Nhà khoa học thần kinh Amishi Jha tại Đại học Miami giải thích cách đại dịch làm giảm sự chú ý của não bộ chúng ta.

Amishi Jha, giáo sư tâm lý học tại Đại học Miami, là một diễn giả được quốc tế công nhận với các nghiên cứu về sự chú ý, trí nhớ ngắn hạn và và đào tạo tinh thần bằng cách sử dụng các kỹ thuật khoa học thần kinh nhận thức khác nhau. | Ảnh: CC/PopTech 2010
Amishi Jha, giáo sư tâm lý học tại Đại học Miami, là một diễn giả được quốc tế công nhận với các nghiên cứu về sự chú ý, trí nhớ ngắn hạn và đào tạo tinh thần bằng cách sử dụng các kỹ thuật khoa học thần kinh nhận thức | Ảnh: CC/PopTech 2010

Biến động /Volatility/. Không chắc chắn /Uncertainty/. Phức tạp /Complexity/. Mơ hồ /Ambiguity/. Đó là 4 từ - gọi tắt là VUCA - mà TS. Amishi Jha thường dùng để mô tả các tình trạng căng thẳng có thể làm con người giảm sự chú ý nhanh chóng.

Nhóm nghiên cứu của cô từng theo dõi những người thường xuyên phải trải qua các điều kiện VUCA trong công việc hằng ngày, bao gồm binh sĩ, nhân viên cứu hỏa, nhân viên y tế, các nhà lãnh đạo... Họ tập trung vào hệ thống não liên quan đến sự chú ý và tìm ra đâu là yếu tố khiến sự chú ý của não bị suy giảm.

Giờ đây, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, TS. Jha nhận thấy hầu như mọi người đều sống trong tình trạng VUCA. Theo cô, mặc dù hệ thống chú ý của con người rất phức tạp nhưng càng biết nhiều về cách thức hoạt động của nó, ta sẽ càng có khả năng vượt qua các sự kiện khó khăn. Cô đã tổng kết 10 điều cần biết về sự chú ý của não bộ để từ đó chúng ta có thể học cách bảo vệ tinh thần tốt hơn.

1. Sự chú ý tạo ra thực tế của mỗi người

Lý do chúng ta có "hệ thống chú ý" (attention system) là để giải quyết vấn đề môi trường xung quanh có nhiều thông tin hơn não bộ có thể xử lý. Nếu không có bộ lọc, luồng dữ liệu thụ cảm đầu vào không ngừng sẽ khiến chúng ta bị quá tải.

Hệ thống chú ý giống như một chiếc đèn pin, cho phép con người lựa chọn và hướng các tài nguyên tính toán của não bộ đến một tập hợp thông tin nhỏ hơn.

Trong đại dịch Covid, những gì chúng ta chú ý "giữ lại" trong tâm trí sẽ là những điều tạo nên quy tắc mới cho cuộc sống. Chúng ta phải nhận ra rằng sự chú ý có quyền năng rất mạnh mẽ. Nó quyết định trải nghiệm từng khoảnh khắc của cuộc sống - những gì ta nhận thấy, cảm nhận, ghi nhớ, suy nghĩ và làm.

2. Sự chú ý dễ bị tác động

Các mối đe dọa, căng thẳng và tâm trạng xấu sẽ làm suy giảm sự chú ý. Đây là những điều xảy ra khá thường xuyên trong các điều kiện VUCA. Thật không may, đại dịch Covid đang tạo ra rất nhiều tình huống như vậy đối với sự chú ý của não bộ.

Nếu chúng ta cảm thấy choáng ngợp và không thể tập trung, phải vật lộn để hoàn thành một công việc đơn giản hoặc bị cảm xúc bùng lên lấn át - đó chính xác là những dấu hiệu não bộ bị ảnh hưởng mà các nghiên cứu trước đây của TS. Jha đã dự đoán.

3. Sự chú ý và trí nhớ ngắn hạn đều có giới hạn

Trí nhớ ngắn hạn (working memory) là đối tác quan trọng của sự chú ý: Nó cho phép chúng ta làm một cái gì đó với thông tin đã được tập trung vào, chẳng hạn, chúng ta có thể ghi nhớ mã xác nhận 6 chữ số rồi nhập mã vào tài khoản ngân hàng trong vòng vài giây.

Bộ đôi này hoạt động như một "tấm bảng" ghi nhanh những điều quan trọng, nhưng chúng ta chỉ có thể đặt khoảng 3-4 mục trên đó trước khi tấm bảng hết không gian. Điều kì quặc là nó dùng "mực biến mất" để viết, nên thông tin sẽ tự xóa sau vài giây. Nếu chúng ta muốn giữ thông tin ở đó lâu hơn, chúng ta phải tiếp tục tập trung vào nó.

