung. Đây là một cảm nhận có tính tôn giáo đích thực mà không dính dáng gì đến Chủ nghĩa thần bí.”