Là ứng dụng dành cho người Việt, song Vmood thực chất được phát triển từ một nghiên cứu tự quản lý trầm cảm không sử dụng thuốc tại Canada. Các nhà khoa học đã dành 12 năm nỗ lực điều chỉnh, số hóa để biến công trình nghiên cứu dành cho người dân ở đất nước phát triển thành một ứng dụng tương thích với người Việt Nam.

Một khảo sát tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP. Thủ Đức vào năm 2021 ghi nhận 53,3% bệnh nhân điều trị tại đây bị rối loạn lo âu, 20% trầm cảm và 16,7% stress. Đặc biệt, những ca từng thở HFNC (oxy lưu lượng cao), thở oxy qua mặt nạ hoặc thở máy, tỉ lệ trầm cảm và tỉ lệ rối loạn lo âu lên tới 66,7%1. Ngoài ra, COVID-19 cũng khiến quy trình cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh và điều trị các rối loạn tâm thần bị gián đoạn và gặp nhiều hạn chế.

Thực chất, người mắc trầm cảm và rối loạn lo âu từ lâu đã khó tiếp cận các dịch vụ sức khỏe tâm thần, COVID-19 xảy đến chỉ làm trầm trọng thêm những rào cản vốn có. Tại Việt Nam, hàng chục năm nay, “tình trạng thiếu chuyên gia và dịch vụ sức khỏe tâm thần tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe tổng thể và chăm sóc ban đầu đã tạo ra một khoảng trống nghiêm trọng trong điều trị trầm cảm”, ThS.BS Vũ Công Nguyên (Phó Viện trưởng Điều hành Viện Dân số, Sức khoẻ và Phát triển) nhận định. Bên cạnh đó, các nhân viên y tế thường không được đào tạo bài bản để nhận biết và điều trị các vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần thông thường, nhất là tại các tuyến y tế cơ sở. Hướng đi nào cho những người mắc trầm cảm trong khi chờ đợi hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần được cải thiện?


Từ một nghiên cứu tại Canada

“Tự quản lý trầm cảm? Mô hình này có vẻ phù hợp với bối cảnh tại Việt Nam!”, đó là suy nghĩ đã bật ra ngay trong đầu BS. Vũ Công Nguyên khi ông lắng nghe GS. BS Elliot Goldner báo cáo về nghiên cứu Tự quản lý trầm cảm không sử dụng thuốc tại Canada tại hội nghị Y tế toàn cầu (Seattle, Hoa Kỳ) vào năm 2010. “Việc áp dụng mô hình này biết đâu sẽ giải quyết phần nào bài toán thiếu nhân lực và cơ sở vật chất hỗ trợ bệnh nhân trầm cảm tại nước ta?”

Giáo sư Elliot Goldner, nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng về Sức khỏe Tâm thần và Nghiện (CARMHA) thuộc ĐH Simon Fraser, đã dành một thập kỷ để tìm kiếm cách thức giúp các dịch vụ sức khỏe tâm thần trở nên dễ tiếp cận hơn cho những người cần chúng. Ông đã xây dựng và chứng minh thành công hiệu quả của phương pháp tự quản lý ở Vancouver - bao gồm cả việc phát triển sổ tay hướng dẫn kỹ năng tự quản lý sức khỏe tâm thần - trước khi mở rộng ra các tỉnh thành khác. Phương pháp tự quản lý sức khỏe tâm thần (Supported self-management) hoạt động trên cơ sở gồm một công cụ hướng dẫn tự quản lý (sổ tay hoặc website) cùng với sự theo dõi và khuyến khích của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thành viên gia đình hoặc những người tự nguyện hỗ trợ khác. Thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên ở một số tỉnh thành tại Canada đã ghi nhận gần 60% trong số những người tham gia thử nghiệm cải thiện được các triệu chứng về mặt lâm sàng.

Hiệu quả, dễ tiếp cận và chi phí thấp - những yếu tố này đã thôi thúc BS Vũ Công Nguyên bắt chuyện với GS Elliot Goldner để tìm hiểu khả năng hợp tác giới thiệu mô hình này tại Việt Nam. “Khoảng ba tháng sau, tôi nhận được email từ GS. Goldner cho biết quỹ Grand Challenges Canada có một hạng mục nhỏ dành cho việc thử nghiệm các mô hình hỗ trợ bệnh tâm thần tại các nước đang phát triển. Đây cũng là quỹ đã tài trợ cho công trình của GS. Goldner từ quá trình nghiên cứu đến thử nghiệm thực tế. Lần này, ông gợi ý tôi nên nộp đơn để đề xuất thử nghiệm mô hình này tại Việt Nam”, BS Nguyên nhớ lại. “Sao lại không? Tất nhiên là tôi đồng ý, và thế là chúng tôi cùng bắt tay viết đề xuất dự án gửi quỹ”.

Dựa trên các thông tin do người dùng cung cấp, phần mềm sẽ hướng dẫn các kỹ năng tự kiểm soát cảm xúc, tự kiểm soát trầm cảm. Ảnh: Vmood

Tương thích với người Việt

Khi ấy, BS Nguyên vẫn chưa hình dung đến việc phát triển và số hóa nghiên cứu thành một ứng dụng tiện lợi trên điện thoại, chỉ riêng việc triển khai công trình nghiên cứu của Canada tại Việt Nam đã đủ khiến ông phải ‘đau đầu’. Cuốn Sổ tay kỹ năng tự kiểm soát trầm cảm được nhóm nghiên cứu và các bác sĩ tâm lý tâm thần tại Đại học Simon Fraser Canada phát triển đã được Bộ Y tế Canada cho phép sử dụng rộng rãi trong toàn bộ hệ thống bác sĩ gia đình tại Canada. Tuy nhiên, giữa Canada và Việt Nam có một độ vênh rất lớn về mức độ phát triển, bản sắc văn hóa, tâm sinh lý, do đó “khi mang về Việt Nam, ngoài việc dịch quyển sổ tay sang tiếng Việt, các bác sĩ tâm thần học và các chuyên gia dinh dưỡng tại Việt Nam đã điều chỉnh nhiều phần cho phù hợp hơn”, ông chia sẻ về công việc của nhóm nghiên cứu.
Chẳng hạn, trong một phần hoạt động yêu cầu người mắc trầm cảm lựa chọn một vấn đề khiến họ suy nghĩ tiêu cực và đưa ra hành động để giải quyết vấn đề, Sổ tay phiên bản Việt Nam đã minh họa trường hợp của Trang, thư ký riêng của một giám đốc công ty lớn: “Công việc của tôi đang bị quá tải. Các tài liệu đang chất đống trên bàn làm việc. Tôi đã nói chuyện với người quản lý rằng khối lượng công việc tăng lên quá nhanh, nhưng cô ấy vẫn không làm gì cả”. Trang sau đó liệt kê các phương án giải quyết và ưu điểm của chúng, chẳng hạn như (1) Tiếp tục để như vậy, (2) Đến phòng làm việc của người quản lý và để cô ấy biết rằng đã quá đủ rồi, (3) Viết ra tất cả công việc. Sau đó, ghi chú những việc cấp bách cần phải được thực hiện trong ngày hôm nay, tuần này, tháng này.

Bên cạnh đó, cuốn Sổ tay còn lý giải thế nào là trầm cảm, nguyên nhân trầm cảm, các kỹ năng giảm trầm cảm và giúp ngăn ngừa tái phát (thay đổi cách sống, suy nghĩ thực tế, giải quyết vấn đề), nên làm gì khi mắc trầm cảm nặng hoặc trầm cảm nhẹ, chế độ dinh dưỡng dành cho người trầm cảm v.v.

Grand Challenges Canada đã tài trợ kinh phí để các nhà khoa học tại Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển Việt Nam, Đại học Simon Fraser (Canada), Đại học Melbourne (Australia) thử nghiệm mô hình này tại Hà Nội trong thời gian 2012-2014, sau đó tiếp tục thử nghiệm và xem xét tác dụng của cuốn sổ tay trên 376 bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm tại tám tỉnh thành từ Bắc chí Nam, gồm Đà Nẵng, Bến Tre, Khánh Hòa, Long An, Quảng Nam, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa. Những người tham gia được phân ngẫu nhiên vào hai nhóm: nhóm 1 (nhận được một Sổ tay hướng dẫn và và được nhân viên y tế hỗ trợ trong vòng hai tháng) và 2 (được điều trị như bình thường trong bốn tháng, và sau đó được can thiệp SSM khi thử nghiệm hoàn tất). Sau hai tháng điều trị, các chuyên gia đã can thiệp thành công cho 157 bệnh nhân, tỷ lệ giảm trầm cảm của nhóm 1 cao hơn 58% so với nhóm 2. Nhóm nghiên cứu sau đó đã công bố những kết quả này trên tạp chí International Journal of Mental Health Systems vào năm 2020.

“Điều này sẽ góp phần giảm tải cho các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc lẫn chi phí cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe, đồng thời trao quyền cho các cá nhân - cá nhân sẽ đóng vai trò tích cực trong việc quản lý sức khỏe tâm thần của họ”, Đồng Giám đốc điều hành Grand Challenges Canada, Karlee Silver, chia sẻ.

