Hướng đến một tương lai của ngân hàng số, nơi khách hàng tương tác thông qua các ứng dụng công nghệ, những người trong ngành tin rằng, việc chuyển đổi số ngân hàng thành công hay không dựa trên ba bánh răng: công nghệ - con người – quy trình.
Từ lâu, khi nói về chuyển đổi số, người ta vẫn nói về việc thay đổi tư duy của con người như một yếu tố tiên quyết cho sự thành bại. Trên thực tế, tất thảy mọi thứ đều do con người tạo ra từ công nghệ đến quy trình. Nhìn một cách tách biệt, để chuyển đổi số, ngân hàng có thể không ngần ngại mua công nghệ, thuê chuyên gia giỏi nhất để xây dựng quy trình nhưng người vận hành và sử dụng quy trình ấy thì họ không thể mua được. Con người ở đây có thể kể tới nhiều tầng lớp, từ lãnh đạo – người ra quyết định cho tới các những nhân viên vận hành và tuân thủ theo đúng quy trình để phát huy hiệu quả. Nếu không, tất cả mọi sự đầu tư có thể đều đổ xuống sông xuống bể và mắc kẹt ở bến bờ ngân hàng truyền thống.
Ngân hàng số sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các mô hình kinh doanh sáng tạo dựa trên số hóa. Ảnh: baotintuc.vn
Phải tính đến khách hàng tương lai
Một đặc điểm dễ nhận ra là lãnh đạo của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam đều thuộc thế hệ trước, nghĩa là đã lớn tuổi, đã trải qua hàng chục năm kinh doanh ngân hàng thương mại thành công và không có nhiều trải nghiệm về công nghệ. Thế nhưng, đối tượng khách hàng trong tương lai của họ không phải những khách hàng cũ thuần túy. Họ là thế hệ Z, những người sinh từ năm 1996 trở đi, sành công nghệ và muốn mọi thứ phải diễn ra ngay lập tức như mở tài khoản, chuyển tiền, thanh toán... “Nếu các ngân hàng thương mại vẫn giữ tư duy cũ không đi theo xu hướng của thế hệ Z này thì vài năm nữa, khi họ trưởng thành hơn và trở thành khách hàng quan trọng, các ngân hàng sẽ không còn là đối tượng họ lựa chọn nữa” – ông Phạm Quang Đệ - Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Liên Việt (LienVietTech) chia sẻ sự lo ngại tại Workshop BANKTECH 01: Quản trị Rủi ro trong Chuyển đổi số tại Ngân hàng do Công ty Cổ phần Giáo dục và Đào tạo Tinh hoa Toàn cầu GEET tổ chức.
Tất nhiên, sự lo lắng của ông Đệ là hoàn toàn có lí do khi thị trường fintech đang ngày càng trở nên sôi động hơn với sự ra đời của các ví điện tử hay sắp tới là Mobile Money khi được Ngân hàng nhà nước cấp phép.
Tuy nhiên một trong những rào cản vô cùng lớn mà tất cả các ngân hàng và doanh nghiệp đang gặp phải lại đến từ hai chữ “People tranformation” (chuyển đổi con người –PV). Điều này đã được chính ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch của FPT Telecom nhấn mạnh tại BankTech02 do GEET tổ chức hồi tháng tư vừa qua. Ông Tiến thậm chí còn bày tỏ sự lo ngại khi đi trình bày về chủ đề này tại nhiều ngân hàng lớn: “Khi trình bày ở các ngân hàng lớn, tôi luôn nghi ngờ về khả năng thay đổi của họ. Vì họ quá thành công. Các đơn vị đang tốt rất khó thay đổi. Mặc dù khi nhìn về tương lai, có thể họ có chút nghi ngờ mình sẽ chết” .
Ông Tiến cũng khẳng định, nếu lãnh đạo không thay đổi tư duy, không có sự cam kết sẽ chuyển đổi từ tư duy thì những vấn đề cấp thiết cho chuyển đổi số như công nghệ hay quy trình thì tất cả “chỉ là chuyện vớ vẩn”.
