Gần đây, truyền thông Nga thông báo về đợt kiểm tra nhà nước với ngư lôi Futlyar. Nếu vượt qua được thử thách này, ngư lôi sẽ được sản xuất hàng loạt vào năm 2017 và trang bị trên các tàu ngầm hiện đại nhất. Futlyar là đại diện mới nhất của dạng ngư lôi UGST.
Số lượng nhiều nhưng thiếu chất
Ngư lôi Nga có thể tạm phân ra thành 3 dạng cơ bản: loại đường kính dưới 533mm, loại 53_ 533mm, loại 65_ 650mm.
Những ngư lôi “tăm” đường kính dưới 533mm có lịch sử phát triển từ rất sớm (1876). Trước và trong Thế chiến II, chúng được phát triển mạnh chủ yếu dùng cho cho máy bay săn ngầm. Sau 1945, Liên Xô có vài loại (MGT-1/2) trang bị hạn chế cho một số tàu ngầm, nhưng cơ bản vẫn ưu tiên các thiết kế ngư lôi nhỏ lắp đặt trên phương tiện phóng đường không.
Loại 65 được bắt đầu phát triển từ năm 1958, to lớn và vô cùng mạnh mẽ, mục tiêu của chúng là các cụm tàu sân bay Mỹ. Nhưng phải tới năm 1974, hải quân Liên Xô mới tìm được phương tiện mang phóng phù hợp cho ngư lôi khổng lồ này, các tàu ngầm hạt nhân Project 671RT, tới năm 1982, trang bị trên các tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ 3. Tuy nhiên, sau thảm kịch SSGN Kursk, loại 65 được gán mác “kẻ giết người” và không còn được ưu tiên phát triển nữa.
533mm (21 inch)_ cỡ ngư lôi thông dụng nhất trên toàn thế giới, chính là quá khứ, hiện tại và tương lai của hải quân Nga. Thừa hưởng từ Liên Xô một kho ngư lôi rất lớn nhưng Nga cũng phải giải quyết các vấn đề chồng chất trong đó.
VA-111 Shakval gần như là một “huyền thoại”, loại vũ khí dưới lòng biển duy nhất có thể thách thức tốc độ của những chiếc xe F1. Người ta tin rằng, ngư lôi siêu khoang này được sử dụng như như một vũ khí báo thù, hoặc để lật ngược tình hình khi đã bị đối phương phát hiện và ra tay trước. Vụ phóng siêu ồn ào không phù hợp với cách thức tác chiến bí mật thường thấy của lực lượng ngầm. Tuy nhiên, cũng như các thông tin được công bố, số lượng sản xuất của chúng rất ít, chỉ trang bị cho một số rất tối thiểu tàu ngầm Nga.
Những ngư lôi đơn năng, đại diện là TEST-71_chống ngầm và 53-65K_đối hạm, tỏ ra quá thừa thãi trong một cuộc chiến hiện đại và cần phải được gấp rút thay thế bằng loại đa năng. Tới lượt mình, USET-80, ngư lôi đa năng hạng nặng cuối cùng được trang bị chính thức cho hải quân Xô Viết, cũng đã bị lỗi thời ngay khi còn ở trên bản vẽ.
Trở lại năm 1964, một quyết định quan trọng được đưa ra, lựa chọn nặng lượng điện làm nguồn động lực cho các ngư lôi đa năng. Động cơ điện rất êm, bên cạnh đó, có dự đoán rằng, các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ có thể hoạt động ở độ sâu 1km, nơi các ngư lôi nhiệt gặp khó khăn.
Đổi lại, ngư lôi điện có những hạn chế như: to và nặng, giá cao, vòng đời ngắn (do các pin năng lượng không thọ được quá 15 năm), hiệu suất giảm theo thời gian. Và với các pin kẽm bạc hoạt động trong nước biển, ngư lôi sẽ “chết đuối” trong vùng nước có độ mặn thấp, như biển Baltic. Các đặc tính cơ bản của nó cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện môi trường nước. Ví dụ, ngư lôi đa năng SET-72, sau khoảng 20 vụ phóng thử vẫn chưa đạt được tốc độ tối đa như thiết kế đã công bố. USET-80 cũng bị nghi ngờ gặp phải vấn đề tương tự.
