Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đã nghiên cứu quy trình công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật (in vitro) nhân giống lan Brassavola nodosa, giúp lưu giữ nguồn gen giống lan rừng quý này.

Brassavola nodosa là loài phong lan rừng có mùi thơm đặc biệt, được xếp vào hạng Đệ nhất hương với 22 điểm, trong khi cây Ngọc điểm (Rhynchostylys gigantean) chỉ có 14 điểm, Cattleya bicolor thơm nhất chỉ có 8 điểm, Neofinetia falcate 11 điểm, Đinh tử hương (Zygopetalum intermedium) 15 điểm,…

Với sự đa dạng về màu sắc, hình dáng, hương thơm, các loài lan Brassavola nói chung và Brassavola nodosa nói riêng đang được quan tâm để phát triển diện tích trồng. Đặc biệt, chúng là nguồn gen quý phục vụ công tác lai, chọn tạo giống hoa lan mới.

Lan rừng Đệ nhất hương   Ảnh: Internet
Lan rừng Đệ nhất hương. Ảnh: Internet

Trong nước đã có một số nghiên cứu về nhân giống lan rừng. Tuy nhiên, nguồn vật liệu tạo mẫu ban đầu chủ yếu sử dụng quả lan để gieo hạt. Điều này giải quyết được vấn đề nhân nhanh số lượng giống, nhưng cây con được tạo ra bị phân ly tính trạng, không đồng nhất về mặt di truyền, dẫn đến chất lượng cây giống không ổn định.

Nghiên cứu của nhóm tác giả tập trung vào việc nhân giống lan từ nguồn mẫu là các chồi bên hoặc đoạn thân của chúng. Việc nhân nhanh số lượng lớn cây giống với nguồn mẫu ban đầu hạn chế, có khi chỉ là một mẫu chồi hay đoạn thân duy nhất, đòi hỏi phải xác định được các điều kiện nuôi cấy tối ưu.

Nhân giống lan Đệ nhất hương    Ảnh: NVCC
Nhân giống lan Đệ nhất hương. Ảnh: NNC

Các chồi non cây lan Brassavola nodosa 1-2 tháng tuổi có chiều cao 7-10 cm được chọn để làm vật liệu nghiên cứu từ giai đoạn tạo chồi, nhân nhanh, tái sinh chồi, tạo cây in vitro hoàn chỉnh. Theo quy trình, tỷ lệ mẫu tạo chồi đạt 97,78%; số chồi phát sinh trung bình là 16,89 chồi; chỉ số tăng trưởng đạt 6,96 lần; chồi thu được to có màu xanh tươi. Quy trình thu được cây tăng trưởng tốt và 100% chồi ra rễ, tỷ lệ sống của cây giai đoạn vườn ươm sau 1 tháng trồng đạt 100%.

Việc nhân giống lan Brassavola nodosa từ chồi bên và đoạn thân góp phần chủ động sản xuất ra sản phẩm với số lượng lớn, trong thời gian ngắn, chất lượng cây đồng đều và ổn định, có thể đáp ứng nhu cầu về giống lan này của thị trường. Quy trình có thể áp dụng cho sản xuất cây giống, tạo nguồn mẫu cây bố mẹ phục vụ cho công tác lai tạo, đồng thời làm cơ sở cho nhân giống các loài lan khác trong chi Brassavola.

Đề tài nghiên cứu nói trên đã được Sở KH&CN nghiệm thu trong năm 2020 và chuyển giao cho Xưởng sản xuất sinh học thực nghiệm của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao TPHCM để nhân giống lan theo đơn đặt hàng của một số nhà vườn tại TPHCM và Vĩnh Long.