Để thuyết phục lãnh đạo, ông Phạm Văn Đệ - Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Liên Việt (LienVietTech) cho rằng, cách hiệu quả nhất là để người lãnh đạo có thể trực tiếp trải nghiệm những công nghệ và bị gây ấn tượng hoặc cảm thấy hữu ích thật sự. Việc đưa ra những bài thuyết trình được xem là không mấy hiệu quả và hầu như chỉ dành cho các lãnh đạo cấp trung hoặc nhân viên. “Hoặc đôi khi chúng tôi chấp nhận thuê một công ty nước ngoài tư vấn, mặc dù 80% chiến lược đội ngũ nội bộ làm. Tiếng nói của người ngoài vẫn có tính thuyết phục hơn” – ông Đệ nói.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, chưa có ngân hàng nào chuyển đổi số thành công mà lại chỉ dựa vào việc mua sắm công nghệ từ bên ngoài.
Phạm Quang Đệ |
Mô hình nào cho ngân hàng số?
Trong tương lai khi các ngân hàng số được hình thành, các nhân sự mạnh về công nghệ sẽ chiếm tỷ trọng lớn, số lượng nhân viên nghiệp vụ sẽ giảm mạnh. Các chuyên gia cho biết, kinh nghiệm thế giới cho thấy, chưa có ngân hàng nào chuyển đổi số thành công mà lại dựa vào việc mua sắm công nghệ từ bên ngoài. “Tất cả đều phải tự lực” – ông Phạm Quang Đệ nhấn mạnh.
Bởi vậy, trên thế giới hiện nay, có ba mô hình ngân hàng số đang được hình thành là ngân hàng số thuần túy, số hóa ngân hàng thương mại và ngân hàng số đứng sau ngân hàng thương mại. “Mô hình số hóa ngân hàng thương mại được xem là phù hợp nhất trong bối cảnh và điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay” – ông Phạm Quang Đệ bày tỏ. Nguyên nhân là bởi, nếu như ngân hàng số thuần túy đòi hỏi tiềm lực rất mạnh về công nghệ thì ngân hàng số đứng sau ngân hàng thương mại sẽ gặp rất nhiều rào cản do phải phụ thuộc hoàn toàn từ chính sách đến ngân sách từ ngân hàng mẹ.
Ông Trịnh Minh Giang – CEO của GEET cho rằng điều này đến từ sự khác biệt trong mô hình tăng trưởng. Nếu như ở ngân hàng mẹ, sau hàng chục năm vận hành đã đi vào quỹ đạo và cứ thế phát triển dần lên thì ở ngân hàng số lại đang là giai đoạn đầu với phương thức, mô hình hoàn toàn mới.
Điều này đòi hỏi việc phải đầu tư sâu mới có thể tạo ra thành công. Tuy nhiên, việc đầu tư mạo hiểm vẫn là vấn đề khó với lĩnh vực ngân hàng. Vì thế, điều tốt nhất là ngân hàng mẹ chỉ nên là một cổ đông của ngân hàng số mà thôi và ngân hàng này nên đi theo mô hình của một startup và tìm kiếm các nguồn đầu tư mạo hiểm khác.
Đồng tình với ý kiến này, ông Phạm Quang Đệ cho rằng, nếu thành lập một ngân hàng số bên trong ngân hàng thương mại thì bên trong phải được đảm bảo độc lập về mặt tài chính, tư duy và chiến lược. Ngân hàng mẹ lúc này chỉ đóng vai trò rót tiền hoặc hỗ trợ khi cần thiết, đảm bảo việc không áp đặt, không can thiệp vào công việc nội bộ.
Bởi vậy suy cho cùng, việc lựa chọn mô hình nào cho sự phát triển của ngân hàng cho đến các chiến lược liên quan đến chuyển đổi số hay bảo mật đều xuất phát từ ‘con người’. Trong ba bánh răng để vận hành lĩnh vực ngân hàng trong nền kinh tế là công nghệ - con người – quy trình, thì con người đứng ở vị trí trung tâm và giống như động lực để thúc đẩy và liên kết hai yếu tố con lại vận hành theo.