Tuổi thọ trung bình của con người đang có xu hướng gia tăng khi các loại thuốc và công nghệ của chúng ta ngày càng tiến bộ. Nếu tuổi thọ con người tiếp tục kéo dài, liệu một ngày nào đó chúng ta có thể trở nên bất tử hay không?
Tính đến nay, người sống lâu nhất thế giới là Jeanne Calment, một phụ nữ người Pháp. Bà qua đời vào năm 1997, hưởng thọ 122 tuổi, theo sách Kỷ lục Thế giới Guinness. Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications vào tháng 5/2021, các nhà khoa học kết luận rằng con người có thể sống tối đa từ 120 đến 150 năm. Sau mốc thời gian trên, cơ thể người sẽ mất hoàn toàn khả năng phục hồi khi gặp phải chấn thương hoặc bệnh tật.
Công nghệ có thể giúp con người tải những kỷ niệm và tính cách của họ lên avatar ảo trong tương lai.
Ảnh: Shutterstock.
Ngăn cản quá trình lão hóa
Để trở nên bất tử, con người cần phải ngăn cản quá trình lão hóa của cơ thể. Một nhóm động vật có thể đã giải quyết được vấn đề này, vì vậy nó không phải là điều bất khả thi như những gì chúng ta thường nghĩ.
Hydra là động vật không xương sống nhỏ, giống như sứa. Chúng sử dụng một phương pháp đặc biệt để ngăn cản quá trình lão hóa. Cơ thể chúng được tạo thành từ các tế bào gốc liên tục phân chia để tạo ra những tế bào mới, trong khi các tế bào cũ sẽ bị loại bỏ. Điều này cho phép hydra tự trẻ hóa cơ thể, hay nói cách khác là trẻ mãi không già.
“Chúng dường như không già đi, vì vậy chúng có khả năng bất tử”, Daniel Martínez, giáo sư sinh học tại Đại học Pomona ở Claremont, California (Mỹ), cho biết. Trường hợp của hydra cho thấy động vật không nhất thiết phải già đi, nhưng điều đó không có nghĩa là con người có thể bắt chước quá trình trẻ hóa của chúng. “Hydra chỉ dài 10 mm và không có nội tạng. Nhưng cơ thể của con người rất phức tạp”, Martínez nói.
Hydra là động vật không xảy ra hiện tượng lão hóa. Ảnh: Shutterstock.
Con người sở hữu các tế bào gốc có khả năng sửa chữa, thậm chí khôi phục lại các bộ của cơ thể, chẳng hạn như tế bào gốc trong gan. Tuy nhiên, cơ thể người không được tạo ra hoàn toàn bằng những tế bào gốc giống như hydra. Đó là bởi vì con người cần tế bào thực hiện những chức năng khác ngoài việc phân chia và tạo ra các tế bào mới. Ví dụ, tế bào hồng cầu của chúng ta vận chuyển oxy đi khắp cơ thể.
“Các tế bào của con người đảm nhiệm những chức năng riêng biệt, và nhiều loại tế bào không có khả năng phân chia. Khi các tế bào này già đi, cơ thể chúng ta cũng vậy”, Martínez nhận định.
Điều chúng ta cần làm để ngăn chặn quá trình lão hóa không chỉ đơn giản là loại bỏ các tế bào cũ của mình giống như hydra, bởi vì chúng ta cần đến chúng. Ví dụ, các tế bào thần kinh trong não có nhiệm vụ truyền thông tin. “Chúng ta không muốn chúng bị thay thế, nếu không chúng ta sẽ không nhớ gì cả”, Martínez nói.
Hydra có thể là nguồn cảm hứng cho những nghiên cứu mới giúp con người sống khỏe mạnh hơn, bằng cách tìm ra các phương pháp hỗ trợ tế bào hoạt động tốt hơn khi chúng dần bị thoái hóa theo thời gian.
