Trong khuôn khổ triển lãm công nghệ CES 2022 ở Las Vegas đầu tháng này, bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Vingroup kiêm CEO VinFast toàn cầu, tuyên bố, VinFast sẽ dừng sản xuất các mẫu xe xăng vào cuối năm 2022 và tập trung 100% cho sản xuất xe điện.
Để trở thành một hãng xe thuần điện, năm vừa qua, VinFast liên tục đầu tư vào các startup trên toàn thế giới, chuyên cung cấp các công nghệ nền tảng cho hệ sinh thái xe điện.
Tháng 7 năm ngoái, VinFast đã tham gia vòng rót vốn series C trị giá 150 triệu USD cho Calmcar. Vòng này do nhà sản xuất phụ tùng ô tô của Đức ZF Friedrichshafen AG dẫn đầu. Các khoản tiền đầu tư mới sẽ được Calmcar sử dụng để mở rộng sản xuất hàng loạt các sản phẩm phần mềm và phần cứng được sử dụng trong các phương tiện tự lái cấp 2-4.
Đến tháng 11, VinFast tham gia vòng
rót vốn series C trị giá 101 triệu USD cho công ty
Autobrains (Israel), một nhà tiên phong phát triển công nghệ AI cho xe tự lái không đòi hỏi dữ liệu lớn. Cùng tham gia vòng rót vốn này còn có hai nhà sản xuất phụ tùng ô tô của Đức là Knorr-Bremse và Continental và hãng xe BMW.
Vì công nghệ của Autobrains chỉ sử dụng một số ít dữ liệu thực tế chưa qua xử lý để xác định các tình huống tối ưu trong khi ra quyết định, nó đòi hỏi ít sức mạnh tính toán hơn và có thể giảm chi phí vận hành so với những hệ thống AI hiện tại trên thị trường.
Trong lĩnh vực pin, VinFast tham gia đồng rót vốn cho hai công ty công nghệ mới nổi là AM Batteries (Mỹ) và StoreDot (Israel). Thương vụ của AM Baterries mới ở vòng hạt giống và trị giá 3 triệu USD, trong khi thương vụ của StoreDot trị giá 80 triệu USD.
AM Batteries do các giáo sư gốc Hoa đang làm việc ở các trường đại học Mỹ sáng lập, với
công nghệ cốt lõi là chế tạo các loại pin Lithium-ion không cần sử dụng dung môi độc hại và làm khô điện cực.
Theo báo cáo, pin khô của AM Batteries giúp tiết kiệm đáng kể chi phí (giảm 40%) và tiêu thụ năng lượng (giảm 50%) so với công nghệ sử dụng dung môi thông thường. Bên cạnh đó, nó cũng có khả năng tạo ra nguồn năng lượng cao hơn, sạc nhanh hơn và làm giảm được mức tiêu thụ năng lượng của nhà máy sản xuất pin khi sản xuất điện cực. Hiện tại, công nghệ của AM Batteries thu hút được khá nhiều sự quan tâm trong ngành công nghiệp để triển khai thí điểm và hướng tới sản xuất hàng loạt.
Trong khi đó, StoreDot tập trung vào công nghệ
pin sạc siêu nhanh và đang phát triển các loại pin Lithium có cực âm là silicon (thay vì than chì như truyền thống) để giảm thời gian sạc, và các loại pin với mật độ năng lượng cực cao dựa trên công nghệ pin thể rắn.
Từ năm 2019, công ty này đã chứng minh khả năng sạc đầy một chiếc xe máy điện hoặc máy bay không người lái (drone) chỉ trong 5 phút. Để chuyển công nghệ sạc nhanh từ phòng thí nghiệm sang sản phẩm thương mại, StoreDot đã tung ra các mẫu kỹ thuật pin có thể sản xuất quy mô lớn trên dây chuyền sản xuất Li-ion truyền thống.
