Hiện nay, công nghệ in 3D đã được nhiều nước sử dụng như một công nghệthiết yếu phục vụ sản xuất. Đặc biệt là dùng để tạo mẫu nhanh từ các bản thiết kế. Từ những mẫu nhanh này, nhà sản xuất sẽ đánh giá sản phẩm và kiểm tra những lỗi thiết kế để tiến hành sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên tại Việt Nam, công nghệ này vẫn còn khá mới mẻ nên chưa phổ biến. Các doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị tạo mẫu nhanh phục vụ nhu cầu trong nước cũng có giá thành rất cao.
Theo tìm hiểu, chi phí để đầu tư một máy in 3D có giá từ 25 đến 100 ngàn USD. Trong khi các vật liệu phục vụ công nghệ này cũng phải nhập khẩu và có giá thành tương đối lớn.
Từ nhu cầu làm chủ công nghệ in trong nước và mong muốn đẩy mạnh nghiên cứu phục vụ nhu cầu sản xuất, giảm giá thành dịch vụ tạo mẫu nhanh, hai bạn sinh viên Quốc Bảo và Hồ Minh Thảo, Khoa Công nghệ, trường ĐH Công nghệ TP.HCM đã bỏ 6 tháng nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm máy in 3D “Made in Việt Nam”.
Chia sẻ về ý tưởng nghiên cứu, Quốc Bảo nói: “Ở trường, bọn em thường xuyên phải tiếp xúc với những chi tiết, sản phẩm tương đối khó mô tả, điều này gây khó khăn rất lớn cho việc học tập khi hầu hết các bài học đều chỉ là lý thuyết suông. Một chiếc máy in 3D có thể giải quyết tất cả những điều này. Do đó, bọn em đã tìm hiểu thông tin trên mạng, cùng với sự chỉ dẫn của các thầy cô trong khoa để chế tạo thành công chiếc máy này”.
Chiếc máy in 3D do các bạn chế tạo có cấu tạo gồm có 3 trục cơ bản: trục X di chuyển qua lại, trục Y để di chuyển lên xuống và trục Z để nâng đầu khung lên xuống tạo thành 1 không gian 3 chiều. Khi muốn "in"một sản phẩm, người sử dụng cần phải lên ý tưởng thiết kế 3D thông qua các phần mềm chuyên dụng. Sau đó xuất thành file và chép vào thẻ nhở để cắm vào máy, chọn thư mục và vận hành. Máy cũng có 1 bộ vi điều khiển và 1 đầu đùn có điện trở để khi máy hoạt động, bộ phận này sẽ làm nóng chảy sợi nhựa để vẽ ra sản phẩm và tạo thành vật cần làm.
Theo Hồ Minh Thảo, máy có độ chính xác tương đối cao (từ 0,05 đến 0,2 mm) và gia công được các chi tiết trong khoảng 200x100x150 mm. Vật liệu mà máy sử dụng cũng tương đối rẻ và có thể mua được từ các nhà sản xuất trong nước.
Hiện tại, nhóm đang có dự định hoàn thiện sản phẩm và phát triển thành từng nhóm riêng biệt. Từ đó, đáp ứng được các nhu cầu khác nhau của những lĩnh vực như công nghệ thực phẩm, cơ khí, chế tạo máy... Đặc biệt, máy in này cũng có thể ứng dụng vào lĩnh vực y sinh với việc tạo ra những mô hình 3D, sử dụng trong phác đồ điều trị của bác sĩ, giúp nâng cao hiệu quả điều trị.
Đánh giá về sản phẩm này, thầy Phạm Bá Khiển, giảng viên khoa Cơ – Điện – Điện Tử, trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho rằng, với giá thành chỉ bằng 1 nửa so với các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, hầu như các trường ĐH hay các trường phổ thông đều có thể trang bị chiếc máy này để phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu của học sinh – sinh viên. Trong thời gian tới đây, nhà trường sẽ tiếp tục đầu tư, hỗ trợ để các em có thể nhanh chóng thương mại hóa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.