Từ thế hệ thứ 3, ngư lôi đa năng Liên Xô được đặt mục tiêu có hệ thống dẫn đường “bằng và hơn Mỹ”. Chuẩn ở đây là Mk-48 mod1 trang bị từ đầu những năm 70, dẫn đường theo tín hiệu âm thanh cho phép nó phát hiện tàu ngầm đối phương từ khoảng cách 2km. UMGT-1 và USET-80 ban đầu được cài đặt hệ thống Vodopad, thật không may, thực tế cho thấy chúng chỉ hiệu quả ở độ sâu lớn và gặp vấn đề ở vùng biển Bắc nông hơn.
Năm 1989, USET-80K được trang bị hệ thống mới Keramika. Bộ dây điều khiển tạo ra vấn đề, cuộn dây gắn sau ngư lôi luôn có khả năng bị phá hỏng vì sự vận động của chính nó cũng như tác động từ các dòng hải lưu mạnh.
Cơn đau đầu vẫn chưa kết thúc với hải quân Nga, đại đa số ngư lôi cỡ 533mm thời Liên Xô dự trữ hành trình dưới 20km. Trong khi đó hệ thống chống ngầm ASROC đặt trên chiến hạm Mỹ, mà mới đây nhất là VL-ASROC, có tầm bắn tới 22km. Đồng nghĩa, tàu ngầm sẽ có thể bị hạ trước khi nó kịp phóng ngư lôi.
Ngay cả ưu thế tưởng như hiển nhiên của ngư lôi điện là sự im lặng cũng không thể đạt được. Ngư lôi điện Liên Xô ồn ào hơn cả những ngư lôi nhiệt phương Tây.
UGST-Chiếc răng nanh mọc muộn
UGST hay ngư lôi đa năng tự dẫn hoạt động ở độ sâu lớn. Áp lực từ Mk-48 khiến Liên Xô buộc phải tìm ra một giải pháp đáp trả tương ứng. UGST Tapir bắt đầu được phát triển từ năm 1980, các thông số yêu cầu là tốc độ trên 70 knots, tầm phóng 20km, hoạt động được ở độ sâu tới 1000m, đạt được bằng động lực turbin khí chu trình kín. Các thử nghiệm bắt đầu từ năm 1983, thành công trong thử nghiệm nửa tầm bắn năm 1985.
Tuy nhiên, Tapir gặp vấn đề với bộ điều kiển năng lượng. Một phiên bản peroxide tính năng cao đã được chuẩn bị thay thế. Thành công chưa kịp đến thì chương trình đã bị chấm dứt. Bộ Công nghiệp Đóng tàu vốn chỉ hứng thú với những ngư lôi điện. Bất kể họ đã bỏ qua cơ hội để tạo ra một ngư lôi có khả năng vượt trội với giá rẻ (70.000 rúp với bản chế thử so với 360.000 rúp cho một quả USET-80 vốn đã được sản xuất hàng loạt), vòng đời dài.
Một phiên bản oxygen khác là UGST Magot, được tạo ra tại nhà máy Kirov (Alma-Ata), công việc không nhận được bất cứ hỗ trợ nào từ các đơn vị chức năng đầu ngành có liên quan. Magot đã không thể được hoàn thiện trước khi Liên Bang Xô Viết tan rã.
Năm 1986, một chương trình UGST khác lại được khởi động, piston hướng trục đơn nhiên lệu Fizik, lấy nguyên mẫu từ “nỗi ám ảnh” Mk-48. Thay vì được viện Gidropribor toàn quyền phụ trách như thường thấy, chương trình là sự kết hợp của viện Nghiên cứu và Thiết kế Morteplotekhnika phụ trách động lực và Khu vực các Doanh nghiệp Nghiên cứu và Phát triển Nhà nước phụ trách hệ thống điện tử dẫn đường.
Những khó khăn khách quan khiến thử nghiệm chỉ bắt đầu từ năm 1995, được hải quân chấp nhận từ 2002, thậm chí có cả phiên bản xuất khẩu. Thực tế, thời điểm đó số lượng chế tạo rất hạn chế. Năm 2012, thử nghiệm phiên bản hiện đại hóa Fizik-1, 6-7 được sản xuất với giá 96 triệu rúp. Năm 2015, lên kế hoạch cho hợp đồng 1 tỉ rúp. Và vài ngày trước, Sputnik đưa tin, tất cả các chiến hạm và tàu ngầm mới của Nga đều sẽ được trang bị loại vũ khí này.
Theo Ivan Rusanov, chuẩn Đô đốc tàu ngầm đã về hưu, việc trang bị thành công UGST cho hải quân là sự sửa chữa cho những sai lầm trong quá khứ. Fizik có thiết kế modular, cho phép tùy biến trên nhiều bộ phận để tạo ra hệ các cấu hình khá đa dạng. Rõ ràng nhất là chiều dài của nó có thể thay đổi từ chuẩn 7,2m xuống 6,1 m để tương thích với các ống phóng Nato. Động cơ nhiệt piston hướng trục có buồng đốt xoay, nhiên liệu lỏng được bơm vào với áp suất cao (35MPa) cho hiệu suất chuyển hóa ấn tượng.
Fizik-1 bản chuẩn, có phần nhỏ gọn hơn ngư lôi điện USET-80 (7,2m; 2,2 tấn so với 7,9 m; hơn 2 tấn) nhưng vẫn có đầu nổ và tốc độ tối đa tương đương (300kg; 50knots), hoạt động được ở độ sâu lớn hơn (500m so với 400m) và đặc biệt, dự trữ hành trình gấp 2,5 lần (50km so với 20 km). Sự cơ động ngay sau khi phóng và cải thiện độ ồn cũng là yếu tố quan trọng, nhất là khi tấn công các mục tiêu gần.
Hệ thống dẫn đường và tìm kiếm mục tiêu bao gồm: bộ dây điều khiển gồm hai cuộn đặt trên tàu ngầm và ngư lôi dài tổng cộng 30km.
Đầu dẫn chủ/thụ động với radar mạng phẳng thay đổi được vùng quét, các sonar cảm ứng theo vết âm thanh, bộ dẫn đường quán tính, dẫn đường lập trình, hệ thống ổn định góc.. Có khả năng phát hiện các mục tiêu ở khoảng cách 1,2km với mục tiêu nổi, 2,5km với mục tiêu ngầm. Máy tính điều kiển mạnh, kích thước nhỏ, tiêu thụ năng lượng thấp. chứa các thuật toán cao cấp, có khả năng thích ứng cao với nhiều phương tiện mang phóng khác nhau. Phần đầu nổ cũng có thể tùy biến đa dạng, với các cảm biến cho phép tính toán góc độ và khoảng cách nổ sao cho gây ra thiệt hại tối đa.
Futlyar đang được thử nghiệm cũng là UGST thế hệ mới nhất của hải quân Nga, được chế tạo để hướng tới các cuộc thủy chiến sử dụng công nghệ cường độ cao. Một bản nâng cấp mạnh từ Fizik, phần cứng cơ bản được dữ nguyên, tập trung vào cải thiện khả năng phát hiện mục tiêu với tầm xa và độ chính xác cao hơn. Dẫn đường bằng dây vẫn được giữ lại, vì đó là biện pháp chống đối phó điện tử rất tốt và giúp ngư lôi bám bắt mục tiêu trong những tình huống khó, ở khoảng cách xa.