Nếu cải tổ hệ thống trung chuyển dữ liệu Internet quốc gia của Việt Nam (VNIX) theo mô hình thành công của trung tâm trung chuyển Internet Amsterdam (Hà Lan), thì Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm Internet của cả khu vực.
Kiến nghị trên của Nguyễn Đình Nam, giám đốc công ty VP9, người sáng lập dự án VP9 TV, tại cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ với 70 nhà khoa học trẻ cuối tuần vừa rồi tại Hà Nội, đã thu hút sự quan tâm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi ông trực tiếp đặt câu hỏi với nhà khoa học trẻ này.
Sơ đồ kết nối Internet của các nhà cung cấp Internet (ISP) Việt Nam. Ảnh: VNNIC.
Theo Nguyễn Đình Nam, mô hình mới sẽ ưu việt hơn, có thể giúp nâng hạ tầng Internet Việt Nam nhanh gấp hàng chục lần hiện nay, đưa Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn để các công ty đa quốc gia đến đặt máy chủ và các dịch vụ cần thiết để phục vụ cho cả khu vực, đặc biệt là Trung Quốc khi Việt Nam giáp biên giới quốc gia này.
Nam lý giải, nhiều công ty đa quốc gia muốn cung cấp dịch vụ vào Trung Quốc, nhưng lại muốn né các quy định rất ngặt nghèo về Internet của nước này. Điển hình như Google, sau một thời gian vào Trung Quốc đã phải rút lui.
Giải thích với Thủ tướng, Nguyễn Đình Nam cho biết, trung tâm trung chuyển Internet là mô hình nối giữa các nước cạnh nhau và biến thành mạng toàn cầu. Việt Nam hiện đã có trung tâm trung chuyển Internet là VNIX. Trung tâm này có nhiều hoạt động tốt nhưng mô hình hoạt động còn tự giới hạn là phục vụ nội địa.
Trên cổng thông tin của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC - Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng khái quát, VNIX là trạm trung chuyển lưu lượng Internet trong nước, chỉ phục vụ các đơn vị có mạng lưới dịch vụ trong nước, sử dụng địa chỉ IPv4/IPv6/ASN được thống nhất quản lý bởi VNNIC và đã cung cấp đầy đủ các thông tin quản lý được yêu cầu, cập nhật thông tin chính sách định tuyến chính xác và kịp thời…
Hiện mô hình thành công nhất trên thế giới là trạm trung chuyển Internet Amsterdam (AMS-IX), được coi là một trong những trung tâm Internet lớn nhất thế giới, trung tâm quan trọng cho các mạng cáp quang truyền dẫn lưu lượng thông tin khổng lồ từ nhiều quốc gia khác nhau.
Theo Nguyễn Đình Nam, mặc dù gọi là trung tâm quốc gia nhưng AMS-IX phục vụ toàn cầu, đã vươn dài cánh tay ra tận Hồng Kông (Trung Quốc). Đây là mô hình rất cởi mở.
“Đội ngũ của VNIX đã đủ mạnh, nên chỉ cần thay đổi cơ chế là không tự giới hạn phục vụ nội địa nữa, thì có thể phát triển được”, nhà khoa học trẻ này giải thích với Thủ tướng.