Triển khai ứng dụng

Khi đã chứng thực được hiệu quả của cuốn Sổ tay, “chúng tôi quyết định xây dựng ứng dụng Vmood như một bước phát triển nâng cao từ cuốn sổ tay kỹ năng trầm cảm; tất cả các kỹ năng trong hệ thống Vmood được lấy từ cuốn sổ tay”, ThS.BS Vũ Công Nguyên mô tả.
Tuy nhiên Vmood sẽ không đơn thuần chỉ số hóa những thông tin trong cuốn sổ, ứng dụng còn liên kết người dùng với các nguồn thông tin, kiến thức, tư vấn, sản phẩm hỗ trợ v.v. sức khỏe tâm thần, cho phép người dân sống xa các trung tâm y tế/bệnh viện và chuyên gia tâm lý vẫn có thể được nhận dịch vụ chăm sóc cần thiết như trò chuyện, đặt lịch tư vấn, hướng dẫn điều trị bệnh. Dựa trên các thông tin do người dùng cung cấp, phần mềm sẽ hướng dẫn các kỹ năng tự kiểm soát cảm xúc, tự kiểm soát trầm cảm.

“Theo thiết kế của dự án, trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm ứng dụng, tất cả các bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm sẽ được sử dụng miễn phí dịch vụ trong ứng dụng - kể cả dịch vụ tư vấn từ chuyên gia, bởi dự án sẽ phụ trách chi trả kinh phí tư vấn”, BS Nguyên giải thích. Tuy nhiên, sau khi kết thúc giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm, nếu người bệnh trầm cảm tự tập và tự áp dụng các kỹ năng đã được hướng dẫn trong ứng dụng mà không cần sự hỗ trợ của bác sĩ và chuyên gia tâm lý hay các chuyên gia về công tác xã hội, họ vẫn có thể sử dụng Vmood miễn phí; những ai không khỏi sau ít nhất hai tháng tập liên tục thì cần phải gặp chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm lý/tâm thần. “Bên cạnh đó, những người không muốn tự tập mà muốn nhận sự hỗ trợ ngay của chuyên gia thì cần phải trả phí cho chuyên gia hoặc sẽ được chuyển đến các bệnh viện/bác sĩ tâm lý gần nhà nhất”.

Một trong những điểm nổi bật của ứng dụng đó là nó có sự gắn kết chặt chẽ với các cơ quan chính phủ, cụ thể là Bộ LĐTBXH và Bộ Y tế. Ngay từ thời điểm nhóm nghiên cứu thử nghiệm mô hình tại sáu tỉnh thành, Bộ LĐTBXH đã hỗ trợ tham vấn để lựa chọn chuyên gia về công tác xã hội phối hợp thực hiện can thiệp ở từng xã, phường. Theo giáo sư về khoa học sức khỏe John O’Neil thuộc Đại học Simon Fraser, người tham gia trực tiếp vào nghiên cứu, nhóm dự định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chính phủ để đảm bảo ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng Vmood.

Hiện tại, “hệ thống Vmood đã được xây dựng đến hơn 95%, nhưng chúng tôi vẫn chưa cung cấp dịch vụ rộng rãi mà vẫn muốn thử nghiệm bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế”, BS Nguyên chia sẻ. Sự thận trọng của nhóm nghiên cứu có phần dễ hiểu khi đây là một ứng dụng liên quan đến sức khỏe tâm thần - khía cạnh mà hiện rất nhiều người Việt Nam vẫn chưa hiểu rõ hoặc hiểu sai, thậm chí có phần thờ ơ. “Dù biết rằng nhu cầu cần hỗ trợ tâm lý/trầm cảm sau đại dịch COVID-19 là rất lớn, nhưng chúng tôi sẽ vẫn chờ phê duyệt từ các cơ quan chức năng để có thể thử nghiệm hệ thống trong hai năm”. Sau thời gian này, nhóm nghiên cứu sẽ đánh giá cả hệ thống, từ người sử dụng, nhân viên y tế, y bác sĩ đến cán bộ công tác xã hội để “tìm hiểu các điểm cần cải thiện và sẽ tiến hành cải thiện”.

Vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhưng nhóm nghiên cứu tin rằng phải đi “chậm mà chắc” nếu thực sự muốn phát triển một ứng dụng hiệu quả và an toàn đối với người mắc trầm cảm - căn bệnh âm thầm nhưng có thể để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Họ đã xây dựng và thử nghiệm công trình của GS. Goldner suốt 12 năm qua, và việc chờ đợi hai năm tới để chứng minh hiệu quả của ứng dụng là khoảng thời gian cần thiết. Sau tất cả, “chúng tôi hy vọng có thể tiếp tục công trình của GS. Goldner tại Việt Nam, và khiến anh ấy tự hào với di sản mà mình đã để lại”, GS. O’Neil chia sẻ khi nhớ đến ‘cha đẻ’ của công trình nghiên cứu này - người đã qua đời vào năm 2016.

[1] http://choray.vn/Default.aspx?tabid=135&ID=9493