StoreDot cho biết, số vốn mới huy động được sẽ giúp công ty mở rộng quy mô và sẵn sàng sản xuất pin hàng loạt cho các nhà sản xuất ô tô toàn cầu vào năm 2024. VinFast dự kiến sẽ áp dụng công nghệ sạc siêu nhanh của StoreDot lên những chiếc xe điện VinFast trong tương lai. Hiện tại, pin lithium-ion trên mẫu xe VF e34 của VinFast cho phép sạc nhanh 18 phút để đi được 180 km.
Các nhà phân tích cho biết VinFast, với tham vọng bán xe điện bên ngoài thị trường Việt Nam, có thể chuyển khoản tài trợ cho StoreDot thành một thỏa thuận đảm bảo cung cấp nguồn pin sạc nhanh cho xe của riêng mình.
Năm ngoái, VinFast cũng đã tham gia vòng đầu tư series A trị giá 11 triệu USD cho
Eatron Technology, một công ty AI có trụ sở ở UK và đội ngũ phát triển ở Thổ Nhĩ Kỳ chuyên phát triển các hệ thống phần mềm thông minh để
quản lý xe tự động. Các giải pháp của Eatrontập trung tối ưu khả năng vận hành, mức độ hiệu quả và độ an toàn của các phần mềm cho xe điện. Trước đó, Vinfast cũng đã hợp tác với Eatron để triển khai một số dự án cho các sản phẩm xe điện của mình.
Đến cuối năm 2021, VinFast đã đích thân dẫn dắt một vòng rót vốn series B trị giá 10 triệu USD cho công ty phần mềm bảo mật xe hơi
Karamba Security (Israel). Các bo mạch bảo mật IoT của Karamba giúp nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM), thiết bị IoT
tuân thủ tiêu chuẩn công nghiệp mà không gây tốn kém kế hoạch phát triển sản phẩm hoặc thay đổi module sử dụng trong chuỗi cung ứng.
Karamba cho biết, các khoản đầu tư mới sẽ được dùng để phát triển sản phẩm tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh dành cho xe ô tô như UN R155 và ISO 21434 và pháp lệnh của Mỹ về Nâng cao độ An toàn an ninh mạng Quốc gia - điều hoàn toàn phù hợp với kế hoạch xâm nhập thị trường Mỹ của VinFast trong năm 2022.
Có thể thấy, bên cạnh năng lực tự thân, VinFast đang nhanh chóng thâu tóm nguồn trí tuệ công nghệ từ các startup trên toàn cầu. 6 thương vụ đầu tư được công khai trong năm ngoái cho thấy tập đoàn đang hoàn thiện dần hệ sinh thái xe điện của mình - từ pin, hệ thống điều khiển, bảo mật đến quản lý sản xuất.
Trên thực tế, VinFast đã giới thiệu
5 mẫu xe điện của mình ở triển lãm tại Mỹ trước khi IPO lên sàn chứng khoán tại Mỹ, dự kiến vào nửa cuối năm nay.
VinFast muốn tự sản xuất pin, nhưng kế hoạch ngắn hạn sẽ là lắp ráp pin từ các nhà cung cấp của mình. Tuy nhiên, họ đã có kế hoạch dài hạn là xây dựng một
nhà máy sản xuất pin ở Việt Nam với công suất ban đầu là 100.000 bộ pin/năm. Trong tương lai, Vinfast sẽ mở thêm nhà máy sản xuất pin ở cả Mỹ và châu Âu. Khi đó, pin do VinFast sản xuất có thể sẽ không chỉ dùng cho xe VinFast mà còn được đưa vào nhiều dòng xe thuộc các thương hiệu khác.
Trước đó, VinFast cũng trao đổi với Reuters rằng họ có kế hoạch bắt đầu một nhà máy sản xuất xe điện tại Mỹ vào cuối năm 2024. Theo bà Lê Thị Thu Thủy, VinFast đã thu gọn các lựa chọn để đặt nhà máy của mình ở Mỹ xuống còn 3 địa điểm, và sẽ hoàn thành việc xây dựng trong 2 năm nữa.
Nguồn: