Đại dịch coronavirus càng củng cố nhận thức của chúng ta rằng thời gian là chủ quan.

Mọi người có cảm nhận khác nhau về thời gian trôi qua, đặc biệt trong dịch COVID-19
Mọi người có cảm nhận khác nhau về thời gian trôi qua, đặc biệt trong dịch Covid-19

Đối với một số người thích làm việc tại nhà, ngày tháng trôi qua vùn vụt, nhưng đối với những người mong muốn đi du lịch hoặc thăm thân thì dường như thời gian lại bò chậm chạp.

Con người đã phát minh ra đồng hồ để giúp theo dõi thời gian. Nhưng mỗi người có “cảm nhận” một giây dài ngắn khác nhau. Điều này có thể được lý giải như thế nào?

Sự chi phối của nhiều yếu tố tâm lý

Theo các nhà thần kinh học, không có một cơ quan hay hệ thống nào trong cơ thể người chịu trách nhiệm bấm giờ. Trên thực tế, các nhà tâm lý học đã xác định nhiều yếu tố ảnh hưởng đến ý thức của chúng ta về thời gian.

Chẳng hạn, khi con người quan sát hai hình tam giác lần lượt xuất hiện trên máy tính vài giây và xem hình nào hiển thị lâu hơn - cơ chế mà chúng ta sử dụng được các nhà tâm lý học gọi đó là phán đoán hồi cứu (retrospective judgement). Tại đó, não bộ đưa ra phán đoán vì trong trí nhớ ngắn hạn đã có thời gian của hình tam giác đầu tiên để so sánh.

Trong khi cơ chế phán đoán này được dùng để so sánh thời lượng rất ngắn, con người lại dùng quy quy trình khác để so sánh khoảng thời gian dài hơn. Chẳng hạn, trong dịch Covid-19, khi được yêu cầu ở nhà từ đầu tháng 3, nhiều người thấy rằng tháng 4 lướt qua nhanh chóng, bất chấp ngày lặp đi lặp lại.

Chúng ta đưa ra phán đoán này dựa trên một sự kiện gợi lại từ ký ức dài hạn. Nếu ta coi mỗi sự kiện nổi bật là một khoảnh khắc trên đồng hồ, thì tháng 4 không có nhiều tiếng tích tắc nên ta thấy thời gian trôi qua rất nhanh.

Để hiểu rõ hơn, hãy quan sát một loạt hình tròn và một hình vuông lần lượt xuất hiện trên máy tính vài giây, xem thử hình nào hiển thị lâu hơn. Nhiều người thường cho là hình vuông tồn tại lâu hơn, mặc dù tất cả đều có thời gian như nhau.

Các nhà tâm lý học gọi đó là hiệu ứng lẻ bóng (oddball effect). Đầu tiên, não chúng ta đã có một bản ghi với những đối tượng lặp lại, ở đây là hình tròn, do đó chúng ta ít chú ý hơn đến nó và có cảm giác như thể nó lướt qua nhanh hơn. Sau đó, khi đối tượng mới xuất hiện là hình vuông, sự chú ý của ta tập trung vào nó để tạo ra trí nhớ mới, do vậy ta cảm thấy nó hiển thị dài hơn.

Việc dồn nén những ngày lặp đi lặp lại là một lý do khiến chúng ta nhớ khoảng thời gian bị kẹt ở nhà trôi qua nhanh. Hiệu ứng này cũng giải thích tại sao những người về hưu có thói quen sinh hoạt đều đặn lại phản ánh rằng thời gian của họ trôi qua nhanh.

Cảm xúc và sự chú ý bóp méo thời gian

Vẫn với bài kiểm tra xem xét thời gian xuất hiện của một sự kiện - chẳng hạn quan sát 3 hình tròn lần lượt xuất hiện cùng một khoảng thời gian, trong đó một hình đứng yên trong suốt quãng thời gian đó, một hình thu nhỏ dần lại và một hình phóng to dần ra - nhiều người sẽ cho là hình phóng to ra có khoảng thời gian hiển thị lâu hơn.

Những thứ thu hút sự chú ý của chúng ta hoặc đòi hỏi sự chú ý nhiều hơn sẽ khiến ta cảm thấy nó diễn ra lâu hơn.

Cảm xúc cũng có thể ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta về thời gian. Ước tính thời gian trôi qua có mối tương quan lớn nhất với tâm trạng của con người. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nếu ta trải qua một ngày vui vẻ, thời gian sẽ trôi nhanh. Nếu ta buồn hoặc cô đơn, thời gian lăn từng bước.

Thông thường một ngày bận rộn sẽ trôi qua nhanh chóng, nhưng trong năm nay, điều ngược lại cũng có thể đúng. Chẳng hạn, nhân viên y tế tuyến đầu biết rằng họ có nguy cơ cao tiếp xúc với coronavirus, và sự lo lắng đó dẫn đến gia tăng sự chú ý và làm chậm lại nhận thức về thời gian trôi qua của họ. Tuy nhiên, với người khác ít áp lực hơn, thời gian có thể vèo qua trong lúc vui vẻ xem video hoặc ăn tối với bạn bè.

Sự kiện này xảy ra khi nào?

Một ngày đẹp trời, ta có thể thấy mình ngẫm lại xem lần gần đây nhất gặp bạn bè hoặc đi đến phòng tập là khi nào. Việc nhớ lại sự kiện gần đây hoặc đã xảy ra từ lâu thường bị bóp méo một cách đáng chú ý. Thử trả lời một số câu hỏi ví dụ.

1. Bộ phim 'Công viên kỷ Jura' được phát hành khi nào? Trước/Sau năm 2000?*

2. Thế vận hội Olympic Mùa hè được tổ chức ở London khi nào? Trước/Sau năm 2010?

3. Băng Cassette xuất hiện khi nào? Trước/Sau năm 1970

4. Thảm họa nhà máy điện hạt nhân Chernobyl xảy ra khi nào? Trước/Sau năm 1980?

Chúng ta có xu hướng dựa vào trí nhớ hơn là kiến thức để cập nhật các sự kiện xảy ra trong đời. Nhưng khi trí nhớ của chúng ta bóp méo nhận thức về thời gian, nó cũng ảnh hưởng đến cảm nhận của chúng ta về thời điểm sự kiện diễn ra.

Các nhà tâm lý học thấy rằng việc gợi nhớ sự kiện xảy đã ra từ lâu và cho rằng nó diễn ra gần đây hơn thực tế là điều rất phổ biến. Nhưng nếu sự kiện xảy ra trong vòng ba năm trở lại, ta lại thường có xu hướng nghĩ rằng nó đã xảy ra từ lâu hơn.

Hiệu ứng này được gọi là kính viễn vọng (telescoping) - giống như kiểu hình ảnh bị biến dạng tùy theo chúng ta nhìn qua ống kính theo chiều xuôi hay ngược.

Ví dụ việc thiếu hụt giấy vệ sinh lúc đầu dịch Covid-19, ta có nhớ được lần cuối đi mua giấy là khi nào không? Mặc dù chúng ta sẽ không sớm lãng quên 2020 là năm của đại dịch, nhưng khả năng cao là ta sẽ nhớ sai thời điểm chính xác của từng sự kiện trong đó. Khi nhìn lại năm nay, mọi người hãy lưu ý đến những ảo giác thời gian như vậy.

______________________________________

Đáp án*: Lần lượt là 1993, 2012, 1963, 1986.