Apple đang sở hữu hơn 200 tỷ USD tiền mặt và có thể sẽ đầu tư một phần không nhỏ vào dự án “Titan” nhằm phát triển dòng ôtô điện tự lái có tên iCar, tạo ra một thương hiệu xe hơi của riêng mình. Nhưng lấn sân sang một lĩnh vực mới, Apple chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.


Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Apple đầu tư sản xuất xe hơi vì… “thừa tiền”
Tờ CNET ngày 21/7/2015 cho hay lượng tiền mặt của Apple vừa tăng lên 202,8 tỷ USD, trong đó có 89% số tiền mặt ở nước ngoài. Tiền nhiều thì ai cũng mừng, nhưng nó cũng khiến Apple đối mặt với một số khó khăn.
Đó là việc một số cổ đông lớn đang đòi lãnh đạo hãng này phải giảm bớt tích trữ tiền mặt bằng cách chia lợi tức cao hơn. Phía Apple cũng phải tính đến cách rút số tiền mặt ở nước ngoài về Mỹ như thế nào cho hợp lý khi mà thuế doanh nghiệp ở nước này lên đến 35%, tức là cao nhất trong các nước công nghiệp phát triển.
Những vấn đề trên có thể được giải quyết khi Apple dùng số tiền mặt này đầu tư vào một lĩnh vực nào đó, đặc biệt là ôtô. Nhà sản xuất iPhone đã thuê hàng trăm người, trong đó có rất nhiều kỹ sư từ các hãng xe như Tesla, Ford, Mercedes.
Mới đây nhất, Apple còn tiếp tục thuê ông Doug Betts, là người từng đứng đầu bộ phận phụ trách chất lượng toàn cầu của hãng xe Fiat Chrysler Automobiles. Theo báo chí phương Tây, tất cả là để phát triển ôtô điện tự lái iCar trong một dự án bí mật mang tên “Titan”.
“Apple không muốn chia tiền cho các cổ đông. Họ cũng không muốn để tiền mặt nằm nguyên một chỗ hoặc bị đánh thuế. Có lẽ Apple sẽ chi vài tỷ USD vào lĩnh vực xe hơi để giải quyết những vấn đề trên”, Paul Horrell, một chuyên gia công nghệ cho biết trên tờ Top Gear.
iCar sẽ khiến Apple lụn bại?
Dù thừa tiền phát triển ôtô nhưng hướng đi tham vọng này của Apple bị nhiều người cho là quá mạo hiểm. Bởi Apple sẽ phải đối diện với một loạt thách thức lớn về kinh doanh và công nghệ xe tự lái.
Rich Newman, một nhà phân tích cho chuyên mục Tài chính thuộc trang tin Yahoo cho rằng, phát triển thị trường ôtô khác với điện thoại hay máy tính vì nó đòi hỏi thời gian hàng thập kỷ và có nhiều phức tạp khiến Apple có thể suy sụp. Hiện Apple sản xuất hầu hết các sản phẩm của mình ở các nước đang phát triển với nguồn nhân công rẻ, ít bị tác động bởi các quy định về an toàn môi trường. Các sản phẩm của hãng lại gọn nhẹ, dễ vận chuyển và hiếm khi bị triệu hồi.
Trong khi Toyota, một trong những hãng xe hơi thành công nhất thế giới, cũng chỉ có phần trăm tăng trưởng lợi nhuận bằng 1/3 so với Apple. Để duy trì các cơ sở sản xuất ở nước ngoài, Toyota phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về môi trường, an toàn.
Hãng xe cũng cần rất nhiều đối tác vì lắp ráp một ôtô cần hàng nghìn thành phần. Chỉ một thành phần bị lỗi thì nguy cơ triệu hồi xe rất cao. Ngoài ra, hãng xe cũng phải chi trả các khoản tiền bảo hiểm cho khách hàng.
So sánh như vậy để thấy, lãnh đạo Apple khó mà thuyết phục được các cổ đông chuyển sang một lĩnh vực kinh doanh lợi nhuận thấp lại đầy rủi ro như sản xuất ôtô khi mà các sản phẩm điện thoại, máy tính của Apple vẫn đang ở thời hoàng kim.
“Nếu tôi là một cổ đông của Apple, tôi sẽ chẳng vui chút nào. Tôi sẽ rất nghi ngờ về triển vọng của ngành công nghiệp nặng, lợi nhuận thấp như ôtô. Không những thế ngành này còn phải đảm bảo những yêu cầu an toàn rất khắt khe. Nhìn vào lợi nhuận của iPhone và ôtô. Tôi vẫn thích lợi nhuận của iPhone hơn”, Dan Akerson, nguyên Giám đốc điều hành của tập đoàn xe General Motors Co phát biểu trên tờ Detroitnews.
Ngay cả khi Apple vẫn đầu tư vào ôtô thì sự cạnh tranh về mặt công nghệ xe tự lái mà hãng này phải đối mặt không hề nhỏ. Trong khi iCar của Apple vẫn còn đang đồn đoán thì Google đã bắt đầu thử nghiệm mẫu xe tự lái.
Hơn nữa, các hãng sản xuất xe chuyên nghiệp, đáng tin cậy như Audi, BMW và Volkswagen cũng trình diện các nguyên mẫu xe tự lái. Đến lúc iCar của Apple ra mắt vào năm 2020 chắc chắn sẽ khó cạnh tranh được các đối thủ lớn như vậy.
Thậm chí theo hãng xe Ford tiết lộ, một ôtô tự lái cần khoảng 5.000-6.000 bộ phận. Khác điện thoại hay máy tính, ôtô phải có khung gầm, các ghế ngồi, bảng điều khiển và nhiều chi tiết phức tạp khác đòi hỏi Apple phải có các đối tác. Nhưng dường như Apple lại đi theo phong cách “nổi loạn” của mình.
“Apple không muốn thực hiện tham vọng theo cách thông thường. Apple thích nổi loạn. Trong kinh doanh xe hơi, nổi loạn là nguy hiểm”, Paul Horrell nói trên Top Gear.
Rất có thể những lý do trên sẽ khiến Apple thất bại nếu cố tạo ra một thương hiệu ôtô riêng.
“Steve Jobs qua đời không làm Apple chết. Nhưng iCar chắc chắn sẽ phá hủy Apple”, John Naughton, giáo sư tại Đại học Open University (Anh) cảnh báo trên tờ The Guardian.