Khi COVID-19 dần được kiểm soát và học sinh quay trở lại trường học, các startup Edtech như Vuihoc.vn phải liên tục cải tiến sản phẩm để Vuihoc.vn có được hơn 100.000 người dùng trả tiền.

Giải bài toán của giáo dục Việt

Theo báo cáo Công nghệ giáo dục Việt Nam 2021 do Edtech Agency phối hợp cùng Công ty Tư vấn Quản lý OCD thực hiện, thị trường EdTech Việt Nam được đánh giá vô cùng tiềm năng với tổng vốn đầu tư khoảng 20,2 triệu USD, lọt vào top 10 thị trường Edtech có tốc độ tăng trưởng lớn nhất thế giới, Năm 2021, theo Do Ventures, Edtech là một trong ba lĩnh vực có mức tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam. Việc đầu tư vào một thị trường như Việt Nam không đơn thuần là nhìn thấy cơ hội trong dịch bệnh mà trong tương lai, Edtech sẽ trở thành lựa chọn phổ biến của phụ huynh Việt Nam - nơi mà các gia đình sẵn sàng dành tới hơn 40% chi tiêu cho việc học tập của con.

Một học sinh đang thực hiện các bài tập trên Vuihoc.vn

Trước đại dịch, nhiều phụ huynh ‘lắc đầu quầy quậy’ khi nghe đến việc học trực tuyến. Không nhiều người tin rằng một thầy, cô giáo ở xa lại có thể giúp con mình học tốt hơn. “Nguyên nhân sâu xa là khả năng tự học của học sinh Việt Nam chưa tốt. Trong khi học trực tuyến đòi hỏi học sinh phải chủ động”- anh Đỗ Ngọc Lâm - nhà sáng lập của Vuihoc.vn nói với Khoa học và Phát triển. Không chỉ vậy, từ năm 2019, khi bắt tay vào phát triển Vuihoc.vn, anh Lâm và cộng sự còn nhận thấy những bài toán khác của ngành giáo dục Việt, như sự mất cân bằng giữa nguồn giáo viên có chất lượng của khu vực thành thị và nông thôn, sự thiếu hụt nguồn học liệu chất lượng cao ở vùng sâu vùng xa.

Nghiên cứu thị trường, họ cũng nhận thấy, các sản phẩm Edtech đang tập trung vào sản phẩm ôn thi đại học, các sản phẩm dành cho học sinh các cấp còn lại chưa được đầu tư đúng mức. “Với mong muốn trở thành nền tảng cho các em học sinh học tập hiệu quả với tâm trạng vui vẻ, chủ động, chúng tôi đã chọn tên Vui Học. Vuihoc.vn tập trung vào việc mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng sử dụng ứng dụng, từ đó nâng cao hiệu quả học” – anh Đỗ Ngọc Lâm giải thích. Vuihoc.vn đã thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn sâu với phụ huynh, học sinh để hiểu tâm lý, thói quen, sở thích, mong muốn để xây dựng sản phẩm tốt nhất. Họ nhận thấy nhiều điều thú vị, như là phụ huynh có hai tệp về quan điểm dạy con. Một nhóm rất thoải mái, tôn trọng quyết định để con phát triển tự nhiên. Một nhóm rất sát sao với việc học của con, dành nhiều thời gian để thời gian học cùng con. Hay tâm lý người Việt Nam không thích việc tìm tòi, khám phá như người nước ngoài, nên sản phẩm phải ‘bày sẵn’ chứ không được ‘hướng đến tìm kiếm phân tích’. Các ứng dụng Edtech nước ngoài thành công cũng hướng xây dựng bài giảng bằng cách học sinh chuẩn bị bài trước, rồi thảo luận trước khi giảng viên chia sẻ kiến thức. Ở Việt Nam, mọi việc đều ngược lại, giáo viên cần xây dựng một chương trình bổ trợ cùng với lộ trình dạy truyền thống để học sinh thêm hiểu. Những hiểu biết đó trở thành nền tảng quan trọng để Vuihoc.vn xây dựng các tính năng.

Anh Đỗ Ngọc Lâm giải thích: “Chúng tôi cũng phân tích tâm lý từng lứa tuổi để đưa ra học liệu phù hợp ở từng bộ môn với từng học sinh. Khi đó, người dùng sẽ cảm thấy cuốn hút với từng bài học, hứng thú với việc học và tiến bộ dần lên”.

Thấu hiểu khách hàng nên Vuihoc.vn được tự tin giới thiệu là sản phẩm công nghệ tổng hòa nhiều yếu tố từ nội dung đến trải nghiệm mượt mà, sản phẩm dễ sử dụng, đội ngũ chăm sóc khách hàng tận tình. Thậm chí với những khách hàng ở vùng nông thôn, chưa quen sử dụng smartphone và máy tính, đội ngũ chăm sóc khách hàng có kịch bản hướng dẫn chi tiết.
Trong đó, Vuihoc.vn ứng dụng phương pháp VSA trong việc đào tạo và giảng dạy trực tuyến. Trong đó, Visual là xây dựng giáo án bằng công nghệ đồ họa trực quan, sử dụng nhiều hình ảnh, ví dụ sinh động, gần gũi với cuộc sống. Self Practice là chú trọng việc tự ôn luyện (thông qua hệ thống bài tập và đề thi phong phú, thường xuyên được cập nhật), giúp học sinh hiểu sâu, nhớ lâu, vận dụng kiến thức tốt. Analytics là cách sử dụng phương pháp thống kê, đánh giá kết quả học tập của học sinh định kỳ mỗi tháng để kịp thời thay đổi cấp độ giáo trình, phương pháp tiếp cận vấn đề và cách truyền tải… cho phù hợp.

Ba năm quyết định thị phần

Trải qua ba năm đầu tiên, trong đó có hai năm lịch sử của nhân loại, Vuihoc.vn có hơn 100.000 người dùng trả phí và tỷ lệ đăng nhập sử dụng hằng tháng là 50%. Vuihoc.vm cũng lựa chọn cung cấp chương trình học ở ba môn cốt lõi (Toán,Tiếng Việt, Tiếng Anh) cho học sinh tiểu học ở tất cả các bộ sách giáo khoa theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Startup này đang cung cấp trên nền tảng 150 khóa học, gần 9000 bài giảng video với kho bài tập gồm 240.000 câu hỏi.

Cái hay của Vuihoc.vn là việc chia nhỏ các bài học, mỗi bài chỉ kéo dài từ 10-15 phút, chứ không phải 30-35 phút. Trò chuyện với học sinh, họ hiểu rằng thời gian đó là vừa đủ để duy trì sự hứng thú.Vuihoc.vn cũng dùng nhiều nội dung minh họa sinh động để học sinh không cần học quá nhiều mà vẫn nắm được kiến thức cơ bản và chỉ cần thêm 10-15 phút để củng cố kiến thức.

Trong mỗi video, các bài giảng được thể hiện thông qua hình ảnh, các bài tập được trò chơi hóa thành đố vui, các câu hỏi liên quan đến bài giảng có thể được đội ngũ trợ giảng giải đáp thông qua công cụ chat trực tuyến. Với mục tiêu tối ưu hóa trải nghiệm học tập online, startup này còn cung cấp tính năng lớp học livestream nhằm đáp ứng nhu cầu tương tác tại chỗ giữa học sinh và giáo viên.

“Chúng tôi hướng đến duy trì việc học đều đặn chứ không gò bó các em học quá nhiều mỗi buổi. Học đều đặn sẽ mang lại hiệu quả hơn và giúp tỷ lệ người dùng quay trở lại nhiều hơn” – anh Lâm giãi bày.

Nhà sáng lập này thừa nhận, hai năm COVID-19, họ không có cú tăng trưởng sốc nào như nhiều người vẫn nghĩ, mà chỉ tăng trưởng đúng lộ trình. Nhưng điều quan trọng hơn, là COVID-19 đã khiến phụ huynh đã có cái nhìn khách quan với những ưu, nhược điểm về học trực tuyến.

“Phụ huynh giờ đã coi học trực tuyến là một lựa chọn cho con mình. Điều quan trọng là sản phẩm của chúng tôi phải chứng minh được hiệu quả, như làm các em hứng thú và học tập có tiến bộ. Điều đó đến từ chất lượng của khóa học”- anh Lâm nói. Quan trọng hơn, thị trường Edtech Việt Nam chưa có một key player - startup chiếm thị phần rất lớn như Grab hay Shopee trong lĩnh vực gọi xe công nghệ hay thương mại điện tử. Vì thế, nhà sáng lập cho rằng, ba năm tới là thời điểm rất quan trọng của giáo dục trực tuyến khi các đơn vị dẫn dắt thị trường sẽ dần xuất hiện và gắn liền với hình ảnh của học trực tuyến.

Khi được hỏi, Vuihoc.vn có đặt mục tiêu trở thành "người khổng lồ đó hay không", nhà sáng lập Đỗ Ngọc Lâm tiết lộ, “mục tiêu của Vuihoc.vn là có 1 triệu người dùng trả phí trong ba năm tới”. Theo tính toán, con số này chiếm 30% số lượng học sinh học trực tuyến. Trong giáo dục, tính cá nhân hóa rất lớn nên nhà sáng lập này cho rằng, sẽ không thể có một startup nào như Grab hay Shopee trong Edtech trên thị trường.

Chính bởi tính địa phương hóa, bản địa hóa rất lớn nên theo góc nhìn của Vuihoc.vn, thị trường Edtech trong nước sẽ thuộc về startup Việt Nam chứ không phải các startup ngoại. “Giáo dục liên quan đến văn hóa, hệ thống giáo dục của quốc gia và sự định hướng phát triển của phụ huynh với con cái. Sẽ rất khó để một startup nước ngoài đến và hiểu được bài toán đó sâu sắc như những người bản địa, vốn được sinh ra và thụ hưởng thụ văn hóa, giáo dục Việt Nam” – anh Lâm giải thích.

Ba năm tới cũng được xác định là giai đoạn quan trọng để các startup vươn lên và chiếm lĩnh thị phần, sau khi người dùng đã có những hiểu biết về ưu, nhược điểm của giáo dục trực tuyến, và coi đây là một trong số những lựa chọn cho việc học của con cái. Vuihoc.vn hướng sản phẩm đến đối tượng khách hàng cuối là các phụ huynh và học sinh, để họ đánh giá, thẩm định sản phẩm này có phù hợp, hiệu quả để từ đó đồng hành cùng con cái của mình. Startup này lựa chọn phương thức tăng trưởng quan trọng là ‘word of mouth” – sự truyền miệng, giới thiệu của các phụ huynh với bạn bè, người thân. Quan điểm của nhà sáng lập Đỗ Ngọc Lâm là, đối tượng khách hàng này sẽ dễ bỏ tiền ra mua khóa học do được người quen giới thiệu, đã nhìn thấy hiệu quả kiểu “mắt thấy tay sờ”. Phần việc còn lại thuộc về Vuihoc.vn, xây dựng bài học đủ sức hấp dẫn với học sinh và mang lại kết quả tốt. Bởi thế, trong lộ trình trung hạn, doanh thu chính của Vuihoc.vn được xác định sẽ đến từ kênh này.