Uber cam kết sẽ có lãi vào năm 2021, tuy nhiên mới đây CEO Uber cho biết công ty sẽ có lãi sớm hơn dự định. Thông tin này đưa giá cổ phiếu Uber tăng 8%, dù giới phân tích vẫn còn nhiều hoài nghi.

Giám đốc điều hành của Uber, Dara Khosrowshahi, vừa cho biết công ty cổ phần gọi xe đang thua lỗ nặng nề này dự kiến sẽ có lãi vào cuối năm 2020. Tin này đã khiến giá cổ phiếu Uber tăng vọt trong phiên giao dịch sau đó.

Công bố số liệu hàng quý mới nhất của mình, Uber cho thấy lỗ 1,1 tỷ USD trong ba tháng cuối năm 2019, ít hơn các nhà phân tích dự kiến, nhưng vẫn đưa khoản lỗ cho cả năm lên mức 8,5 tỷ USD. Doanh thu tăng 37% lên 4 tỷ USD.

CEO Dara Khosrawshahi của Uber

Công ty đang chuyển sang cắt giảm chi phí trong bối cảnh các nhà đầu tư ngày càng ác cảm với các công ty thua lỗ. Tháng 10 năm ngoái, hàng trăm nhân viên Uber Eats, dịch vụ giao đồ ăn, và các bộ phận tiếp thị và tuyển dụng đã mất việc. Uber cũng đã bán một số công ty con, bao gồm cả Uber Eats Ấn Độ.

"Chúng tôi nhận ra rằng thời đại tăng trưởng bằng mọi giá đã kết thúc," Khosrowshahi nói.

Đồng thời Uber cũng đang gặp nhiều rào cản pháp lý. Công ty đang kiện để ngăn chặn một đạo luật của California,dự kiến sẽ bảo vệ tốt hơn cho các lái xe/ công nhân hợp đồng.

Uber cũng mất giấy phép hoạt động ở London vào năm ngoái sau khi chính quyền phát hiện ra rằng hơn 14.000 chuyến đi đã được thực hiện bởi các tài xế đã giả mạo danh tính. Chỉ riêng ở Mỹ, hành khách Uber báo cáo hơn 3.000 vụ xâm hại tình dục vào năm 2018.

Uber trước đó đã cam kết sẽ có lãi vào năm 2021. Tin tức từ CEO rằng công ty sẽ có lãi sớm hơn dự định đã đưa giá cổ phiếu Uber tăng 8%, nhưng giới phân tích vẫn còn nhiều hoài nghi với doanh nghiệp này.

Alyssa Altman, trưởng nhóm vận tải tại công ty tư vấn kỹ thuật số Publicis Sapient, cho biết: "Nỗ lực mới nhất của Uber nhằm cắt giảm các mảng kinh doanh thua lỗ là khá hứa hẹn, nhưng không đảm bảo Uber sẽ thoát ra được khỏi nấm mồ tài chính mà họ tự đào (các khoản thua lỗ - PV)."

Ở khu vực Đông Nam Á, đầu tư cho khởi nghiệp công nghệ vào Đông Nam Á giảm 36% trong năm 2019, theo báo cáo của Cento Ventures, quỹ đầu tư mạo hiểm của Singapore. Grab và Gojek, hai decacorn (startup trị giá trên 10 tỷ USD) trong khu vực, đã có những vòng gọi vốn lớn vào năm 2019, nhưng “dường như nhỏ hơn so với năm trước”, báo cáo ghi nhận.

Nhìn chung giới đầu tư đang mạo hiểm tỏ ra dè dặt hơn, sau vụ việc của WeWork trong năm 2019.

Năm 2020 “đầu tư cho startup công nghệ sụt giảm mạnh, nhất là đầu tư cho các doanh nghiệp B2C chuyên sử dụng đòn bẩy tài chính để đánh chiếm thị trường,” Lê Công Thành, CEO Infore - một startup về dữ liệu của Việt Nam, dự đoán.