Có nhiều ứng dụng dành cho điện thoại thông minh nhằm mục đích xác định tên và đặc điểm thực vật từ các bức ảnh, nhưng nhiều thử nghiệm đã phát hiện ra rằng hầu hết những ứng dụng đều không chính xác lắm.

Các ứng dụng có thể giúp xác định thực vật – nhưng chỉ đến một mức độ nào đó
Các ứng dụng có thể giúp xác định thực vật – nhưng chỉ đến một mức độ nào đó. Ảnh:Marko Geber/Digital Vision/Getty Images

Việc các ứng dụng điện thoại thông minh nhận diện thực vật với độ chính xác chỉ 4% có thể khiến những người tìm kiếm thực phẩm trong rừng gặp nguy hiểm. Ngoài ra, chúng sẽ dán nhãn sai các loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng thành cỏ dại, khiến người làm vườn nhổ sạch những thực vật quý hiếm.

GS Julie Peacock, Khoa Địa lý, Đại học Leeds (Anh) và các đồng nghiệp của bà tại Đại học Galway (Ireland) đã đánh giá sáu ứng dụng phổ biến nhất: Google Lens, iNaturalist, Leaf Snap, Pl@ntNet, Plant Snap và Seek. Họ đã thử dùng cả sáu ứng dụng để nhận diện 38 loài thực vật trong môi trường sống tự nhiên của chúng, tại bốn địa điểm ở Ireland. Nhìn chung Pl@ntNet và Leaf Snap nhận diện thực vật tốt nhất, nhưng độ chính xác của cả hai ứng dụng đều dưới 90%. Họ cũng lưu ý rằng một số ứng dụng khác chỉ chính xác 4% trên một số tác vụ. Kết quả đã được công bố trên PLOS One.

“Những ứng dụng này cần phải chính xác, và người dùng cần biết rằng chúng chỉ là một kênh tham khảo chứ không phải là công cụ toàn năng", Peacock nói. Chẳng hạn, người dùng có thể xác định nhầm các loài thực vật bản địa quan trọng là loài xâm lấn và nhổ bỏ chúng khỏi vườn của họ, hoặc ăn phải các loài thực vật nguy hiểm mọc hoang vì nghĩ rằng chúng vô hại”.

Nói thế không có nghĩa Peacock cho rằng không nên sử dụng những ứng dụng này, chỉ là người dùng nên hiểu rõ điểm hạn chế của ứng dụng. “Chúng là công cụ tiềm năng, giúp mọi người hiểu hơn về thực vật.”

Các nhà khoa học đã huấn luyện ứng dụng bằng những bức ảnh có chú thích về thực vật. Trong quá trình huấn luyện, AI không chỉ nhận diện các bức ảnh có sẵn mà còn phát hiện những điểm tương đồng giữa chúng và các bức ảnh mới, điều này giúp đào tạo thuật toán ngày càng thông minh hơn.

Nói chung, tất cả các ứng dụng đều nhận dạng hoa với độ chính xác cao hơn lá, bởi hoa có nhiều hình dạng và màu sắc hơn, cung cấp cho AI nhiều manh mối. Dẫu vậy điều này không phải lúc nào cũng đúng. Ứng dụng iNaturalist chỉ có thể xác định thực vật chính xác 3,6% nếu đó là ảnh hoa và 6,8% nếu đó là ảnh lá. Plant Snap đã xác định chính xác 35,7% ảnh hoa và 17,1% ảnh lá. Pl@ntNet đạt được độ chính xác cao nhất là 88,2% hình ảnh hoa và 80,36% hình ảnh lá. Google Lens ở mức trung bình khi có thể nhận diện đúng 67,86% hình ảnh hoa và 55% hình ảnh lá.

Alexis Joly, thuộc Viện khoa học máy tính và toán học ứng dụng Pháp, một trong những nhà nghiên cứu đằng sau dự án phi lợi nhuận Pl@ntNet, cho rằng thành công của ứng dụng là nhờ vào các bộ dữ liệu của nó - được các nhà thực vật học, nhà khoa học và những người có hiểu biết nhất định về thực vật thu thập và phân loại. Ngoài ra, các thuật toán cố gắng không tập trung vào các loài phổ biến, mà thay vào đó xếp hạng một số ứng cử viên có khả năng cho mỗi lượt tìm kiếm.

“Đôi khi người dùng thích nhìn thấy một kết quả duy nhất với độ tin cậy 100%, ngay cả khi đó không phải là kết quả đúng, hơn là gợi ý ba loài với tỷ lệ chính xác 33% mỗi loài - căn cứ trên những đặc điểm thực tế thu được trong bức ảnh,” anh phân tích. “Nhưng có vẻ như đó vẫn là chiến lược đúng đắn".

GS Stephen Harris (Đại học Oxford) cho rằng mối quan tâm của Peacock hoàn toàn có cơ sở và ông cũng đã gặp sự cố với các ứng dụng như vậy, sau đó ông đã chuyển sang sử dụng sách tham khảo đáng tin cậy. Ông cho rằng các ứng dụng sai sót như vậy là vì chúng căn cứ vào những hình ảnh được tải lên Internet - thường không được dán nhãn chính xác.

“Người ta có xu hướng chụp ảnh những loài thực vật giống nhau, vì vậy sẽ có một số loại cây dễ nhận diện và ai cũng muốn chụp. Trong khi một số loại cây thú vị nhưng lại trông nhỏ bé đơn điệu - không có hoa hay có bất cứ thứ gì hấp dẫn - người ta ít chụp ảnh chúng, vì vậy có rất ít thông tin lẫn hình ảnh có sẵn về nó”, ông Harris lý giải. “Chẳng hạn, mọi người đâu có xu hướng tranh giành nhau để chụp ảnh các loại thực vật trong ao hồ.”

Mặc dù các nhà khoa học đánh giá Pl@ntNet và Leaf Snap có độ chính xác cao nhất, nhưng những ứng dụng này có thể không phù hợp với một số người dùng. Do chúng cung cấp rất nhiều thông tin và thuật ngữ chuyên ngành thực vật, có thể khiến những người dùng phổ thông cảm thấy phức tạp và khó hiểu; trong khi Google Lens lại thông dụng, cung cấp thông tin dễ hiểu và có độ chính xác trung bình. Nhìn chung, đôi khi giá trị của một ứng dụng không chỉ nằm ở độ chính xác, mà còn là cách chúng cung cấp thông tin.

Google đã từ chối yêu cầu phỏng vấn của tờ New Scientist, còn các nhà sáng lập nên những ứng dụng khác thì không đưa ra phản hồi.

Nguồn: