Sau hơn 6 tháng ra mắt, startup công nghệ âm thanh Waves đã có hơn 30 chương trình tự sản xuất, hợp tác với hơn 100 nhà sản xuất nội dung và có hơn 500.000 chương trình âm thanh podcast và online radio bằng nhiều ngôn ngữ.
Trong bối cảnh làn sóng podcast đang thịnh hành ở Bắc Mỹ và châu Âu sẽ sớm lan sang châu Á, đặc biệt là Việt Nam, Waves đang làm mọi điều để trở thành người dẫn đầu làn sóng ấy.
Đáp ứng nhu cầu nghe của người dùng Việt Nam
Hiện nay, khái niệm nội dung âm thanh như podcast vẫn còn khá mới với người nghe cũng như cộng đồng sáng tạo nội dung. Mọi người quen thuộc hơn với việc viết blog, tạo video trên YouTube, chia sẻ trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo. Nhưng ở một tầm nhìn xa hơn, Tổng giám đốc quỹ Insignia Ventures Partners tại Singapore Yinglan Tan – quỹ đầu tư đã rót vốn vào Waves tin rằng “Với sự thống trị của các nền tảng như Spotify và SoundCloud ở những nước đã phát triển, xu hướng nội dung âm thanh sẽ trở thành cuộc cách mạng tiếp theo của nội dung số, và xu hướng này đã đến khu vực Đông Nam Á”.
Trong khi đó, sứ mệnh mà những nhà sáng lập Waves đặt ra cho startup này là: “Nước nào trong khu vực cũng có một siêu ứng dụng được phần đông người dân sử dụng, như Singapore có Grab, Indonesia có GoJek. Trong khi đó, Việt Nam chưa thực sự có một ứng dụng nào có độ phổ biến mang tính khu vực hoặc toàn cầu. Vì thế, tham vọng của Waves là tiến ra toàn khu vực và trở thành một trong những niềm tự hào của người Việt”.
Điều đó khiến đồng sáng lập ứng dụng giúp việc bTaskee Lê Tự Quốc Minh quyết định bắt tay để triển khai ý tưởng về nền tảng chia sẻ nội dung âm thanh với Kevin Gao - người sau khi tốt nghiệp đại học Stanford đã tham gia khởi nghiệp 3 startup tại Silicon Valley.
Vài ngày sau, hai nhà sáng lập đã có phiên bản chạy thử đầu tiên với nhiều nội dung khác nhau và nhận ra nội dung âm thanh thực sự thú vị và nhiều tiềm năng ở Việt Nam. Quan trọng hơn hết, họ nhận thấy thói quen nghe nội dung âm thanh đã có sẵn vì người Việt rất thích nghe radio, dành rất nhiều thời gian để xem và nghe nội dung số trên YouTube và Facebook.
Giám đốc Kinh doanh Waves Đỗ Bảo Sang, người từng là chuyên viên đầu tư quỹ Renn Ventures ở Silicon Valley và 500 Startups Vietnam, chia sẻ: “Việt Nam là một trong năm thị trường có lượng tiêu thụ nội dung YouTube lớn nhất trên thế giới và ước tính có khoảng 20-30% số người dùng YouTube bật video lên để nghe khi đang bận tay làm việc khác như tập thể dục, lái xe, làm việc, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Nhưng thật sự YouTube không phải là một nền tảng lý tưởng để nghe nội dung vì xem video tốn kha khá lưu lượng dữ liệu và không tiếp tục nghe được nội dung khi tắt ứng dụng YouTube… Vì vậy nên tôi và đội ngũ Waves muốn xây dựng một nền tảng công nghệ chuyên tập trung vào nội dung âm thanh để thính giả Việt tha hồ khám phá và nghe những chương trình podcast và online radio như tóm tắt sách, học tiếng Anh, chuyện ngắn, tâm sự, kinh doanh, lịch sử, thể thao, sức khỏe, tâm lý, tình cảm… một cách dễ dàng và tiện lợi nhất.”
Sự khác biệt để thu hút các nhà sáng tạo nội dung
Thực tế, hệ sinh thái âm thanh online đang có nhiều nền tảng cạnh tranh với nhau như Spotify, SoundCloud, Apple, Google... Sức hấp dẫn của mỗi nền tảng nằm ở sự khác biệt của các nhà sáng tạo nội dung (creator). Waves biết điều đó. Bởi thế, chỉ trong vòng 3 tháng qua, nền tảng này đã thu hút được hơn 100 creator hàng đầu để phát hành kênh podcast như IELTS Face-Off (VTV7), nhà xuất bản Nhã Nam, Tinh Tế, Spiderum, Liêu Hà Trinh, An Nguy, Tôi Đi Code Dạo... Ngoài ra, Waves còn hợp tác và quảng bá những chương trình podcast như Những câu chuyện làm “Ngành”, The Blue Expat, Unlock FM, Du và Học Podcast, Nằm nghe đọc truyện - Hathaya Audio.
Không chỉ vậy, Waves thu hút và giữ chân thính giả bằng một số chương trình podcast tự sản xuất và phát hành trên ứng dụng của mình như những câu chuyện đơn giản nhưng sâu sắc của con người trên khắp Việt Nam với Humans of Vietnam, Bookaster Tóm Tắt Sách, những câu chuyện, bài thơ, tâm tư gửi gắm từ thính giả với Hộp Đen Cảm Xúc (do Liêu Hà Trinh thực hiện cùng các khách mời đặc biệt như Nguyễn Trần Trung Quân, Đào Bá Lộc…), đã thu hút được nhiều sự chú ý trên Facebook. Waves cũng tập trung vào việc mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người nghe trên ứng dụng với tính ổn định cao, giao diện đơn giản, số lượng chương trình đa dạng với thuật toán chuyên giới thiệu nội dung tiếng Việt khi người dùng đăng nhập bằng tiếng Việt và có thể tải về để nghe dù không có Internet.
Khi được hỏi về việc có xem Spotify là đối thủ chính trong hành trình chinh phục thính giả của mình, Đỗ Bảo Sang cho rằng, Spotify chú trọng vào âm nhạc còn Waves lại đặt trọng tâm vào nội dung âm thanh như podcast và online radio bằng tiếng bản địa tại Đông Nam Á. Đây được xem là điểm khác biệt lớn mà Waves nhắm đến để cạnh tranh với các nền tảng công nghệ âm thanh lớn trong khu vực và thu hút người dùng từ YouTube.
“Việc thay đổi nhận thức cũng như thói quen của người Việt không phải chuyện dễ dàng, nhưng hãy nhớ lại, cách mà Instagram và TikTok đã thành công. Cũng là chia sẻ nội dung trên mạng xã hội nhưng Instagram tập trung vào hình ảnh và tạo trải nghiệm hoàn toàn khác biệt để trở thành nền tảng chia sẻ hình ảnh không thể thiếu với giới trẻ toàn cầu. Hay như ở thời điểm ra đời, TikTok được cho là ý tưởng nhàm chán nhưng việc chỉ tập trung vào video ngắn đang giúp mạng xã hội này là một hiện tượng toàn cầu với những tính năng phù hợp với thế hệ Z – những người dành nhiều thời gian trên Internet. Đây cũng là đối tượng người dùng khá thú vị với những sở thích, thói quen đặc biệt mà Waves hướng đến.” – Đỗ Bảo Sang chia sẻ.
Trong năm 2020, startup này sẽ tập trung hoàn thiện hơn theo nhu cầu của các nhà sáng tạo nội dung và người dùng để Waves trở thành một thói quen hằng ngày của người Việt.