Đầu tư qua lăng kính giới (GLI) là một khái niệm khá mới đề cập đến các yếu tố liên quan đến bình đẳng giới trong phân tích và đưa ra quyết định đầu tư. Tuy nhiên, nó cũng dễ bị hiểu một cách phiến diện.
Tại hội nghị ngày 18/8 mở đầu cho
chương trình Beyond 2021 về đào tạo nhà đầu tư thiên thần xuyên biên giới tập trung tại Việt Nam, Indonesia, Philippines, Pakistan, bà Virginia Tan, đối tác đầu tư sáng lập của quỹ mạo hiểm Teja Ventures, cho biết vẫn còn những hiểu nhầm về đầu tư có tính đến yếu tố giới.
“Có ý kiến cho rằng đây chỉ là một bộ phận của đầu tư tạo tác động, hay đầu tư xã hội. Lại có những hiểu nhầm rằng cách tiếp cận này chỉ tập trung đầu tư vào nhà sáng lập nữ hoặc CEO, hay đầu tư qua lăng kính giới giống như làm từ thiện mà không đi kèm lợi nhuận,” bà Tan nói.
Quỹ đầu tư Teja Ventures của Tan là một quỹ đầu tư tiên phong và kiên trì với triết lý đầu tư qua lăng kính giới tại châu Á. Họ đã ứng dụng 3 góc nhìn chính khi lựa chọn doanh nghiệp: startup có ít nhất một thành viên sáng lập là nữ; có sản phẩm hoặc dịch vụ dành cho hoặc tạo thuận lợi cho phụ nữ; và tạo tác động tích cực cho phụ nữ trong hệ sinh thái. Trong đó, phụ nữ có thể đóng vai trò là khách hàng, người lao động, hoặc nhà phân phối.
Đầu tư xuyên biên giới mở ra những cơ hội rất lớn cho danh mục đầu tư, trong đó Đông Nam Á được đánh giá là một thị trường ngày càng hấp dẫn. Bà Tan cho biết đang có ý định đầu tư vào các thị trường như Việt Nam, Thái Lan hay Malaysia.
Trong khi đó, Vicky Saunders, nhà sáng lập tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp SheEO, người có bề dày kinh nghiệm vận hành các doanh nghiệp khởi nghiệp tại châu Âu và Silicon Valley, tin rằng trong 10 năm tiếp theo, tầng lớp trung lưu ở Đông Nam Á sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ.
“Đổi mới sáng tạo sinh ra ở những vùng ngoại vi,” bà Saunders nói. "Các nhà đầu tư cần phải phá vỡ bong bóng và tìm kiếm những góc nhìn khác biệt ở những thị trường còn nhiều tiềm năng."
Tuy nhiên, các nhà đầu tư như Tan hay Saunders hiện không chỉ đơn thuần xem xét lợi nhuận mà còn cân nhắc những tác động của mô hình kinh doanh tới môi trường hay giải quyết các vấn đề xã hội. Họ cũng có chung mối quan tâm về bình đẳng giới.
“Chúng ta đang sống trong một thế giới nơi những khủng hoảng xảy ra cùng lúc, từ đại dịch, cho đến biến đổi khí hậu,” bà Saunders dẫn chứng. “Bởi vậy mà nguồn vốn của chúng ta cần đạt được ý nghĩa cao nhất, hiệu quả một cách tốt nhất. Một trong những hướng đi là đầu tư vào doanh nghiệp thực sự giải được bài toán, những thách thức mà xã hội của chúng ta đang phải đối mặt.”
“Nhìn từ lăng kính giới, có thể thấy phụ nữ đặc biệt quan tâm vào đối tượng mà họ đầu tư, thực sự tạo ra tác động và góp phần thay đổi tích cực cho cộng đồng,” bà Saunders chia sẻ. Xu hướng đó đang thâm nhập mạnh mẽ vào giới đầu tư cấp vốn trong những năm gần đây.
Ở chiều cầu ngược lại, nghiên cứu trên thị trường Đông Nam Á và Nam Á cho thấy, nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc sáng lập và doanh nghiệp tạo tác động là rất lớn.
Những nhà đầu tư như Tan hay Saunders đang muốn xây dựng một mạng lưới những nhà đầu tư ở châu Á cùng chí hướng và cùng chia sẻ những giá trị tương đồng. Họ có thể trao đổi thường xuyên về những thương vụ tiềm năng xuyên biên giới.
Khi các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường châu Á, họ sẽ thường gặp phải rào cản về quy trình pháp lý. Cách tốt nhất là hợp tác với các nhà đầu tư địa phương sẽ giúp tháo gỡ được phần nào đó vướng mắc này.
Là người có tầm ảnh hưởng trong giới đầu tư mạo hiểm giai đoạn sớm ở châu Âu, Brigitte Baumann, nhà sáng lập Efino và GoBeyond Early Stage Investing, khuyên các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư thiên thần, hãy tạo thành nhóm. Thông qua việc ra quyết định theo nhóm, các nhà đầu tư sẽ cùng nhau học hỏi những xu hướng đầu tư bền vững mới và thực hành chúng thuận tiện hơn.
Bình luận về
xu hướng đầu tư theo nhóm tại thị trường Việt Nam, nhà sáng lập KisStartup Nguyễn Đặng Tuấn Minh cho biết xu hướng chia sẻ rủi ro ở các nhà đầu tư Việt Nam còn khá hạn chế: “Thực tế một số nhóm đầu tư cũng chưa sống sót được lâu. Mô hình nhà đầu tư dẫn đầu (lead investor) cũng hiếm gặp trong hệ sinh thái đầu tư ở Việt Nam.”
Là đại diện ban tổ chức Beyond 2021 tại Việt Nam, bà Tuấn Minh hi vọng rằng những chương trình đào tạo nhà đầu tư như thế này sẽ giúp Việt Nam sớm xây dựng được một cộng đồng đầu tư xuyên biên giới, tạo tác động có lồng ghép lăng kính giới.