Phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo -Triển lãm quốc tế “Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017 sáng 5/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt 3 câu hỏi cần giải đáp để Việt Nam bắt nhịp cuộc cách mạng 4.0.
Hội thảo còn có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh cùng lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, địa phương và 1500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong nước, nước ngoài, các đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia…
Phát triển kinh tế số, công nghiệp thông minh
Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng cuộc
Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang làm thay đổi căn bản nền kinh tế thế giới. Điển hình là các quốc gia như Đức, Hoa kỳ, Nhật Bản. Hầu hết các nước Tây Âu đã ban hành chiến lược CMCN 4.0.
Cho rằng, Việt Nam từng lỡ nhịp của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 do hoàn cảnh chiến tranh, ông Bình cho rằng với cuộc cách mạng 4.0 phải nắm bắt lấy cơ hội vàng và kiên trì vượt qua các thách thức để phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.
Khẳng định để đạt được thành công chiến lược tổng thể của Việt Nam ông Bình cho rằng cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phải đảm bảo sự đồng bộ, hiệu quả với quyết tâm và nỗ lực cao nhất. Phải vượt qua được tư duy của cách làm cũ trước đây, đồng thời đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của cuộc chiến lược này.
Ông Bình mong muốn từ hội thảo này, các đại biểu đưa ra những đề xuất làm rõ cơ hội và thành thức đóng góp cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ để ban hành những giải pháp, quyết sách căn cơ.
“
Phải hành động quyết liệt, kịp thời để vượt qua thách thức, phát huy mọi lợi thế, tận dụng thành công cơ hội phát triển. Phải có thái độ ứng xử cởi mở, sẵn sàng thử nghiệm những mô thức mới. Phải tạo dựng môi trường thể chế, chính sách, pháp luật thông thoáng, sẵn sàng thích ứng và kiến tạo, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh mới phát triển” – Thủ tướng nhấn mạnh
quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tập trung xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Từ khát vọng và mong muốn đó, Thủ tướng đã đặt ba câu hỏi cần được giải đáp. Theo đó câu hỏi đầu tiên là: "Việt Nam đang ở đâu?”, Thủ tướng đặt vấn đề và mong muốn các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng của nền kinh tế Việt Nam trên phương diện ứng dụng công nghệ mới, phát triển công nghiệp thông minh, nhất là những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức; làm rõ những lợi thế của Việt Nam trong phát triển kinh tế số, nhất là về nguồn nhân lực và sự năng động, sáng tạo của khu vực kinh tế tư nhân, của mọi doanh nghiệp.
Hai là, các nước đang làm gì? Thủ tướng đề nghị các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế số, công nghiệp thông minh, đặc biệt là những nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc và các nước ASEAN; trong đó nêu rõ những bài học kinh nghiệm và điều kiện áp dụng. Nhiều nước thành công nhưng cũng nhiều nước thất bại, kể các các nước đã phát triển và đang phát triển. Vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu kỹ, phân tích cụ thể để tránh bài học thất bại, áp dụng bài học thành công.
Ba là, Việt Nam cần làm gì để phát triển thành công nền kinh tế số, công nghiệp thông minh? Thủ tướng đề nghị tập trung đề xuất, kiến nghị cụ thể về chiến lược, định hướng và giải pháp phát triển kinh tế số, công nghiệp thông minh ở Việt Nam thời gian tới, trong đó chú trọng tính hiệu quả, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế.
Trên cơ sở bức tranh chung, Thủ tướng mong muốn nhận được những đề xuất, kiến nghị cụ thể về chiến lược, định hướng và giải pháp phát triển kinh tế số, công nghiệp thông minh ở Việt Nam thời gian tới, trong đó chú trọng tính hiệu quả, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế.
Khẳng định đây là một nhiệm vụ rất khó khăn và phức tạp, nhất là trong bối cảnh nguồn lực còn hạn hẹp và trình độ phát triển kinh tế - xã hội chưa cao, song Thủ tướng kỳ vọng sự nỗ lực chung, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành việc làm và hành động cụ thể; chuyển hóa được công nghệ và ý tưởng sáng tạo thành giá trị gia tăng, giải quyết được vấn đề của thực tiễn đặt ra, tạo được việc làm và sản phẩm, dịch vụ mới.
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương chia sẻ, thực tế ở Việt Nam, tuy chưa có chiến lược riêng về thúc đẩy CMCN 4.0, nhưng trong từng lĩnh vực liên quan, đã có những định hướng và chiến lược cụ thể.
Theo đó trong các chỉ đạo của Chỉ thị số 50 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; các chiến lược phát triển Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam; Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011-2020 với việc xác định các lĩnh vực ưu tiên bao gồm: CNTT-TT, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo máy - tự động hoá;
Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.0… đã góp phần chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nguồn lực Việt Nam tận dụng được cơ hội của CMCN 4.0, song phía trướng vẫn còn nhiều việc phải làm.
“Nếu nói rằng công nghiệp thông minh là công nghiệp của sự kết nối, sáng tạo thì sự tiếp cận của chúng ta trong thời gian qua còn rời rạc, thiếu kết nối. Vẫn đang là các hoạt động của từng ngành, từng khối riêng lẻ. Vẫn đang là sự đổi mới “cũ”, chưa có sự sáng tạo, đột phá trong cách tiếp cận” – ông Phạm Đại Dương nói và kiến nghị để có thể tiếp cận thành công cơ hội của CMCN 4.0, chúng ta cần xây dựng thế mạnh và giá trị cốt lõi của Việt Nam dựa trên nhân tố đột phá là đổi mới sáng tạo, trên cơ sở sự phối hợp nhịp nhàng giữa Chính phủ và doanh nghiệp.
Trên góc nhìn KH&CN, ông Phạm Đại Dương cũng nêu các khuyến nghị. Cụ thể:
- Nhà nước cần chủ động hơn trong việc phối hợp với các doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp làm trung tâm trong xây dựng các chính sách. Đặc biệt là các chính sách hướng tới phát triển công nghiệp 4.0, chính sách hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp chuyển đổi số hoá, chuyển giao và đổi mới công nghệ.
- Các doanh nghiệp cần tích cực, chủ động hơn trong phối hợp với Chính phủ, chia sẻ với Chính phủ về nguồn lực để phát triển hạ tầng, tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia.
- Quyết liệt đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, đặc biệt là dạy nghề. Phát triển một số sản phẩm có khả năng cạnh tranh chiến lược ở tầm quốc gia.
- Có chiến lược hợp tác cụ thể với các quốc gia đi đầu trong khu vực để cùng phát triển những thế mạnh của mình, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
- Cần sự chung tay của nhóm các chuyên gia cao cấp từ các khối doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và chính phủ để khảo sát, đánh giá lại hiện trạng sẵn sàng với CMCN 4.0của Việt Nam, dự báo một số kịch bản tác động của CMCN 4.0 tới Việt Nam, từ đó xây dựng chiến lược tiếp cận CMCN 4.0 một cách rõ ràng hơn cho Việt Nam.
Tại hội thảo – triển lãm, nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế, đại diện các doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều ý kiến góp ý, chia sẻ kinh nghiệm để Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội vàng của CMCN 4.0.