Con người có thể sống vượt quá giới hạn sinh học của mình với những tiến bộ trong tương lai liên quan đến công nghệ nano. Những cỗ máy với kích thước nhỏ hơn 100 nanomet có thể di chuyển trong máu, hỗ trợ cơ thể ngăn ngừa lão hóa bằng cách sửa chữa những tổn thương tế bào. Công nghệ nano cũng giúp điều trị một số bệnh, bao gồm một số loại ung thư bằng cách loại bỏ các tế bào ung thư ra khỏi cơ thể, theo Đại học Melbourne (Australia).
Kể cả chúng ta ngăn cản thành công hiện tượng lão hóa thì vẫn chưa đủ để đạt được sự bất tử, giống như trường hợp của hydra. Mặc dù hydra không có dấu hiệu lão hóa nhưng sinh vật này cũng không thể sống mãi. Chúng trở thành thức ăn cho những kẻ săn mồi, chẳng hạn như cá, và sẽ chết nếu môi trường thay đổi quá nhiều (ví dụ ao hồ nơi chúng sinh sống bị đóng băng vào mùa đông), Martínez cho biết.
Con người không phải đối mặt với nhiều loài thú ăn thịt, nhưng chúng ta có thể gặp tai nạn chết người và dễ bị tổn thương bởi các sự kiện thiên tai, cũng như thay đổi thời tiết do biến đổi khí hậu. Vì vậy, chúng ta cần một cơ thể tốt hơn hiện tại để đảm bảo sự tồn tại lâu dài trong tương lai.
Công nghệ trường tồn
Khi công nghệ tiến bộ, các nhà nghiên cứu dự đoán tương lai sẽ xảy ra hai cột mốc quan trọng. Đầu tiên là điểm kỳ dị (singularity), tại đó con người sẽ thiết kế trí tuệ nhân tạo (AI) đủ thông minh để tự thiết kế lại chính nó, và AI sẽ ngày càng thông minh cho đến khi vượt trội hơn rất nhiều so với trí thông minh của con người. Cột mốc thứ hai là sự bất tử ảo, nơi con người có thể quét não của chính mình và chuyển sang một phương tiện phi sinh học như máy tính.
Trong một dự án mang tên OpenWorm, các nhà nghiên cứu đã lập bản đồ các kết nối thần kinh của giun đũa (Caenorhabditis elegans). Sau đó, họ mô phỏng bộ não của giun đũa trong phần mềm tái tạo các kết nối thần kinh và lập trình phần mềm đó để điều khiển tự động một robot Lego. Kết quả là robot bắt đầu hoạt động như một con giun đũa. Hiện tại, giới khoa học chưa thể lập bản đồ các kết nối giữa 86 tỷ tế bào thần kinh trong não người (giun đũa chỉ có 302 tế bào thần kinh), nhưng những tiến bộ về AI trong tương lai có thể giúp chúng ta thực hiện điều này.
Một khi tâm trí con người có thể được tải lên internet và ở trong máy tính, chúng ta sẽ không phải lo lắng về việc cơ thể bị hủy hoại. Công nghệ di chuyển tâm trí con người ra khỏi cơ thể sẽ là một bước tiến quan trọng trên con đường dẫn đến sự bất tử, nhưng công nghệ này vẫn tồn tại những điểm bất cập. “Nếu bộ não vẫn còn tồn tại sau khi tải lên máy tính, thì bản sao kỹ thuật số không thể là bạn khi bạn vẫn còn sống”, Schneider, tác giả cuốn sách “Artificial You: AI and the Future of Your Mind” được xuất bản năm 2019, nhận định.
Một con đường khác gây tranh cãi hơn là thông qua các chip não. “Đã có rất nhiều lời bàn tán về việc dần thay thế các bộ phận của não bằng những con chip. Nói cách khác, con người sẽ dần chuyển đổi thành một sinh vật nửa người nửa máy (cyborg) và suy nghĩ bằng các con chip thay vì tế bào thần kinh. Nhưng nếu bộ não có mối liên hệ mật thiết với nhận thức về cái tôi của bạn, thì việc thay thế nó đồng nghĩa với việc bạn đã tự sát”, Schneider nói.