Trong thời đại Covid, tất cả đều đang chạy đua với giới hạn của tấm bảng. Chúng ta đang dành rất nhiều nguồn lực chú ý - vốn đã ít ỏi và dễ bị tổn thương - để kiểm soát những bản năng và hành vi, cũng như vượt qua các xung động và thói quen của mình. Nó hút cạn năng lực chú ý và trí nhớ ngắn hạn của não bộ, chừa lại rất ít tài nguyên nhận thức cho bất kì điều gì khác.

4. Sự chú ý thường xuyên đi lang thang

Trong bất kỳ thời điểm cụ thể nào, có 50% khả năng là con người suy nghĩ vẩn vơ và điều này kéo sự chú ý của họ ra khỏi những việc đang làm. Nếu các suy nghĩ đó gắn liền với những tâm trạng kém đã đề cập ở trên, nó sẽ dễ dàng và liên tục cướp đi sự chú ý của chúng ta.

Trong thời kì Covid, mọi người đều trải qua sự căng thẳng do tình trạng VUCA, cảm giác cô đơn và biệt lập sinh ra. Do vậy, không lạ gì khi sự chú ý của nhiều người bị giảm đi trong đại dịch.

5. Sự chú ý liên quan đến cảm xúc

Một trong những bất ngờ lớn nhất về sự chú ý là nó được kết nối sâu sắc với cảm xúc của con người. Khi chúng ta nhớ lại một ký ức hạnh phúc hoặc một điều gì đó buồn bực khó chịu, chúng ta sẽ sử dụng cả sự chú ý và trí nhớ ngắn hạn để lấp đầy tấm bảng trắng của mình bằng các hình ảnh, ký ức và suy nghĩ thích hợp, từ đó dựng lại một trải nghiệm cảm xúc trọn vẹn.

Chiều ngược lại cũng đúng: chúng ta cần "băng thông" của sự chú ý để điều chỉnh cảm xúc. Khi cảm xúc dâng trào, người ta có thể làm gì để ổn định lại? Họ có thể suy nghĩ kỹ lại vấn đề đó, hoặc đánh lạc hướng bản thân bằng cách tập trung vào một chủ đề khác. Tất cả những chiến thuật này đòi hỏi "nhiên liệu" của sự chú ý để chạy.

Và nếu nhiên liệu của chúng ta bị thiếu hụt (bởi nó đang nằm trên các vòng lặp suy nghĩ đau khổ), chúng ta sẽ không có nguồn lực nhận thức để điều chỉnh cảm xúc của mình một cách hiệu quả. Cuối cùng, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng bất ổn và khó lòng kiểm soát bản thân.

6. Sự chú ý là điều cần thiết để kết nối

Cho tới giờ, sự chú ý được mô tả như một nguồn lực để dùng riêng - chúng ta hướng đèn pin chú ý đến những cảm giác, suy nghĩ, cảm xúc và ký ức của chính mình và môi trường bên ngoài. Nhưng chúng ta cũng có thể hướng nó đến những người khác nhằm mục đích giao tiếp và kết nối.

Thật thú vị khi ta sử dụng trí nhớ ngắn hạn để tạo ra một "mô hình" tinh thần chung trong lúc nói chuyện hoặc làm việc, khiến mọi người cùng hiểu được về những gì đang được truyền đạt. Mọi người có thể nhận ra 'Chúng ta cùng ý tưởng' hoặc 'Chúng ta không cùng suy nghĩ' khi thấy mô hình của mình bị lệch so với người khác. Khả năng nhìn mọi thứ qua đôi mắt của người khác là một khía cạnh quan trọng trong việc giao tiếp xã hội.

Tập trung sự chú ý vào một người cũng chính là cách mà chúng ta có thể thể hiện sự quan tâm, chăm sóc và tình yêu của mình đối với họ. Tuy nhiên, trong khi cách ly về thể chất, mọi người không thể cung cấp sự chú ý của mình theo cách thông thường. Về một mặt nào đó, đại dịch Covid đang tước đi những cách kết nối thiết yếu mà con người quen thuộc.

7. Sự chú ý có thể du hành thời gian

Não bộ có khả năng tuyệt vời là nhanh chóng chuyển sự chú ý vào tương lai (tưởng tượng, lên kế hoạch) rồi sau đó có thể ngay lập tức quay trở lại quá khứ (nhớ lại những kỷ niệm, ký ức).

