Nhờ ứng dụng công nghệ sinh học, thời gian qua, các nhà khoa học Việt Nam đã chọn tạo được nhiều giống lúa, đậu tương, chuối, dứa, bưởi, thanh long v.v chống chịu tốt hơn với các điều kiện bất lợi và cho năng suất, chất lượng cao.

Tại hội thảo “Công nghệ sinh học phục vụ chọn tạo giống cây trồng”, do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TPHCM (CESTI) tổ chức ngày 8/8, bà Nguyễn Thị Minh Thư, Trung tâm CESTI cho biết, theo thống kê của WPIS Global - nhà cung cấp dịch vụ thông tin bằng sáng chế trực tuyến trên toàn thế giới, tính từ năm 1978 đến tháng 7/2024, có 43.242 sáng chế ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ công tác tạo giống cây trồng đã đăng ký bảo hộ trên thế giới. Trong đó, số lượng sáng chế của Trung Quốc chiếm 68,6%.

Cũng trong giai đoạn này, theo dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ, có 197 sáng chế/giải pháp hữu ích đề cập đến công nghệ sinh học phục vụ công táctạo giống cây trồng đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Các sáng chế/giải pháp hữu ích này có nguồn gốc từ Mỹ, Trung Quốc, Thụy Sỹ, Nhật , Úc, Đức và một số quốc gia khác. Riêng Việt Nam, có 52 sáng chế/giải pháp hữu ích, với chủ đơn là các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm CESTI, cho biết thêm, hiện nay Việt Nam có hơn 400 đề tài nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ chọn tạo giống cây trồng. Trong đó, nhiều sản phẩm đã được chuyển giao, ứng dụng thành công vào thực tiễn.

g
Trồng thử nghiệm các giống lúa mới. Ảnh: NNC

Theo GS. TS Lê Huy Hàm, Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển CNSH KC.12/2021-2030, tại Việt Nam, các hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây trồng chủ yếu tập trung vào phân lập gen, đa dạng di truyền, giám định loài, ứng dụng chỉ thị phân tử, tạo giống cây trồng biến đổi gen, nuôi cấy mô tế bào, tạo giống đột biến in vitro.

Chương trình KC.12/2021-2030 đã chọn tạo và công nhận 36 giống của 26 loại cây trồng nông nghiệp, như lúa, ngô, khoai tây, đậu tương, hoa, chè, thuốc lá, cà chua,… Trong số đó, có thể kể đến những giống nổi bật như giống lúa OM 6162 và OM 7347 cho năng suất 6-7 tấn trong điều kiện khô hạn, gạo thơm, ngon; giống lúa lai hai dòng VDT 2 ngắn ngày, năng suất 84-87 tạ/ha, kháng bệnh bạc lá, kháng rầy nâu; giống đậu tương Đ9 và TH29-3-7 kháng bệnh gỉ sắt, có thể gieo trồng 3 vụ/năm;…

Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cũng đã ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô thực vật trong công tác nhân giống chất lượng cao. Cụ thể, Viện đã chọn tạo, xây dựng quy trình kỹ thuật nhân nhanh giống hồ tiêu sạch bệnh in vitro; nhân giống ba loài cây thủy sinh tiêu thảo lá nhăn, cây lan gấm, tỏi Lý Sơn, xạ đen, Lan thạch hộc, các giống chuối,…

N
Nuôi cấy mô cây xạ đen của Viện Sinh học nhiệt đới. Ảnh: NNC

Theo TS Đỗ Đăng Giáp, Phòng Công nghệ Tế bào Thực vật, Viện Sinh học Nhiệt đới, công nghệ nuôi cấy mô thực vật giúp nhân giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, bảo tồn giống cây quý hiếm; đồng thời tạo giống cây mới, cây chống chịu sâu bệnh, cây cho năng suất và chất lượng cao. Điển hình như việc trồng chuối già lùn bằng cây giống cấy mô, cho chuối ra hoa đồng nhất, buồng chuối đồng đều, chất lượng đồng hạng, thu hoạch đồng loạt, năng suất rất cao (khoảng 40-60 tấn/ha).

Chuối già lùn có nguồn gốc từ Nam Mỹ, khả năng sinh trưởng tốt trên nhiều loại đất, kể cả đất phèn mặn. Cây cho trái thơm ngon, màu sắc chín tự nhiên lúc nào cũng vàng tươi, bảo quản được lâu, nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Chi phí cho 1ha chuối trồng bằng chồi, tương đương với chi phí trồng bằng cây giống cấy mô, nhưng lãi thu được thấp hơn rất nhiều (khoảng 18-25 triệu đồng/ha) so với trồng bằng cây giống cấy mô (khoảng 50-100 triệu đồng/ha) và cây giống ít bị chết.

g
Giống cam sành không hạt. Ảnh: NNC

Trong chọn tạo giống cây ăn quả, TS Trần Thị Oanh Yến, Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết, thời gian qua, Viện Cây ăn quả miền Nam đã tuyển chọn được những giống tốt, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận như thanh long, cam mật, cam sành không hạt, bưởi đường lá cam ít hạt, dứa Cayenne LĐ2, bưởi Năm Roi ít hạt và không hạt, …

Các giống cây trồng nêu trên đều có thể tiến hành hợp tác và chuyển giao vào thực tiễn sản xuất.