Một chiếc đũa là thứ vô cùng nhỏ bé, nhưng hàng ngàn đôi đũa có thể tạo ra một chiếc bàn, tủ, kệ chất lượng. Đó là cách ChopValue biến những chiếc đũa đã qua sử dụng thành sản phẩm hữu ích.

f
Tuy nhiên, sau bữa ăn kéo dài một tiếng, thực khách chỉ đơn giản là ném chúng vào thùng rác. Ảnh: ChopValue

Để phục vụ cho nhu cầu của một số cộng đồng gốc Á, các nước khu vực Bắc Mỹ như Canada và Mỹ, nhập khẩu rất nhiều đũa: khoảng 40 đến 50 tỷ đôi mỗi năm. Hầu hết trong số này là đũa tre, thường được sản xuất tại Trung Quốc và được vận chuyển quãng đường xa xôi hàng ngàn dặm.

Tuy nhiên, sau bữa ăn, thực khách chỉ đơn giản là ném chúng vào thùng rác. Nhưng một công ty khởi nghiệp Canada - ChopValue - có trụ sở tại Vancouver, nơi vứt bỏ khoảng 100.000 chiếc đũa mỗi ngày - đã nảy ra ý tưởng biến những chiếc đũa lẽ ra sẽ bị chôn lấp thành những món đồ nội thất, từ mặt bàn đến tủ, kệ. Và mới đây, họ đã cung cấp những vật phẩm nội thất này cho các nhà hàng, trong đó có McDonald's. Mặc dù không phải là chuỗi nhà hàng chuyên sử dụng đũa, McDonald's vẫn hợp tác với ChopValue từ sớm. ChopValue đã cung cấp những đồ nội thất như bàn và đồ trang trí tường từ đũa tại ba nhà hàng thí điểm của McDonald's ở Vancouver, Calgary và Toronto.

ChopValue thu gom đũa đa qua sử dụng hằng tuần từ các thùng tái chế chuyên dụng tại nhiều địa điểm. Công ty hoạt động ở 12 thành phố trên khắp thế giới, và đối tác của họ gồm các chuỗi nhà hàng như Wagamama và PF Chang's; trường phổ thông và trường đại học; văn phòng công ty - như Slack; và sân bay quốc tế Vancouver.

Sau khi thu thập đũa, các kỹ sư khử trùng và phân loại chúng, rồi bôi một loại nhựa resin gốc nước lên thân đũa. Đũa được sấy khô trong lò và ép ở nhiệt độ cao trong máy ép thủy lực, biến chúng thành một khối cấu thành đồ nội thất. Bước đầu, công ty đã phân phối những mặt hàng gia dụng trực tiếp đến tay người tiêu dùng như thớt (được làm từ khoảng 300 chiếc đũa), kệ (khoảng 1.500 đến 2.000 chiếc đũa), tủ (khoảng 2.500 chiếc đũa).

f
Khoảng 10.000 chiếc đũa làm thành một mặt bàn, và họ có thể đóng 8 đến 10 mặt bàn mỗi ngày. Ảnh: ChopValue

Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Felix Böck cho biết 90% đũa ở Bắc Mỹ làm từ tre và mỗi tuần ChopValue thu được khoảng 350.000 chiếc đũa chỉ riêng tại Vancouver.

Khoảng 10.000 chiếc đũa làm thành một mặt bàn, và họ có thể làm ra 8 đến 10 mặt bàn mỗi ngày. “Đây không phải là một dự án nghệ thuật thủ công nhỏ,” anh lưu ý.

Khi thành lập công ty vào năm 2016, Böck, người có kiến ​​thức nền tảng về kỹ thuật gỗ, ban đầu quan tâm đến việc phổ biến hoạt động sản xuất tuần hoàn. “Lúc đầu, tôi chỉ sử dụng chiếc đũa nhỏ bé như một công cụ kể chuyện,” anh nói, “và không thực sự nghĩ nó sẽ trở thành một công việc kinh doanh khả thi.”

Mô hình nhà máy quy mô nhỏ tại chỗ

ChopValue đang cố gắng chứng minh có thể xây dựng một chuỗi mô hình tuần hoàn thực sự: các nhà hàng cung cấp đũa cho họ, họ sẽ tạo ra đồ nội thất và vận chuyển về lại các nhà hàng. Công ty đã thử nghiệm mô hình kinh doanh này tại Pacific Poke, một chuỗi các quán ăn poke ở miền Tây Canada. ChopValue hiện là nhà sản xuất độc quyền mặt bàn quầy bar và đồ trang trí tường.

Nhưng nếu thu thập đũa, sau đó vận chuyển nguyên liệu thô đến một nhà máy cách hàng ngàn dặm, rồi lại vận chuyển thành phẩm trở lại nhà hàng ban đầu, lượng khí thải carbon sẽ rất lớn. Nói cách khác, những gì họ làm để bảo vệ môi trường là vô nghĩa. Vì vậy, công ty đã phát triển theo mô hình “nhà máy quy mô nhỏ (microfactory) phi tập trung” thay vì một nhà máy trung tâm duy nhất. Cụ thể, họ mở một nhà máy nhỏ ở mỗi địa điểm nơi công ty hoạt động - thông qua nhượng quyền thương mại. Với hệ thống này, mọi hoạt động đều nằm trong bán kính 25 dặm, giúp giảm thiểu lượng khí thải không cần thiết, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân trong khu vực.

Các chuyên gia rất thận trọng trong việc lựa chọn địa điểm đặt nhà máy. Nơi đây phải có một lượng đũa thải ra đủ lớn và một thị trường để bán sản phẩm. ChopValue hiện đang hoạt động tại sáu địa điểm ở Canada; các thành phố như Boston, Las Vegas, Mexico City và thậm chí là Liverpool. Năm nay, công ty sẽ mở rộng sang nhiều bang hơn và sang cả châu Á, dự định sẽ có 25 nhà máy ở Indonesia và 5 nhà máy ở Singapore và Malaysia.

Ngày 4/4 vừa qua, ChopValue đã hoàn tất vòng gọi vốn trị giá 7,7 triệu USD nhằm mở rộng mạng lưới nhà máy quy mô nhỏ phi tập trung của mình. Công ty tiết lộ dẫn đầu vòng gọi vốn này là hai doanh nhân công nghệ nổi tiếng.

d
Felix Böck đứng bên cạnh các sản phẩm được làm từ đũa. Ảnh: ChopValue

Böck cho rằng một khi công ty thành công với mô hình nhà máy quy mô nhỏ, họ có thể áp dụng và nhân rộng mô hình sang các loại rác thải khác. Một chiếc đũa thì rất nhỏ, nhưng “khối lượng đũa khổng lồ thu thập được khiến tôi nhận ra rằng ngay cả những thứ nhỏ nhất cũng có ích trong một nền kinh tế tuần hoàn khả thi,” anh phân tích, “miễn là chúng ta có phương pháp hợp lý.”

Nguồn: