Sau đại dịch Covid-19, startup Tubudd có thể giúp các bạn trẻ giỏi ngoại ngữ tại địa phương “tự kinh doanh” những năng lực của mình trong quá trình hồi sinh du lịch Việt.
Thành lập vào tháng 06/2017 với 3 đồng sáng lập là Annie Vũ (CEO), Anthony Cruickshank (COO) và Ethan Đặng (CTO), những người trẻ này ôm ấp giấc mơ “dù đi du lịch tới bất kì một nơi xa lạ nào cũng không cảm thấy sợ hãi hoặc lạc lõng” vì họ có thể dễ dàng tìm kiếm được những người bạn bản địa am hiểu vùng đất và mọi nét văn hóa sống ở nơi đó.
Đội ngũ của Tubudd thấy rằng không phải lúc nào người đi du lịch cũng có được những trải nghiệm mà họ mong muốn. Dù đã cố hết sức tìm thông tin trước khi tới một nơi thì những trang web hay cuốn sách giới thiệu luôn có xu hướng tập trung vào những điểm đến nổi tiếng mà ai cũng sẽ đến. Đôi khi, chúng mang màu sắc ‘quảng bá’ và thiếu đi những kết nối cụ thể chạm tới cá nhân. Trong khi đó, các tour du lịch truyền thống luôn có một lịch trình cố định. Bởi vậy, những người khách nước ngoài đến với Việt Nam có thể sẽ bỏ lỡ những địa điểm và trải nghiệm thú vị mà người dân bản địa yêu thích.
“Chúng tôi đã chán ngán với cách du lịch cũ”, Annie Vũ chia sẻ hồi Techfest 2018. Nhưng không phải lúc nào họ cũng tìm được những người bản địa phù hợp để cùng nhau “cá thể hóa” một tour du lịch với mức giá vừa phải cho riêng mình.
Thực tế, ý tưởng kết nối khách du lịch quốc tế với những người bạn am hiểu địa phương đã có từ 5-10 năm trước, với những nhóm tình nguyện từ các clb ngoại ngữ, clb du lịch, clb văn hóa trong trường sẵn sàng đi giao lưu, hướng dẫn khách quốc tế đến Hà Nội và Tp.HCM ngắn ngày. Nhưng vì không tự xây nên được một nền tảng công nghệ vững chắc và một mô hình tạo thu nhập bền vững cho các thành viên tham gia nên những nhóm này thường khó có thể duy trì hiệu quả trong lâu dài.
Tubudd ra đời với tư cách là nền tảng công nghệ đầu tiên ở Việt Nam kết nối khách du lịch với những người bạn bản địa (buddy). Theo Annie Vũ, startup này đang góp phần giải quyết hai vấn đề quan trọng của ngành du lịch trong nước, đó là lòng tin và cơ hội việc làm.
Tubudd đang giúp tạo nên những kết nối an toàn, đáng tin cậy hơn giữa những người xa lạ. Điều này đặc biệt quan trọng với những người nước ngoài đến Việt Nam vì mục đích làm ăn và muốn tìm kiếm một người trợ lý bản địa đáng tin cậy giúp đỡ họ trong việc di chuyển, logistic, biên phiên dịch... để không bị lỡ làng việc kinh doanh.
Cũng giống như với Uber, Grab và Airbnb, du khách sẽ cảm thấy tin tưởng khi dùng dịch vụ trên một nền tảng công nghệ mà tại đó họ có thể truy cập được thông tin minh bạch về hồ sơ, nhận xét, đánh giá đối với những lái xe, chủ căn hộ hay người bạn bản địa mà họ kết nối. “Các du khách sẵn sàng bỏ tiền ra để mua thời gian, mua tính tiện lợi của một dịch vụ. Họ có xu hướng tin tưởng vào một tổ chức hơn là tự kết nối với một cá nhân xa lạ bất kì”, Annie Vũ lý giải.
Khi đăng ký, các buddy sẽ phải cung cấp căn cước công dân và phương thức liên hệ của mình với công ty. Sau khi kiểm tra trình độ ngoại ngữ và sự am hiểu về địa phương, công ty sẽ có một khóa tập huấn ngắn hạn về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sơ cứu, tư duy dịch vụ… để giúp các buddy trở nên chuyên nghiệp hơn.
Mặc dù ở thời điểm hiện tại trong điều khoản dịch vụ của mình, Tubudd tuyên bố chỉ đóng vai trò “kết nối và thực hiện thanh toán” giữa các bên mà không chịu trách nhiệm về mức độ hài lòng cũng như chất lượng dịch vụ của chuyến đi mà buddy cung cấp, nhưng quá trình tuyển chọn kỹ càng từ khâu đầu vào của họ cũng cho thấy một nỗ lực đáng chú ý trong việc và nâng cao chất lượng của đội ngũ nhân sự tham gia vào lĩnh vực du lịch.
Trải qua bốn năm hoạt động, trong đó có hai năm đại dịch gần như làm đóng băng hoàn toàn ngành du lịch Việt Nam, tháng bảy vừa qua, Tubudd đã tuyên bố một chiến lược mới với kế hoạch phân buddy thành sáu nhóm: The Adventure Buddy (bạn bản địa trong những chuyến phiêu lưu); The Lifestyle Buddy (bạn bản địa cùng khám phá cuộc sống địa phương); The Art Buddy (bạn bản địa thưởng thức nghệ thuật); The History & Culture Buddy (bạn bản địa tìm hiểu lịch sử, văn hóa); The Medical & Beauty Buddy (bạn bản địa hỗ trợ về y tế và làm đẹp) và The Business Buddy (bạn bản địa trợ lý kinh doanh).
