Trên cơ sở tìm kiếm tổng quan hệ thống tất cả các ứng dụng (app) liên quan đến COVID hiện đang được sử dụng tại Việt Nam, chúng tôi cho rằng nên tập trung xây dựng một ứng dụng duy nhất là PC-Covid.
Khi thực hiện nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu chúng tôi đã thống kê trên 30 ứng dụng trên điện thoại thông minh có liên quan đến COVID-19. Hiện tại, để phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh thì ngoài những biện pháp giãn cách xã hội, cách ly các ca bệnh và truy vết, các bộ, các ngành ở Việt Nam đã phát triển và áp dụng công nghệ thông tin vào công tác chống dịch, cho ra mắt hàng loạt những ứng dụng và trang web như: Bluezone (PC Covid Viet Nam), Sổ sức khỏe điện tử; NCOVI; suckhoe.dancuquocgia.gov.vn; tokhaiyte.vn, vv.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều lợi ích mang lại thì vẫn còn tồn tại khá nhiều bất cập với việc sử dụng những ứng dụng điện thoại này, khiến rất nhiều người cảm thấy lúng túng. Chẳng hạn như bất cập trong việc khai báo y tế trực tuyến đã được đề cập trong báo chí là dữ liệu khai báo bị tản mát và không liên thông với nhau dẫn đến phân mảnh và gây khó khăn khi quyết định thực hiện một biện pháp mang tính tổng thể; những lỗi ứng dụng trong thực tế sử dụng như không cập nhật đầy đủ các thông tin khai báo y tế và tiêm chủng trên ứng dụng VHD (Vietnam health declaration)... Ngoài ra còn rất nhiều khó khăn khác cho người dùng nữa.
Không chỉ vậy, với việc có quá nhiều ứng dụng, trang web chống dịch đã khiến người dân cảm thấy đang phải “gánh” hàng chục ứng dụng chống dịch, cảm thấy loạn và cần đặt ra một vấn đề cấp bách rằng chỉ nên có một “siêu ứng dụng”, có đầy đủ tất cả các tính năng và đặc biệt là dễ dàng, tiện lợi cho người dân sử dụng. Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, thống nhất với Bộ Công an, Bộ Y tế để chỉ đạo phát triển một ứng dụng chính thức của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 để người dân sử dụng thuận tiện (tạm gọi là ứng dụng phòng, chống COVID – PC Covid).
Nhiều ứng dụng, nhiều lúng túng
Dựa trên thực trạng hiện tại của các ứng dụng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, chúng tôi đã hệ thống tất cả các ứng dụng liên quan đến COVID-19 hiện nay tại Việt Nam, sau đó đánh giá, so sánh, phân loại toàn bộ các ứng dụng để giúp mọi người có cái nhìn tổng quan nhất về những ứng dụng chống dịch và quan trọng hơn là mong muốn góp phần vào việc xây dựng ứng dụng phòng, chống dịch COVID của quốc gia. Các tiêu chí sau chúng tôi đánh giá là chức năng/mục đích, độ tuổi, cơ quan phát triển, ngày truy cập, ngày ra mắt, đánh giá (trên thang 5 sao) của App store, đánh giá (trên thang 5 sao) của Samsung, ngôn ngữ, số lượt tải xuống, tương thích/ khả dụng trên loại máy.
Đặc điểm của các ứng dụng COVID-19 tại Việt Nam
Chúng tôi đã tìm ra có tổng cộng 30 ứng dụng di động COVID-19 được tìm thấy trong Apple App Store và Google Play Store. Chúng ta có thể thấy, 30 ứng dụng này có nhiều đặc điểm khác nhau do các đơn vị từ Bộ Y Tế đến các tập đoàn tư nhân phát triển. Mỗi ứng dụng còn được đánh giá, xếp hạng khác nhau tùy thuộc vào người dùng còn cho thấy được những ứng dụng nào đang được phổ biến và ưa dùng nhất hiện nay. Những ứng dụng tiêu biểu được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam và được người sử dụng đánh giá cao như ứng dụng Bluezone do Bộ Y tế phát triển, ứng dụng NCOVI do Cục Ứng dụng công nghệ thông tin (Bộ TT&TT) phát triển hay ứng dụng VssID, Sổ sức khỏe điện tử. Một ưu điểm có thể thấy ở hầu hết các ứng dụng này đó là khả năng tương thích trên nhiều phương tiện đa dạng, từ hệ điều hành Android đến IOS, điều này giúp bất kì người dân nào cũng có thể tải và truy cập được các ứng dụng đó.
