Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, xe máy điện của VinFast đang “đi trước” xe ô tô của hãng này bởi trong khi xe ô tô vẫn thuộc dòng truyền thống chạy bằng xăng thì xe máy đã được thiết kế theo xu hướng thông minh và thân thiện với môi trường.
Ngày 20/11/2018, tại lễ ra mắt ở Công viên Thống Nhất, Hà Nội, VinFast đã công bố chính sách giá bán “3 Không” - không chi phí khấu hao, không chi phí tài chính vào giá thành sản phẩm và không lấy lãi - trong giai đoạn đầu đối với cả sản phẩm ô tô và xe máy điện của hãng. Nghĩa là, giá bán các loại xe bằng đúng giá thành sản phẩm cộng với chi phí bán hàng.
Theo đó, biểu giá công bố cho ô tô VinFast lần lượt là 1,818 tỷ đồng với VinFast Lux SA 2.0 (SUV); 1,366 tỷ đồng với VinFast Lux A 2.0 (Sedan); và 423 triệu đồng với VinFast Fadil. Cũng trong thời gian đầu, ngoài chính sách giá “3 Không”, VinFast còn áp dụng chính sách khuyến mại đặc biệt, đưa mức giá cụ thể xuống còn 1,136 tỷ đồng với VinFast Lux SA 2.0; 800 triệu đồng với VinFast Lux A 2.0; và 336 triệu đồng với VinFast Fadil. Các biểu giá trên đều chưa bao gồm VAT.
Trong khi đó, biểu giá công bố cho lô đầu tiên xe máy điện Klara phiên bản dùng pin lithium là 35 triệu đồng và phiên bản dùng ắc-quy axit chì là 21 triệu đồng. Các mức giá này đều thấp hơn giá niêm yết 38%.
Sau sự kiện ra mắt tại Hà Nội, VinFast sẽ tổ chức lễ ra mắt, mở bán và nhận đặt hàng ở TPHCM trong hai ngày 25 và 26/11/2018 tại khu đô thị Vinhomes Central Park.
Nhận xét về những sản phẩm mới ra mắt của VinFast, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng, xe máy điện Klara đang “đi trước” xe ô tô cùng hãng về đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới hiện nay - đó là xanh, thuận tiện, cá thể hóa, và nhân văn. Bởi vì trong khi xe ô tô của VinFast vẫn thuộc dòng truyền thống chạy bằng xăng thì xe máy của hãng đã được thiết kế theo xu hướng thông minh và thân thiện với môi trường.
Theo các thông tin do VinFast công bố, xe máy điện Klara có kết nối Bluetooth, 3G, định vị GPS, phần mềm dẫn đường, và màn hình hiển thị hàng chục thông số..., cho phép người dùng dễ dàng mở hoặc khóa xe ngay trên điện thoại, xác định vị trí của xe, tìm địa điểm yêu thích, chống trộm, điều khiển chế độ lái, kiểm tra tình trạng pin... Ngoài ra, xe cũng sở hữu cụm động cơ chống nước IP57 có khả năng hoạt động bình thường ngay cả khi ngập nước sâu 50 cm.
Cùng với việc sản xuất, VinFast đặt mục tiêu hình thành hệ sinh thái xe máy điện của riêng mình, bao gồm 30 nghìn đến 50 nghìn trạm sạc thường, trạm sạc nhanh và trạm cho thuê pin trên khắp cả nước vào năm 2020.
Mặc dù có không ít người nghi ngờ tính chất thân thiện với môi trường của xe máy điện, nhưng theo ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, so với xe chạy xăng, xe điện vẫn tốt hơn cho môi trường 25%. Ông Minh cũng cho rằng, nếu ắc-quy của xe điện được thu gom hợp lý sau khi hết vòng đời sử dụng thì nguy cơ gây ô nhiễm môi trường còn giảm nữa.
Về vấn đề này, một kỹ sư của Vinfast cho Khoa học và Phát triển biết, pin lithium của xe máy điện Klara - do Bosch sản xuất riêng cho VinFast - sẽ còn 70% dung lượng sau khoảng 1.000 chu kỳ sạc, tương đương với thời gian sử dụng trung bình từ 6-8 năm. Sau khi hết vòng đời sử dụng cho xe, pin lithium sẽ được hãng thu hồi và sử dụng cho các mục đích trữ năng lượng khác. Ắc-quy axit chì cũng sẽ được thu hồi để tách lấy chì trước khi thải bỏ, và bằng cách đó giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Theo phát biểu của các chuyên gia tại một hội thảo về giao thông thông minh mới đây, năm 2017, Việt Nam có khoảng 54 triệu xe máy. Xu hướng sử dụng xe hai bánh như phương tiện cá nhân quan trọng nhất được dự báo chưa thể thay đổi trong vòng ba chục năm tới do mức thu nhập của người Việt còn thấp và hạ tầng cơ sở còn hạn chế.
Ở một số nước trên thế giới, trong khi xe máy động cơ nhiên liệu hóa thạch bắt đầu bị hạn chế thì xe máy điện lại được chấp nhận. Như ông Võ Trí Thành cho biết, Trung Quốc vẫn cấp phép sản xuất xe máy chạy xăng nhưng chỉ cấp phép lưu hành cho xe máy điện.
Vấn đề hạn chế xe máy cũng đã được đặt ra ở Việt Nam, theo dó dự kiến đến năm 2030 sẽ cấm xe máy trong khu vực nội đô Hà Nội và TP HCM, tuy nhiên đề xuất này mới đề cập cấm xe máy chạy xăng chứ chưa đề cập có cấm xe máy điện hay không.
Như vậy, xe máy điện của VinFast, cũng là xe máy điện đầu tiên của Việt Nam, đang có một thị trường tiềm năng ở ngay trong nước. Và lựa chọn sản xuất xe máy điện trước xe ô tô điện của VinFast càng tỏ ra là có cơ sở trong bối cảnh xe ô tô điện còn đang chật vật mở rộng thị trường ở cả những nước phát triển như Đức hay Pháp. Theo ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2017, thế giới mới có 3,1 triệu xe ô tô điện, tương đương 1% thị phần và con số này được dự báo sẽ tăng lên 80% vào năm 2050. Nói cách khác, cơ hội bùng nổ của ô tô điện rất cao nhưng rõ ràng chưa xảy ra vào ngay lúc này.