Tubudd hiện có khoảng 900 buddy bản địa ở 12 quốc gia, trong đó khoảng 700 buddy là ở Việt Nam. Theo Annie Vũ, chiến lược này đánh mạnh hơn vào thị trường Việt Nam để giúp đỡ các bạn trẻ vì người trẻ Việt Nam rất năng động, luôn nỗ lực trau dồi ngoại ngữ để trở nên hiểu biết hơn, tuy nhiên lại chưa có nhiều cơ hội ở địa phương dành cho họ. Do vậy, họ muốn tạo một môi trường thuận lợi để các bạn trẻ không phải đi xa xôi đến những thành phố lớn tìm kiếm cơ hội việc làm mà vẫn gắn bó được với những giá trị quen thuộc từ khi sinh ra.
Chi phí cho mỗi giờ sẽ do buddy tự đặt và thông báo công khai trên ứng dụng. Nền tảng này sẽ nhận 25% trên tổng chi phí du khách trả cho mỗi dịch vụ, trong khi các buddy được hưởng 75% còn lại (bao gồm thuế).
Tubudd dự kiến dành tới 40% nguồn lực của mình để phát triển mảng “business buddy” vì đây là một lĩnh vực cực kì tiềm năng. Theo thống kê, trợ lý cho kinh doanh là đối tượng được đặt nhiều nhất trên ứng dụng trong hai năm qua, bởi dịch Covid-19 khiến cho khách hàng không thể đến Việt Nam để du lịch nhưng vẫn đến vì nhu cầu làm ăn, đầu tư. Giờ đây, khi mở cửa biên giới quốc gia, các doanh nhân sẽ tìm đến Việt Nam ngày càng nhiều hơn.
“Business buddy sẽ giải quyết được tất cả câu hỏi liên quan đến tất cả những gì mà một doanh nhân cần - từ việc ăn gì, uống gì, ở đâu, sắp xếp logistics, giới thiệu những địa điểm phù hợp cho cuộc gặp gỡ tiếp theo với đối tác, hay dẫn đường đến tham quan các công ty”, nhà sáng lập của Tubudd giải thích. “Chúng tôi có một buddy ở Vĩnh Phúc, chuyên một tour nhà máy. Thật ra, họ không có mối quan hệ để đưa khách vào tận trong nhà máy, nhưng họ có thể sắp xếp, giúp đỡ việc dẫn đường và có ngoại ngữ tốt để đóng luôn vai trò là người phiên dịch cho khách hàng”.
Một số business buddy hiệu quả đến mức đã có những khách cực kỳ hài lòng và đặt bạn đó cả tuần liên tiếp, làm việc từ 6-8 tiếng mỗi ngày, thậm chí ngỏ ý muốn giữ chỗ mặc dù buddy có thể không rảnh trong tuần tiếp theo. Theo quy tắc, tất cả các dịch vụ của Tubudd đều được mua dưới hai gói: nửa ngày (tối đa 4 tiếng) hoặc cả ngày (8 tiếng). Khách du lịch có thể mua tối đa tám ngày liên tục.
Thậm chí, Tubudd còn muốn tiếp nhận một xu hướng mới từ Hàn Quốc, đó là những doanh nhân đến Việt Nam với nhu cầu 'workcation', tức vừa đi làm vừa kết hợp đi chơi, nghỉ dưỡng. Những người này thường đem cả gia đình đến trong nhiều tuần, do vậy, họ có thể đặt một bạn buddy giúp đưa gia đình đi chơi trong khi bận công việc, hoặc ngược lại, hỗ trợ họ trong công việc khi cả gia đình đi chơi.
Nhưng mảng du lịch vẫn là một thế mạnh mà Tubudd tiếp tục phát triển. Startup này trao quyền cho tất cả buddy tạo ra trải nghiệm để xây dựng thương hiệu riêng, sở hữu nội dung và mở rộng kinh doanh “vốn tự có” của mình. Thịnh – một buddy về tìm hiểu lịch sử, văn hóa – giới thiệu về những con rối nước truyền thống, và nói rằng các buddy có thể là người học chuyên về mảng đó hoặc cũng có thể là người có sự đam mê, tìm hiểu để kể những câu chuyện mà khách chưa biết.
Trong khi đó, Hồng Minh – một buddy về khám phá cuộc sống bản địa - và là người có kỹ năng chụp ảnh tốt, nói rằng cô thường đặt một mức giá khá cao cho các chuyến đi chụp ảnh vì nó bao gồm cả kiến thức, kỹ năng và thời gian bỏ ra. “Khi đi với người bản địa, khách du lịch cũng được nghe buddy kể về trải nghiệm của bản thân, ví dụ như câu chuyện tuổi thơ gắn với địa điểm đó, hay là giọng địa phương họ nói thế nào. Đó là những trải nghiệm không mua được bằng tiền”, cô chia sẻ.
Đội ngũ của Tubudd nói rằng những mảng về y tế và làm đẹp cũng rất tiềm năng vì Việt Nam đang có một đội ngũ các y bác sĩ trình độ chuyên môn cao, giá cả lại hợp lý nên được rất nhiều người ở nước ngoài tìm đến để sử dụng các dịch vụ như làm răng, phẫu thuật, khám chữa bệnh.
Tháng này, Tubudd mới
tiếp nhận một dòng vốn lên tới sáu chữ số từ quỹ mạo hiểm The Ventures của Hàn Quốc.Annie tiết lộ lượng đầu tư này có thể được mở rộng nếu họ chứng minh được năng lực và hiệu quả của mình trong 12 tháng tiếp theo. Với sự hậu thuẫn mới này, những nhà sáng lập muốn đưa Tubudd thành một trong những ứng dụng phổ biến nhất mà du khách nhất định sẽ tải xuống và sử dụng ngay khi đến Việt Nam.