Không chỉ là nền tảng ứng dụng miễn phí hỗ trợ cho người đi phương tiện công cộng tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng; BusMap đã trở thành ứng dụng đầu tiên cho phép người dùng tự thiết kế cho mình lộ trình di chuyển kết hợp tàu điện trên cao, bus thường, bus nhanh, taxi công nghệ… theo thời gian thực.

hh
Khi người dùng nhập điểm đến và điểm đi, BusMap sẽ đưa ra một số phương án di chuyển để người dùng so sánh và lựa chọn. Ảnh: Phenikaa MaaS

Tuyến tàu điện nội đô Metro 2A: Cát Linh-Hà Đông vừa chính thức đi vào khai thác thương mại tại Hà Nội. Với tổng chiều dài toàn tuyến 13km và 12 ga, trong thời gian đầu sử dụng tàu điện nội đô và các phương tiện giao thông công cộng nói chung, chúng ta có thể gặp những khó khăn nhất định trong việc tìm đường. Chẳng hạn, làm thế nào để lựa chọn tuyến tàu và xe bus sao cho hợp lý? Làm thế nào để di chuyển giữa các trạm xe bus và ga tàu? Làm thế nào để chủ động hơn về thời gian đợi tàu/xe?… Để giải quyết những khó khăn đó, BusMap đã tích hợp bản đồ tàu điện trên cao nhằm tính toán chính xác lộ trình, chi phí và thời gian, cũng như đưa ra những giải pháp di chuyển khác (xe bus, xe đạp, đi bộ…) tối ưu cho hành trình.

Để sử dụng BusMap, người dùng tải có thể ứng dụng trên AppStore hoặc PlayStore, và truy cập dữ liệu bản đồ của khu vực Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bangkok và Chiangmai (Thái Lan) trên hệ thống định vị do chính Phenikaa MaaS xây dựng. Khi người dùng nhập điểm đến và điểm đi, BusMap sẽ đưa ra một số phương án di chuyển để người dùng so sánh và lựa chọn. Nếu có lộ trình phù hợp với đường sắt trên cao hoặc xe bus, ứng dụng sẽ đề xuất sử dụng các phương tiện này, với thời gian và chi phí dự kiến tương ứng.

Do các phương tiện công cộng có điểm dừng đỗ cố định và có thể không gần điểm đi/đến của người dùng, ứng dụng cũng gợi ý cách di chuyển giữa các điểm trung chuyển, như đi bộ, xe đạp, xe buýt nối tuyến, hoặc taxi công nghệ. Đặc biệt, lộ trình di chuyển của các tuyến tàu điện và xe bus được cập nhật theo thời gian thực (realtime), giúp người dùng thuận tiện lựa chọn và thiết kế hành trình của mình. Ví dụ, nếu đi từ số phố Hào Nam đến Aeon mall Hà Đông, một trong những phương án được ứng dụng đề xuất là người dùng đi bộ 342m đến Ga Cát Linh, sau đó đi tàu điện trên cao đến Ga Hà Đông (mất 11 phút – 30.000 VNĐ), tiếp đó người dùng đi bộ 88m đến 85 Quang Trung (Hà Đông) để bắt xe bus 57 (Nam Thăng Long – Khu Công nghiệp Phú Nghĩa) đến số 522 Đại Mỗ (mất 12 phút) – 9.000 VNĐ), cuối cùng đi bộ 713m đến Aoen Mall Hà Đông (mất 8 phút).

d
Nếu có lộ trình phù hợp với đường sắt trên cao hoặc xe bus, ứng dụng sẽ đề xuất sử dụng các phương tiện này, với thời gian và chi phí dự kiến tương ứng. Ảnh: Phenikaa MaaS.

Tuy nhiên, hiện tại người dùng BusMap mong muốn ứng dụng có thể bổ sung thêm tính năng thanh toán và tính năng lựa chọn bãi đỗ xe để họ có thể gửi phương tiện cá nhân (xe máy, xe đạp) tại khu vực nhà ga, sau đó tiếp tục di chuyển bằng tàu điện. Vì vậy, đại diện BusMap cho biết công ty đang phát triển thêm những tính năng này và dự định nâng cấp ứng dụng “như một thẻ giao thông công cộng thông minh đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện cho người dân” trong tương lai.