Vài tháng trở lại đây các thương vụ đấu giá NFT liên tục đạt đến mức trả giá hàng triệu USD. Nhiều người cho rằng, đây sẽ là tương lai của mua bán các sản phẩm/ tác phẩm kỹ thuật số.

NFT (non-fungible tokens) - hay mã thông báo không thể thay thế - là các tệp độc nhất được lưu trữ trên một chuỗi khối, và có thể xác minh quyền sở hữu một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số. NFT cho phép mua bán quyền sở hữu các mặt hàng kỹ thuật số độc nhất, và theo dõi ai đang là người sở hữu chúng, bằng cách sử dụng chuỗi khối.

Chuỗi khối, bằng cách xếp các giao dịch theo thời gian, cho phép người dùng xác thực rằng không có giao dịch nào trùng lặp. Mỗi khối trong chuỗi – bao gồm danh sách của vài nghìn giao dịch xảy ra trong vòng khoảng mỗi 10 phút – phải được xác thực trước khi nối vào chuỗi.

NFT có thể chứa bất kỳ sản phẩm/tác phẩm kỹ thuật số nào - bản vẽ, ảnh GIF động, bài hát, v.v... Một NFT có thể là độc nhất vô nhị, giống như một bức tranh ngoài đời thực, và chuỗi khối sẽ theo dõi và xác minh xem ai là người có quyền sở hữu tệp.

Nổi tiếng trong những vụ mua bán NFT gần đây có sự kiện Jack Dorsey, đồng sáng lập và CEO của Twitter đấu giá dòng tweet đầu tiên của mình; số tiền bán được sẽ được chuyển thành bitcoin và quyên góp từ thiện. Giá thầu cao nhất cho NFT này hiện là 2,5 triệu USD. Cuộc đấu giá sẽ kết thúc vào ngày 21/3; người chiến thắng sẽ nhận được NFT, hay “chứng chỉ kỹ thuật số của tweet”, theo trang web đấu giá NFT Valuables, nơi bán tweet của Dorsey. Tuy nhiên, tất cả mọi người vẫn có thể xem được tweet này miễn phí trên internet, nếu Twitter hoặc Dorsey không xóa nó.

Trong một vụ đấu giá khác, một nhóm các nhà đầu tư tiền điện tử (có tên Injective Protocol) đã mua một tác phẩm nghệ thuật trị giá hơn 90.000 USD của Banksy - một nghệ sĩ ẩn danh ở Anh, sau đó đốt bản gốc và bán một phiên bản NFT của tác phẩm với giá gấp bốn lần giá trị ban đầu. Đây là một bức tranh giễu nhại của Banksy xoay quanh việc bán bức Hoa hướng dương của Van Gogh trị giá 40 triệu USD vào năm 1987, trên tranh có chú thích "Tôi không thể tin rằng mấy kẻ ngốc các người lại thực sự mua cái thứ này".

acbc
Các nhà đầu tư tiền mã hóa mua và đốt tác phẩm của Banksy. Ảnh: YouTube

Và gần đây nhất, Mike Winkelmann - nghệ sĩ kỹ thuật số được biết đến với nghệ danh Beeple - chưa từng bán được một tác phẩm nào với giá quá 100 USD nhưng trong "cơn lốc" NFT, đã bán được một tác phẩm với giá 69 triệu USD tại nhà đấu giá Christie’s vào ngày 11/3. Theo nhà đấu giá, thương vụ này đưa Beeple vào "một trong số ba nghệ sĩ còn sống có giá nhất”.

Người mua NFT thường chỉ có quyền hạn khá hạn chế trong việc trưng bày tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số tương ứng với NFT đó, họ chỉ mua quyền sở hữu và có thể bán lại NFT sau này. Công nghệ này đã bùng nổ trong vài tuần qua - và Winkelmann, hơn ai hết, là người đi đầu trong sự phát triển nhanh chóng của nó.