Phân loại các ứng dụng
Sau khi tìm kiếm được tất cả các ứng dụng có liên quan đến COVID-19 và đánh giá được những đặc điểm của mỗi ứng dụng, chúng tôi đã tiếp tục phân loại 30 ứng dụng này thành nhiều danh mục khác nhau và quan trọng nhất là tìm hiểu về mục đích sử dụng của từng loại ứng dụng.
Qua việc phân loại, chúng tôi thấy mỗi ứng dụng đều tích hợp nhiều chức năng khác nhau và đa dạng. Có những ứng dụng có những tính năng đặc biệt này nhưng lại không có những tính năng đặc biệt từ các ứng dụng khác. Do đó, không có ứng dụng nào thực sự có đầy đủ tất cả các tính năng mà mọi người muốn có cả. Chẳng hạn, tiêu biểu là Bluezone (nay được đổi tên thành PC-Covid), một ứng dụng có thể xem là được dùng nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay, có rất nhiều tính năng từ cập nhật tin tức về COVID-19, theo dõi người bị nhiễm COVID-19, khai báo y tế và quan trọng nhất là giúp truy vết tiếp xúc – một trong những biện pháp quan trọng nhằm để phát hiện, ngăn ngừa ca nhiễm mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, ứng dụng Bleuzone lại không có những tính năng cũng thuộc nhóm cực kì quan trọng hiện nay của Sổ sức khỏe điện tử là đăng ký tiêm chủng, giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc khai báo, phản hồi, theo dõi tình trạng sức khỏe sau tiêm.
Vì vậy, có quá nhiều ứng dụng chống dịch COVID-19 nhưng lại không có bất kỳ một ứng dụng nào có thể thực hiện đầy đủ tất cả các tính năng cả. Điều này vừa làm cho người dùng cảm thấy bối rối khi không biết trong hoàn cảnh nào họ phải dùng ứng dụng nào cho phù hợp, cũng như càng nhấn mạnh hơn tầm quan trọng của việc có một “siêu ứng dụng” có thể tích hợp tất cả các tính năng quan trọng vào trong một ứng dụng duy nhất mà thôi.
Cuối cùng, chúng tôi đánh giá về ưu và nhược điểm của từng ứng dụng dựa trên phần đánh giá thực tế của người dùng trên hai nền tảng Apple store và Google Play store cũng như tự đánh giá của nhóm với mong muốn góp phần vào việc xây dựng một “siêu ứng dụng” chống dịch COVID-19 tốt nhất, có thể khắc phục được tất cả các nhược điểm đã nêu trên. Chúng tôi nhận thấy, phần lớn các ứng dụng này đều xảy ra một số lỗi chung như không cập nhật, đồng bộ được thông tin, thường xuyên bị lỗi và thoát ra ngoài, không có hướng dẫn sử dụng cụ thể, đăng nhập, đăng ký phức tạp… Người dân vốn đã lúng túng, gặp nhiều khó khăn trong việc không biết phải chọn lựa sử dụng ứng dụng nào phù hợp, nay còn gặp nhiều lỗi như vậy nữa trong khi sử dụng. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của người dân nói riêng và đến công tác chống dịch nói chung trong giai đoạn Việt Nam đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng chống dịch COVID-19.
Bên cạnh nhược điểm, các ứng dụng cũng có nhiều ưu điểm riêng biệt cần phải tập trung phát triển hơn và tìm mọi cách để giảm thiểu tối đa những nhược điểm nhiều nhất có thể, giúp người dân thuận tiện và tin tưởng khi sử dụng.
