Bạn muốn xem phim 3D, xem ảnh 3D ngay trên màn hình LCD của máy tính hoặc laptop nhưng không thoải mái với cặp kính? Para3D do các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu và phát triển sẽ giúp bạn được như ý.

Lựa chọn duy nhất

Para3D là tấm chắn màn hình trong suốt chất liệu kính dày 3-4 mm do CoopLab 3D tự thiết kế và chế tạo. Được đặt áp chặt lên trước màn hình LCD của PC, Para3D sử dụng nguyên lý Parallax Barrier (chắn thị sai) để tạo hiệu ứng 3D. Khi chạy phim 3D, hai khuôn hình trái-phải của phim được phần mềm mã hóa tích hợp.

Para3D gồm các sọc dọc đen trắng cực nhỏ với thông số thiết kế đặc biệt có chức năng phân tách hai luồng hình ảnh sao cho ở một vị trí ngồi xác định, người quan sát sẽ nhận được một cách tách biệt ảnh trái và phải cho mỗi mắt tạo hiệu ứng 3D.

Xem phim 3D trên PC trên không cần dùng kính đeo (glasses-free) giống như xem ảnh nổi 3D lenticular. Para3D chạy tốt với các định dạng 3D thông dụng nhất là Side-by-Side, Over-Under. Việc lắp ráp tấm chắn mỗi khi xem cũng đơn giản với các vít cố định. Para3D còn được sử dụng để xem ảnh 3D trên Internet hay chụp từ máy ảnh 3D của bạn.

Tuy nhiên, giống như các công nghệ xem 3D không kính (glasses-free) khác, Para3D chỉ cho hiệu ứng 3D chỉ rõ nét nhất ở khoảng cách tối ưu (± 10÷15 cm). Độ sâu 3D sẽ kém dần đi hoặc xuất hiện hiệu ứng cầu vồng nếu quá xa hoặc quá gần. Para3D được thiết kế sử dụng cho tất cả các thương hiệu LCD, chỉ phân loại theo số inches của màn hình, với 6 loại kích cỡ (14”, 15.6”, 18.5”,20”, 21.5”, 23”) cho các loại LCD PC thông dụng nhất trên thị trường.

Para3D là tấm chắn màn hình PC cho hiệu ứng hình ảnh 3D. Ảnh: Phạm Phượng

Ths Phạm Hoàng Minh, đồng tác giả của Para3D, phân tích: “Với tivi 3D, được tích hợp sẵn tấm kính 3D bên trong màn hình, bạn vẫn phải đeo kính khi xem, hơn nữa bạn phải mua “nguyên bộ” nghĩa là một chiếc tivi có kèm màn 3D đã được tích hợp sẵn, và cặp kính. Như vậy chi phí sẽ rất lớn, trong khi, truyền hình 3D lại chưa được phát triển đồng bộ. Ngược lại, nếu bạn đã có sẵn một màn hình máy tính phù hợp thì bạn chỉ cần mua thêm tấm phụ kiện Para3D giá từ 500 - 800 nghìn đồng tùy kích thước màn hình, là có thể xem phim 3D mà không cần đeo kính.”

TS Vũ Thị Thu Lan, Phó Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đánh giá: “Giải pháp xem phim 3D không dùng kính trên máy tính là sản phẩm duy nhất ở Việt Nam và cả trên thế giới. Việc loại bỏ cặp kính 3D khi xem là một ưu điểm nổi bật. So với xem TV 3D, chất lượng hiệu ứng ở mức khá, bằng khoảng 80%, mà giá lại rất rẻ.”

Para3D cũng là lựa chọn duy nhất để xem phim/ảnh3D trên máy tính cá nhân, vì những công nghệ 3D dùng kính đeo chỉ hỗ trợ với TV và máy chiếu.


Những người đi tiên phong

CoopLab 3D là tên viết tắt của Cooperman Laboratory 3D, trực thuộc Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đây là đơn vị đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ hiển thị hình ảnh 3D với cơ sở vật chất bao gồm dãy phòng thí nghiệm trọng điểm về quang học quang phổ, phòng R&D, phòng chiếu demo 3D, xưởng sản xuất, tất cả đều nằm trong khuôn viên của Viện Hàn lâm.

CoopLab 3D bắt đầu nghiên cứu các công nghệ hiển thị hình ảnh 3D từ rất sớm, trước khi phim 3D trở thành trào lưu. Mặc dù phim nổi 3D đã có từ lâu, nhưng mới tồn tại ở dạng phim ngắn. Mãi đến năm 2009, bộ phim điện ảnh bom tấn Avatar được quay bằng kỹ thuật IMAX mới thổi bùng lên cơn sốt phim 3D trên khắp các châu lục. Vậy mà từ trước đó 7 năm, các nhà nghiên cứu ở CoopLab 3D đã giới thiệu ra thị trường hệ thống chiếu phim 3D công nghệ phân cực. Cùng với tranh nổi 3D, đây là sản phẩm chủ đạo đã được thương mại hóa rất thành công của họ.

ThS Phạm Hoàng Minh cho biết: “Năm 2014 chúng tôi được giải nhì sáng tạo kỹ thuật toàn quốc VIFOTEC cho sản phẩm hệ thống chiếu phim 3D công nghệ phân cực. Giải thưởng góp phần giúp chúng tôi xây dựng thương hiệu một sản phẩm công nghệ chất lượng cao của Việt Nam. Hiện đã có 84 rạp chiếu phim ở 34 tỉnh thành trên cả nước lắp đặt hệ thống của chúng tôi và các đối tác ở mảng này vẫn không ngừng được mở rộng.”

Tấm màn chắn Para3D cho máy tính cá nhân được phát triển cũng trên chính đà thành công đó của nhóm nghiên cứu.