Ngày này 75 năm về trước, đơn vị pháo phản lực phóng loạt đầu tiên của Hồng quân Công Nông được thành lập tại Moscow. Ngay lập tức, họ tạm biệt thủ đô để hướng về tiền tuyến. Đây chính là khởi đầu để tạo nên một huyền thoại của cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.

Tới thế kỷ XIX, nhiều nước phương Tây tỏ ra quan tâm tới vũ khí phản lực. Đế quốc Nga là một trong những nước tiên phong khám phá kỹ thuật rocket và sử dụng chúng trên chiến trường. Trong cuộc chiến tranh Nga-Phổ (1828-1829), quân Nga đã cho ra mắt giàn phóng 6 đạn đơn giản. Thậm chí năm 1934, họ còn thử nghiệm bắn rocket từ tàu ngầm. Tuy nhiên, tới nửa sau thế kỷ, pháo phản lực vẫn không thể cạnh tranh được với súng pháo truyền thống và dần bị quên lãng.

Phải tới những năm 1920, rocket mới được quan tâm trở lại. Năm 1921, phòng thí nghiệm Gas Dynamics (GDL) được thành lập tại Moscow, 6 năm sau chuyển về Leningrad. Nơi đây tập trung vào nghiên cứu và phát triển nhiên liệu phản lực dạng rắn. Năm 1930, Liên Xô và Đức bước vào cuộc chạy đua quyết liệt về vũ khí phản lực. Năm 1933, GDL được hợp nhất với một phần Nhóm Nghiên cứu về Sức đẩy Phản lực để tạo thành Viện Nghiên cứu Khoa học Động cơ Phản Lực (RNII). Các dự án rocket cỡ 82mm và 132mm đang có những kết quả đáng kể. Đạn RS-82 và RS-132 lần lượt được trang bị cho các máy bay I-16, I-15, I-153 và ANT-40 vào năm 1837, 1838.

Một nguyên mẫu BM-13
Một nguyên mẫu BM-13

Trong khi không quân được ưu ái thì một nghiên cứu tương ứng cho lục quân phải chờ đến năm 1936 mới được quan tâm. Chương trình sau đó được chuyển giao cho Viện Nghiên Cứu Khoa Học số 3 (NII3) năm 1938. Lúc đó, cuộc “đại thanh trừng” đã cướp đi nhiều nhà khoa học như Kleymenov và Langemak. Thật may mắn khi Vladimir Artemyev, một trong những người dẫn dắt từ thời GDL vẫn còn trụ được lại. Cùng với đó, các nhân vật tích cực như Vasiliy Aborenkov, Shvarts, Sorkin, Gvay, Pavlenko, Galkovskiy, và Popov có những đóng góp khác nhau giữ dự án được phát triển.

Nguyên mẫu đầu tiên của hệ thống là MU-1, đặt trên khung gầm ZiS-5 4x2, nó có một giá phóng gắn ngang thân xe với 24 ray định hướng theo kiểu đặt trên máy bay. Thử nghiệm cho thấy một số vấn đề nghiêm trọng, bao gồm cả việc ổn định, do rocket được bắn ngang về một phía, đẩy trọng tâm hệ thống lệch sang phía còn lại. Sử dụng nguyên các ray định hướng kiểu hàng không cũng khiến quá trình tái nạp đạn chậm và rất bất tiện.

Thân xe bị ảnh hưởng bởi luồng phụt của đạn và sự kém cơ động của khung gầm ZiS-5. Năm 1939, hai MU-1 tiếp theo sử dụng khung gầm ZiS-6 ba cầu, bệ phóng vẫn bị đặt ngang, nhưng có thể điều chỉnh theo phương vị và độ cao, cách sắp xếp các ray phóng cũng hơi khác. Khoảng thời gian thử nghiệm với MU-1 là 12/1938-2/1939.

Tới nguyên mẫu MU-2, bệ giá đã được quay dọc trùng với trục xe, giúp ổn định hơn nhiều. Các ray phóng được thiết kế lại, dài hơn, tiếp tục cải thiện độ chính xác và có thể cho phép nạp đạn từ phía sau , tức dễ nạp hơn. Mỗi ray có mặt cắt ngang hình chữ “I” mang 2 quả đạn, một bên trên, 1 bên dưới. Có thêm cửa chớp bọc thép để bảo vệ khoang lái. Đây chính là cấu hình chuẩn cho các MRL Nga, Liên Xô tiếp theo. Đóng góp cho thành công của nguyên mẫu này còn là đạn rocket 132mm mới được đặt tên là M-13 cũng được ra mắt vào hè 1939.

So với RS-132 thì nó có tầm bắn và đầu đạn lớn hơn đáng kể (5kg). Tầm bắn tăng do tăng lượng nhiên liệu , quả đạn dài thêm 48 cm. Đặc điểm khí động mới cũng cho phép ổn định đường đạn tốt hơn. Tầm bắn tối của hệ thống mới đạt 8.5km. Tháng 11/1939, giai đoạn cuối thử nghiệm, 5 xe được chế tạo. Sau này, chúng đã được chấp nhận chính thức với định danh BM-13. Với BM tức Boyevaya Mashina Xe chiến đấu . Một xe phóng bao gồm 1 bệ giá phóng lắp trên một khung gầm bánh lốp hoặc bánh xích. 13 tức cỡ đạn 13mm.

Tuy nhiên, trước khi trở thành một vũ khí đích thực, BM-13 đã phải nhận nhiều sự thờ ơ và nghi ngờ của nhiều tướng lĩnh và lãnh đạo. Tình hình lúc bấy giờ tương đối khẩn trương, sẽ không có nhiều thời gian cho một thiết kế phi truyền thống chưa từng chứng minh được hiệu quả. Người ta đang tập trung cho pháo binh “thần chiến tranh”, súng bộ binh, pháo xe tăng hay pháo hạm. Bên cạnh nghi ngại về bề ngoài mỏng manh, thời gian nạp rất lâu, độ tản mát của chùm đạn rất lớn …

Một cơ hội được mở ra khi từ ngày 15 tháng 6 năm 1941, trên trường bắn Sofia ngoại ô Moscow đã diễn ra đợt thử nghiệm lớn. Với sự tham dự của Dân ủy Quốc phòng – Nguyên soái Liên Xô Semyon.K.Timoshenko, Tư lệnh pháo binh-Nguyên soái Grigory.I.Kulik, Dân ủy vũ trang-Dmitriy.F.Ustinov, Dân ủy đạn dược- P.N.Goremykin. Hai xe BM-13 góp mặt tại âm thầm góp mặt.

Nhưng khi giàn pháo khạc ra 48 quả rocket cùng tiếng rít ghê gớm, chúng đã khiến tất cả phải sững sờ. Dường như không còn thấy dấu vết của sự sống sau loạt đạn. Timoshenko đã quay sang gay gắt với Kulik “Tại sao đồng chí có thể giữ im lặng và không báo cáo về một loại vũ khí như thế?”.Tư lệnh pháo binh bào chữa rằng vũ khí chưa được phát triển và thử nghiệm hoàn thiện. Trong hồi ký của mình Nguyên soái Konstantinovich Zhukov cũng thừa nhận Kulik đã không đánh giá cao khả năng của pháo phản lực trước chiến tranh.

Sai lầm như vậy còn có thể thấy với không quân khi Pavel Rychagov đã từng xem nhẹ IL-2 Sturmovik, loại máy bay tấn công mặt đất sau đó cũng đã trở thành huyền thoại của Thế chiến II.

Timoshenko và Aborenkov, với ảnh hưởng và nỗ lực của mình đã gạt đi những hoài nghi của giới lãnh đạo. 24 giờ trước khi phát xít Đức tấn công, họ đã có chữ ký của Stalin trên tờ quyết sản xuất hàng loạt xe phóng và đạn của hệ thống BM-13.

(Còn nữa)