Phát triển một “siêu ứng dụng”
Hiện nay, Bộ Y tế đã cho ra mắt ứng dụng PC-Covid được xem như “siêu ứng dụng” để thay thế cho tất cả các ứng dụng hiện có. Đây là một sự đổi mới rất cần thiết, phù hợp với thực trạng hiện tại và giúp người dân đỡ gặp khó khăn trong việc sử dụng các ứng dụng chống dịch COVID-19 dưới sự hướng dẫn của Bộ Y Tế. Tuy nhiên, ứng dụng này thực tế là trên cơ sở của một ứng dụng đã có là Bluezone chứ không phải tạo từ một ứng dụng hoàn toàn mới. Ứng dụng PC-Covid (Bluezone) hiện tại là ứng dụng được nhiều người dùng nhất, ưu điểm là có thể sử dụng trên cả hai hệ điều hành, có truy vết, cập nhật thông tin, cảnh báo người dùng đang ở khu vực có người Covid, có lưu lại các triệu chứng cho bệnh nhân để bác sĩ dễ nhận biết. Ứng dụng PC-Covid này xem là sẽ được trang bị đầy đủ cả chín tính năng chính, gồm: thẻ COVID-19; khai báo y tế; khai báo di chuyển nội địa; thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm; cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm; quét mã QR; truy vết tiếp xúc gần, bản đồ nguy cơ, phản ánh.
Nhưng trên thực tế, ứng dụng PC-Covid này vẫn có khá nhiều lỗi như: không thể truy cập, không cập nhật thông tin và đồng bộ hóa dữ liệu người dùng với Bluezone trước đó, hay bị lỗi và tự xuất ra ngoài, chưa có tích hợp chức năng vaccine hoặc xét nghiệm, khai báo y tế xong thì không quét mã được, v.v chưa đảm bảo được yêu cầu đã đặt ra. Vì vậy, ứng dụng cũng không thể thay thế được Sổ sức khỏe điện tử vì không có những tính năng liên quan đến việc tiêm chủng COVID-19 – vấn đề đang cực kì quan trọng hiện nay. Bên cạnh đó, có thể thấy NCOVI là ứng dụng của Bộ Y tế, với ưu điểm đơn giản, trực quan, dễ sử dụng, có cập nhật tin tức hằng ngày và đặc biệt là số ca nhiễm/khỏe/tử vong (mà Bluezone không có).
Do đó, chúng tôi cho rằng việc tập trung xây dựng một ứng dụng duy nhất là PC-Covid cần phải dựa vào những ưu, nhược điểm phổ biến trên các ứng dụng COVID-19 nhóm chúng tôi đã đưa ra để có thể cải thiện các hạn chế, khắc phục được các lỗi kỹ thuật và bổ sung thêm nhiều tính năng quan trọng khác, đặc biệt là thông tin tiêm chủng vaccine COVID-19.
Chúng tôi cho rằng việc tập trung xây dựng một ứng dụng duy nhất là PC-Covid cần phải dựa vào những ưu, nhược điểm phổ biến trên các ứng dụng COVID-19 nhóm chúng tôi đã đưa ra để có thể cải thiện các hạn chế, khắc phục được các lỗi kỹ thuật và bổ sung thêm nhiều tính năng quan trọng khác, đặc biệt là thông tin tiêm chủng vaccine COVID-19.
TS. Trần Thị Thùy Linh |
Nhóm nghiên cứu chống dịch COVID toàn cầu
TS. Trần Thị Thùy Linh (Viện Nghiên cứu Khoa học Cơ bản và Ứng dụng, Đại học Duy Tân, TPHCM)
Hoàng Ngọc Lan Hương (Lớp 12 Sinh, trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh).
Võ Cao Danh (Khoa Y, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh).
Nguyễn Thanh An (Trường Y Dược, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng).
Huỳnh Lê Anh Khoa (Khoa Tin Thống kê, Đại học Virgnia).
BS. Nguyễn Khởi Quân (Viện Khoa học Sức khỏe, VinUniversity).
BS. Nguyễn Hải Nam (Khoa Phẫu thuật Gan Mật Tụy và Ghép tạng, Đại học Kyoto).
Đoàn Lê Nguyệt Cát (Trường trung học Fleetwood Park, Surrey, BC, Canada).
PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Huy (Khoa Y, Trường Bệnh Nhiệt đới và Sức khỏe toàn cầu, Đại học Nagasaki).