Tác phẩm của Beeple, "Mỗi ngày: 5000 Ngày đầu tiên", được bán tại nhà đấu giá Christie’s

Trước đó, vào tháng 10/2020, Beeple đã bán loạt NFT đầu tiên của mình, với giá 66.666,66 USD mỗi tệp. Vào tháng 12, anh đã bán được một loạt NFT với tổng giá trị 3,5 triệu USD. Và vào tháng 2/2021, một trong những NFT được Beeple bán vào tháng 10/2020, với giá 66.666,66 USD, đã được bán lại với giá 6,6 triệu USD.

Một vài yếu tố giải thích tại sao NFT của Winkelmann lại trở nên có giá trị như vậy. Winkelmann có nhiều người hâm mộ, với khoảng 2,5 triệu người theo dõi trên các kênh xã hội. Và NFT lần này là tác phẩm "Everydays: The First 5000 Days" (Mỗi ngày: 5000 ngày đầu tiên) - ảnh ghép từ các tác phẩm của Winkelmann vẽ mỗi ngày trong 14 năm qua. Giai đoạn đầu dự án là những bản phác thảo thô (góc trên bên trái tấm hình). Dự án kéo dài qua nhiều năm và mang theo nhiều dấu vết phát triển các nét vẽ và nội dung kỹ thuật số đặc trưng cho từng khoảng thời gian.

Nhiều người cho rằng NFT sẽ là cách giao dịch các tác phẩm kỹ thuật số trong tương lai. Đối với họ, mức giá hiện nay không là gì so với giá trị của các NFT trong tương lai.

Christie’s cũng giúp hợp thức hóa NFT với tư cách là một tác phẩm. Nhà đấu giá danh tiếng có lịch sử 255 năm này đã bán một số bức tranh nổi tiếng nhất trong lịch sử, từ bức chân dung duy nhất được biết đến của Shakespeare đến bức tranh được phát hiện cuối cùng của Leonardo da Vinci.

“Tôi xem đây là chương tiếp theo của lịch sử nghệ thuật,” Winkelmann nói. "Đến bây giờ mới có một cách để sưu tầm nghệ thuật kỹ thuật số."

Pablo Rodriguez-Fraile, nhà sưu tập đã mua một NFT của Winkelmann với giá 66.666 USD và bán lại với giá 6 triệu USD, đã đồng sáng lập Bảo tàng Nghệ thuật tiền điện tử để trưng bày bộ sưu tập ngày càng lớn của mình. Rodriguez-Fraile coi các cuộc đấu giá của Winkelmann là bằng chứng cho thấy công nghệ này có ý nghĩa quan trọng.

"Tôi không bán NFT đó vì tiền, mà vì đó là tín hiệu cho thấy những gì đang xảy ra trong ngành [nghệ thuật kỹ thuật số]”, Rodriguez-Fraile nói. Ông tin rằng thế hệ tiếp theo của các nghệ sĩ và nhà sưu tập sẽ xem NFT chỉ đơn giản là cách nghệ thuật được mua và bán.

Người bỏ 69 triệu USD để thắng đấu giá cũng không nhận được nhiều: một tệp kỹ thuật số, cộng với một số quyền mơ hồ trong việc trưng bày hình ảnh. Nhưng Winkelmann hy vọng sẽ làm việc với người mua để tìm ra nhiều cách khác nhau để trưng bày tác phẩm.

Đã có những ý kiến phản đối sự bùng nổ của NFT, cho rằng nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật không cao đang được bán với giá trên trời. Giới nghệ sĩ thì lo ngại về tác động khí hậu của việc bán tác phẩm nghệ thuật dựa vào công nghệ chuỗi khối, công nghệ đòi hỏi nhiều tài nguyên tính toán để thực hiện việc xác thực. Winkelmann cho biết có kế hoạch mua bù đắp carbon cho tất cả các NFT của mình trong tương lai.

Nguồn: