Vẫn còn thiếu khoảng trống
Cách đây 4 năm, Công ty CP Công nghệ OneLink, một startup ở Hà Nội, quyết định tham gia vào thị trường dịch vụ y tế số, sau khi họ nhận thấy người dân mất quá nhiều thời gian để chờ được khám, chữa bệnh, và gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. OneLink đưa ra ý tưởng về một tổ hợp các giải pháp được tích hợp trong chiếc thẻ khám bệnh thông minh.
“Với chiếc thẻ OneLink, thay vì phải đến bệnh viện rất sớm để xếp hàng, lấy số thứ tự khám bệnh, người dân có thể gọi điện qua tổng đài để biết số thứ tự và thời gian dự kiến mình được khám, chữa bệnh. Họ có thể đặt lịch khám trước cả tháng” - ông Trần Việt Vĩnh - CEO của OneLink - cho biết.
Khi đến bệnh viện, người dân chỉ cần chạm thẻ trên máy tiếp đón để in phiếu đăng kí và đi tới phòng khám với thông tin đã đăng kí trước qua tổng đài. Thông tin về người bệnh, kết quả xét nghiệm, kết quả chẩn đoán, đơn thuốc... được lưu trên hệ thống dữ liệu điện tử tập trung, người bệnh hoặc người thân có thể truy vấn, còn bác sỹ có thể truy cập để tham khảo trong quá trình chẩn đoán, điều trị. Người bệnh cũng có thể dùng thẻ để thanh toán viện phí, phí dịch vụ ngay tại phòng khám, tránh phải di chuyển nhiều hoặc kết nối với các dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe từ xa của bệnh viện tại nhà... - ông Trần Việt Vĩnh nói chi tiết về các tính năng của thẻ OneLink.
Hiện thẻ thông minh OneLink đang được triển khai ở hơn 30 bệnh viện trên cả nước, trong đó có Hà Nội, Phú Thọ, và Thái Bình. Tuy nhiên, ông Vĩnh cũng cho biết, để tiếp cận và giới thiệu sản phẩm ra thị trường, đặc biệt tại các bệnh viện lớn, là cả một hành trình gian nan.
Thẻ thông minh Onelink được giới thiệu tại Techfest, Hà Nội, tháng 11/2017.
“Với y tế, chúng tôi mất nhiều thời gian tiếp cận thị trường hơn các lĩnh vực khác. Mặc dù nhận thức của cộng đồng về lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe gần đây đã thay đổi tương đối nhưng để chuyển đổi từ các dịch vụ thông thường sang dịch vụ số còn rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn, lãnh đạo các bệnh viện vẫn hết sức e dè trước quyết định có nên ứng dụng giải pháp thẻ hay không” – ông Vĩnh cho hay.
Quy trình triển khai giải pháp thẻ bao gồm việc cài đặt thiết bị, phần mềm tại bệnh viện; tích hợp giải pháp với hệ thống thông tin mà bệnh viện đang sử dụng; nhân viên của bệnh viện cũng cần được đào tạo về quy trình ứng dụng thẻ, bởi vậy, “Quá trình thuyết phục một bệnh viện chấp nhận triển khai thường kéo dài khoảng 6 tháng hoặc thậm chí hơn một năm” – theo ông Vĩnh.
Nhưng ông Vĩnh nhìn nhận, với dân số hơn 90 triệu người và hơn 1.000 bệnh viện trên toàn quốc, tiềm năng ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế ở Việt Nam là rất lớn. “Các startup hoàn toàn có thể khai thác tiềm năng đó bằng cách tham gia giải quyết bài toán điện tử hóa công tác quản lý khám chữa bệnh, đơn giản hóa các thủ tục, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế.”
Giống như CEO Trần Việt Vĩnh, bà Sandrine Ergon – Giám đốc kĩ thuật Vivosim, một startup phát triển công cụ cải thiện chỉ số ung thư phổi ở Việt Nam - cũng nhận thấy rằng Việt Nam còn nhiều khoảng trống trong lĩnh vực y tế số cho các startup phát triển, hơn nữa, việc triển khai các giải pháp dựa trên nền tảng số khá thuận lợi bởi tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh và tiếp cận internet những năm gần đây cao và vẫn tiếp tục tăng.
Một vài xu hướng đáng chú ý
Bác sỹ Tô Quang Định - trợ lý điều hành Phòng khám Bác sỹ gia đình thuộc Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP HCM - đưa ra lời khuyên cho các startup muốn tham gia vào thị trường chăm sóc sức khỏe, đó là, “Nên tập trung triển khai các ứng dụng, thiết bị theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho các bệnh mãn tính không lây như ung thư, tim mạch, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, và tâm thần. Theo các nhà khoa học, 70% nguyên nhân tử vong ở người già là các bệnh mãn tính không lây, trong khi tháp dân số Việt Nam đến năm 2050 cũng sẽ thay đổi với xu thế người già chiếm tỷ lệ đáng kể, do đó những bệnh mãn tính không lây sẽ ngày càng phổ biến.”
“Xu thế thứ hai là nên tập trung vào các giải pháp phòng bệnh, theo dõi sức khỏe. Phải có giải pháp theo dõi sức khỏe và cảnh báo nguy cơ 24/7” - ông Định bổ sung.
Trong khi đó, ông Vĩnh cho rằng, xu hướng của y tế số trong thời gian tới là sự kết nối và liên thông dữ liệu giữa các cơ sở y tế để tạo ra các hệ thống tư vấn, chăm sóc sức khỏe đồng nhất.
Hiện nay ở Việt Nam, các hệ thống công nghệ thông tin y tế vẫn chưa chia sẻ dữ liệu người bệnh với nhau, liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin, hồ sơ sức khỏe. Các bệnh viện cũng sử dụng những giải pháp, phần mềm khác nhau nên việc kết nối dữ liệu với nhau sẽ là một thách thức tương đối lớn.
Vì vậy, ông Vĩnh mong muốn các cơ quan chức năng sớm ban hành những quy định phù hợp, cho phép liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống công nghệ thông tin đang làm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, để các startup kết nối vào đó và cung cấp những giải pháp y tế tổng thể cho cộng đồng.
Được biết, thời gian tới, OneLink sẽ triển khai hợp tác với các công ty cung cấp phần mềm quản lý bệnh viện để mang dịch vụ của mình đến các bệnh viện trên toàn quốc. Song song với đó, OneLink sẽ mở rộng tính năng của thẻ sang các mảng dịch vụ khác, bao gồm: Hành chính công, thẻ vé giao thông (xe bus, xe khách, tàu điện đô thị...), thẻ tích điểm khi mua hàng, thẻ thanh toán điện tử trong thương mại...