Nhưng trong điều kiện VUCA, khả năng này trở nên khó kiểm soát hơn. Chúng ta thường rơi vào tình trạng bị mắc kẹt trong quá khứ hoặc tương lai mà không có nhiều lựa chọn. Chúng ta khao khát cuộc sống như trước kia. Chúng ta lo lắng, thảm họa hóa vấn đề, và dấy lên hi vọng. Tất cả sự không chắc chắn này làm cho não bộ nhiều khả năng sẽ tua đi tua lại các kịch bản có thể xảy ra.

Điều này cuối cùng có thể lại vô ích vì chúng ta tốn quá nhiều nhiên liệu chú ý vào các tình huống tưởng tượng có thể sẽ không bao giờ xảy ra. Một nghiên cứu gần đây mà TS. Jha tiến hành cho thấy càng có nhiều suy nghĩ liên quan đến Covid thì con người ta càng cảm thấy chán nản và có chất lượng giấc ngủ kém hơn.

8. Sự chú ý dễ bị đánh lừa

Bộ não của con người là một cỗ máy thực tế ảo đáng kinh ngạc. Ta có thể mô phỏng tất cả các loại kịch bản tưởng tượng và dự đoán chúng một cách sống động.

Nhưng đôi khi, một mô phỏng thuyết phục và gây xúc động đến mức nó khiến hệ thống chú ý của chúng ta hiệu chỉnh lại nhiều mạng lưới thần kinh não như thể nó đang thực sự xảy ra. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ bỏ qua hoặc ghi đè lên những gì hiện thực ngay trước mắt.

Tính bất ổn của thời kì Covid khiến con người ta mô phỏng nhiều hơn. Chúng ta liên tục tưởng tượng ra các kết quả có thể xảy ra - Điều gì sẽ xảy ra nếu vaccine không hiệu quả? Nếu nó không an toàn thì sao? Liệu những thay đổi có làm xã hội tốt hơn không? Nếu không thì sao? ...

Trong những hoàn cảnh VUCA, sự chú ý của chúng ta dễ bị chuyển hoàn toàn vào một mô phỏng "ngày tận thế" do tâm trí sáng tạo. Thậm chí, chúng ta có thể mất đi khả năng kiểm soát sự chú ý và quên rằng suy nghĩ không phải sự thật.

9. Sự chú ý có thể là một ông chủ tồi

Căng thẳng khiến con người cảm thấy tồi tệ. Nhưng thời gian căng thẳng kéo dài đặc biệt đè nặng lên con người, khiến sự chú ý phải được dùng liên tục và nhanh chóng bị suy giảm. Khi đó, những cơ chế não bộ từng cho ta sức mạnh sẽ quay ra chống lại chính chúng ta.

TS. Jha kể, một trong những đồng nghiệp của cô trong quân đội đã viết việcnhững người lính được đào tạo chuyên sâu, sau khi trải qua một thời gian dài bị cô lập, đột nhiên phá vỡ lệnh cách ly của doanh trại, ngay cả khi họ hiểu rõ hậu quả.

Tại một thời điểm nhất định, khả năng nhận thức của con người có thể trở nên suy thoái đến mức không duy trì được các quy tắc và mục tiêu mới trong bộ nhớ ngắn hạn. Chúng bị vứt ra ngoài "tấm bảng" một cách không thương tiếc. Thay vào đó, sự chú ý sẽ dẫn chúng ta đến những gì thoải mái và quen thuộc.

Khi đó, việc vượt qua những thói quen có thể tiêu tốn hết nhiên liệu của não bộ. Chẳng hạn, nhiều người cho biết họ đã phải kiềm chế rất nhiều để không vội vàng ôm lấy bạn bè, người thân gặp lại sau thời gian dài cách ly vì Covid. Vì vậy, hãy nhớ rằng đôi khi sự chú ý có thể hướng chúng ta đến những điều không có lợi cho bản thân.

10. Có thể rèn luyệnsự chú ý

Trong đại dịch Covid, tinh thần của con người chịu tác động rất lớn. Vậy chúng ta có thể làm được gì? TS. Jha cho rằng thực hành chánh niệm (Mindfulness) dựa trên nền tảng khoa học không gắn với tôn giáo có thể bảo vệ sự chú ý của não bộ trong những tình huống VUCA.

Thực hành chánh niệm là nhận biết chúng ta đang sống trong giây phút hiện tại,và điều này giúp tạo ra lá chắn chống lại một số thói quen gây hại của tâm trí đã kể trên như suy nghĩ vẩn vơ, mô phỏng quá mức, trầm trọng hóa vấn đề, bị đánh lừa khi tin rằng suy nghĩ của chúng ta là hiện thực ...

Đây có thể là một cách để mỗi người đương đầu với các tình huống VUCA của đại dịch Covid, cũng như chuẩn bị cho tất cả những gì có thể gặp phải trong suốt cuộc đời.


Nguồn: