Nếu trước đây việc tìm kiếm mộ liệt sĩ qua giấy báo tử, cơ quan quản lý địa phương gặp nhiều khó khăn thì hiện tại, nhờ các công cụ tra cứu và số hóa, các gia đình có thể tìm kiếm thông tin của liệt sĩ, nghĩa trang và các khu mộ thông qua một số website.

Số hóa dữ liệu mộ liệt sĩ Việt Nam
Ảnh minh họa: QĐND

Dự án cộng đồng lietsi.com

Từ năm 2012, anh Lê Công Thành, một cái tên quen thuộc trong giới startup và ngành dữ liệu/AI tại Việt Nam, đã khởi động dự án phi lợi nhuận "Lietsi.com - Các anh không vô danh" nhằm số hóa dữ liệu mộ liệt sĩ.

Khi tìm kiếm theo tên liệt sĩ, người tra cứu có thể được trả lại thông tin về địa điểm nghĩa trang yên nghỉ của liệt sĩ hoặc những thông tin chi tiết khác như nguyên quán, ngày hi sinh, đơn vị, cấp bậc... Công cụ cũng gợi ý thông tin của những liệt sĩ cùng tên nếu người tra cứu không ghi rõ quê quán, năm sinh.

Gia đình anh Nguyễn Anh Tuấn có người thân là liệt sĩ, đã nhiều lần đi tìm nhưng chưa thấy. Vài năm trước, trong một lần vào facebook, anh tình cờ tìm được trang lietsi.com và thử tra cứu tên của bác mình dù không hy vọng quá nhiều. Bất ngờ là anh đã tìm được thông tin mộ liệt sĩ đúng tên Nguyễn Văn Bình, quê quán Ninh Xá, Bắc Ninh, trùng khớp với thông tin của người thân. Chỉ có điều ngày hi sinh trên mộ được ghi là 12/9/1972 trong khi đó trong giấy báo tử là 12/8/1972.

Anh Tuấn liên hệ ngay với đội ngũ của lietsi.com và nhờ thẩm tra giúp và được các cộng tác viên tại Quảng Trị đi xe máy 40km từ Đông Hà lên tận xã Cam Chính để kiểm tra thông tin và chụp bức ảnh xác thực gửi về cho gia đình anh.
Dự án số hóa dữ liệu mộ liệt sĩ (lietsi.com) | Ảnh chụp màn hình, 27/07/2022
Giao diện trang web lietsi.com | Ảnh chụp màn hình, 27/07/2022

Đến nay, dự án lietsi.com đã thu thập được hơn 743 nghìn bản ghi dữ liệu về thông tin của các liệt sĩ đang nằm ở gần 3.000 nghĩa trang liệt sĩ trên khắp cả nước. Các thành viên của dự án đã tiến hành phân loại, xác định trùng lặp và bổ sung dữ liệu cho danh sách này.

Dự án hướng tới hai mục tiêu: (i) Số hóa toàn bộ các nghĩa trang liệt sĩ ở Việt Nam (ii) Xây dựng ngân hàng dữ liệu gene của toàn bộ các gia đình có thân nhân là liệt sĩ còn chưa tìm được, tạo thành cơ sở dữ liệu đối chứng cho các hoạt động xác định danh tính liệt sĩ trong tương lai.

Là một công cụ xây dựng trên sức mạnh cộng đồng, dự án lietsi.com kêu gọi sự tham gia của các tình nguyện viên, đặc biệt là những chuyên gia về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học phân tử ... để xây dựng và phát triển các công cụ công nghệ hỗ trợ cho dự án như công cụ chụp ảnh, số hóa ảnh, sửa lỗi dữ liệu, lưu trữ và khớp dữ liệu gen, truyền thông,...

Tìm mộ liệt sĩ trên trang web chính thống của Nhà nước

Năm 2018, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng đã triển khai xây dựng website quản lý thông tin, mộ liệt sĩ để đồng bộ cơ sở dữ liệu liệt sĩ, tạo cơ sở thực hiện chính sách chung trong việc chăm sóc người có công với cách mạng tại địa chỉ http://thongtinlietsi.gov.vn.

Trang web đã thu thập được thông tin của hơn một triệu mộ liệt sĩ từ hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ khắp cả nước. Hơn 2,6 triệu bức ảnh mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ đã được các nhân viên Bưu điện Việt Nam trên khắp cả nước chụp lại bằng smartphone có cài phần mền có các tính năng: chụp ảnh bia mộ liệt sĩ, gắn tọa độ, thời gian, dán nhãn nội dung từng bức ảnh... để gửi về máy chủ, so sánh với dữ liệu đã có sẵn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ | Ảnh chụp màn hình ngày 27/07/2022
Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ | Ảnh chụp màn hình ngày 27/07/2022

Đến nay, việc thu thập, rà soát dữ liệu ảnh mộ liệt sĩ của các nghĩa trang trên cả nước đã cơ bản được hoàn thành, chỉ còn một số nhỏ các ảnh mộ liệt sĩ chưa được thu thập và chỉnh sửa do nghĩa trang đang được tu sửa.

Thân nhân liệt sĩ có thể tìm mộ liệt sĩ theo "Tên liệt sĩ", theo "Tỉnh hi sinh" hoặc theo "Nghĩa trang yên nghỉ". Kết quả tìm kiếm sẽ hiển thị ra sơ đồ các khu mộ trong nghĩa trang, ảnh các bia mộ và có thể từ đó tra cứu thông tin của từng ngôi mộ.

Ngoài ra, Cổng thông tin còn tích hợp bản đồ chỉ đường đến nghĩa trang, hình ảnh tổng quan của các nghĩa trang, và địa chỉ liên hệ. Cổng thông tin cũng có tính năng tiếp nhận thông tin do người dân cung cấp về danh tính liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ và thân nhân của liệt sĩ.

Tra cứu bản đồ một nghĩa trang liệt sĩ ở Tuyên Quang | Ảnh chụp màn hình ngày 27/07/2022
Tra cứu bản đồ một nghĩa trang liệt sĩ ở Tuyên Quang. Khi ấn vào từng vị trí phần mộ sẽ hiện ra ảnh chụp bia mộ và thông tin chi tiết của liệt sĩ | Ảnh chụp màn hình ngày 27/07/2022

Bên cạnh Cổng thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ, từ năm 2013, Chính phủ đã triển khai Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, trong đó có phương pháp giám định gen hài cốt liệt sĩ, giao cho 3 cơ quan thực hiện là Viện Pháp y quân đội (Bộ Quốc phòng); Viện Pháp y quốc gia (Bộ Y tế) và Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Gia đình liệt sĩ có thể gửi yêu cầu giám định gen và mẫu sinh phẩn thông qua các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tại nơi có mộ hoặc nơi thân nhân liệt sĩ cư trú. Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí một lần đối với mỗi liệt sĩ cần xác định danh tính.