Nhận định của blogger công nghệ David Manners trên trang Electronics Weekly.
Năm 1998, tôi đến Đài Loan để tìm hiểu tại sao ngành bán dẫn của họ dù mới chỉ 11 năm tuổi nhưng đã rất phát triển.
Một năm trước đó (1997), TSMC được xếp hạng 190 trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới (tạp chí Financial Times) với vốn hóa thị trường đạt 20 tỷ USD – lớn hơn cả Volkswagen, Toshiba, Guinness hay GE.
Trong chuyến thăm Đài Loan năm 1996, tôi đã sửng sốt khi nghe Robert Tsao – nhà sáng lập kiêm CEO UMC – nói: công ty chip lâu đời nhất Đài Loan của ông sẽ chuyển đổi thành xưởng đúc chuyên doanh (pure-play foundry)1 thay vì làm các sản phẩm độc quyền (proprietary products). Tiền đầu tư xưởng đúc dường như không phải là vấn đề đối với họ; UMC đã xây dựng một khu phức hợp bao gồm 4 fab bán dẫn: một dưới tên của họ và 3 fab còn lại được vận hành bởi những đối tác: United Semiconductor Corporation (USC), United Integrated Circuits Corporation (UICC), United Silicon Inc (USIC). Trước nhu cầu lớn trên thị trường, một công ty mới mang tên Worldwide Semiconductor Manufacturing Company (WSMC) được thành lập (năm 1997) với vốn góp cổ phần hơn 1 tỷ USD và khoản vay do 32 ngân hàng quốc nội bảo trợ. Với hai fab trị giá cả tỷ USD đầu tiên, đến tháng 6/1999, WSMC đã khai thác tối đa, thậm chí còn vượt mức năng lực của họ – TS. Richard Chang, chủ tịch công ty cho biết.
Trước khi khởi sự ngành kinh doanh xưởng đúc, Đài Loan đã trải qua một giai đoạn học hỏi và hấp thu công nghệ nước ngoài, đầu tiên là quy trình chế tạo chip CMOS của hãng RCA2 (Mỹ) từ năm 1976. Sang thập niên 1980, Tập đoàn Texas Instruments (TI) thành lập liên danh với Acer (TI-Acer) để sản xuất DRAMs tại Đài Loan; còn TSMC cũng hợp tác với Philips để sản xuất chip CMOS. Trong khi đó, Siemens chuyển giao công nghệ CMOS của họ cho một liên danh DRAM với Mosel-Vitelic mang tên Pro-Mos; Mitsubishi thành lập liên danh DRAM với Powerchip Semiconductor; còn Nan-Ya Technology (công ty con của Formosa Plastics – tập đoàn đa ngành lớn nhất Đài Loan) thì sản xuất DRAMs theo thiết kế và công nghệ của Oki (Nhật). Khi các nhà sản xuất IDM3 Nhật Bản sang Đài Loan để thành lập liên danh DRAM: Matsushita hợp tác với Macronix, Toshiba với Winbond, họ đã cung cấp công nghệ và thiết kế, còn Đài Loan thì cho thấy họ xuất sắc thế nào trong việc thực thi.
Năm 1998, trước câu hỏi: Vì sao Đài Loan lại giỏi làm chip?, ông Simon Wang – phó chủ tịch Macronix – đã trả lời: “Chúng tôi có lợi thế về mặt cấu trúc chi phí khi có thể sản xuất với số lượng lớn và kiếm được lợi nhuận từ đó. Chúng tôi thường đạt sản lượng cao hơn 15% so với các đối thủ, nhờ có những kỹ sư làm việc không biết mệt mỏi và sẵn sàng tăng ca. Họ luôn nỗ lực để đạt năng suất cao nhất. Vì thế, trang thiết bị và máy móc của chúng tôi luôn được tận dụng tối ưu, hơn bất cứ nơi nào khác.”
Sự năng động của nhân sự trong ngành chip Đài Loan cũng lại là một yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng. Thay vì chỉ biết tuân thủ những quy trình và phương pháp luận cứng nhắc, các nhân sự làm việc tại fab bán dẫn ở đây thường được khuyến khích làm việc sáng tạo để liên tục cải tiến.
Chú thích:
1. Chỉ doanh nghiệp thực sự chuyên chú và tập trung nguồn lực cho một mảng kinh doanh nào đó thay vì đầu tư dàn trải.
3. IDM là từ viết tắt của Integrated Design and Manufacturing tức tích hợp thiết kế và sản xuất, hai mảng không tách rời nhau.