Khi internet đã trở thành tất yếu, thật khó hình dung cuộc sống hiện đại mà không có Google hay YouTube. Song sự thay đổi thứ hạng các trang web trong vài thập kỷ qua có thể hé lộ nhiều điều thú vị.
Các website dẫn đầu
Dưới đây là các trang có nhiều lượt truy cập nhất kể từ năm 1993.
Thuộc nhóm cổng thông tin mạng đời đầu, AOL thịnh hành vào thời đại CD-ROM và thống lĩnh thị trường nhờ vào của chiến dịch dùng thử miễn phí tốn đến hàng triệu (thậm chí hàng tỷ USD). Đổi lại, chiến dịch này mang lại 30 triệu người dùng, đưa AOL vào "thời kỳ hoàng kim" khi vốn hóa thị trường đạt mức 200 tỷ USD.
AOL là trang web phổ biến nhất cho đến đầu những năm 2000, khi băng thông rộng (broadband) dần thay thế truy cập quay số (dial-up), khiến công ty rơi vào thế khó và cuối cùng bán lại cho Verizon với mức giá 4,4 tỷ USD.
Yahoo
Sau AOL, Yahoo vươn lên vị trí dẫn đầu.
Khởi điểm từ "danh bạ" tra cứu web, Yahoo là công cụ đầu tiên giúp người dùng tra cứu địa chỉ website thuận tiện. Tại thời kỳ đỉnh cao, Yahoo trị giá 125 tỷ USD, dù công ty nhiều lần bỏ lỡ cơ hội trong các phi vụ mua bán cũng như sai sót trong định hướng phát triển. Nối gót AOL (thuộc sở hữu của Verizon), Yahoo hiện vẫn nằm trong top 10 trang web toàn cầu.
Google
Không ngạc nhiên khi Google đang có lượng truy cập nhiều nhất thế giới. Được biết đến là dự án nghiên cứu của trường đại học đầu những năm 90, gã khổng lồ công nghệ này hiện được ví như cả thế giới internet bởi 90% số lượng tìm kiếm được thực hiện qua Google.
Công cụ tìm kiếm "thuở sơ khai"
Đã có một vài công cụ tìm kiếm, góp phần mở lối trước đế chế Google:
- WebCrawler: Điển hình trong nhóm công cụ tìm kiếm đời đầu, đây là sản phẩm công nghệ đầu tiên cho phép tìm kiếm toàn văn bản. Webcrawler từng có quá nhiều lượt truy cập khiến máy chủ liên tục gặp sự cố và không thể truy cập được trong giờ cao điểm.
-Lycos: Tạo ra vào năm 1994 (trước Yahoo một năm), Lycos là "anh cả" trong việc truy cập và hiển thị dữ liệu dựa trên sự kết hợp giữa mức độ liên quan, đối chiếu tiền tố và độ giống nhau của các từ.
-Infoseek: Công cụ tìm kiếm mặc định của Netscape. Netspace trở nên phổ biến khi trình duyệt web "lên ngôi" và cuối cùng được Disney mua lại và đổi tên thành go.com.
Khác với Infoseek, Lycos và WebCrawler vẫn đang hoạt động nhưng không thể sánh với Google về doanh thu lẫn lượt tìm kiếm.
Sự phát triển của mạng xã hội
Nếu là thế hệ Z, có thể bạn sẽ không biết Myspace. Giống Lycos và WebCrawler, mạng xã hội này vẫn tồn tại tuy không giữ được lượng truy cập cao như trước.
Thành lập vào năm 2004, MySpace thu hút sự quan tâm của các nhạc sĩ và người hâm mộ âm nhạc. Website này đạt tăng trưởng vượt bậc và được News Corp mua lại vào 2005 trong vòng một năm. MySpace tiếp tục thống trị mảng truyền thông xã hội khi bị Facebook "soán ngôi" vào 2008, trở thành mạng xã hội phổ biến nhất trên internet.
Không ai còn lạ lẫm với câu chuyện khởi nghiệp của Facebook: Bắt nguồn từ trang mạng xã hội cho sinh viên Harvard do Zuckerberg tạo ra nhưng lại lan tỏa nhanh chóng tới các trường khác và cuối cùng ra mắt công chúng vào năm 2006. Năm 2008, Facebook đã có 100 triệu người dùng.
Đến nay, tuy Facebook đang vướng phải nhiều bê bối, nhưng website này vẫn là nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất thế giới với gần 3 tỷ người dùng.
Thương hiệu nào sẽ kế nhiệm?
Rất khó để dự đoán tương lai của Facebook hay bất kỳ trang nào đang thống trị thị trường internet. Có thể thấy rằng thứ hạng các trang mạng phổ biến nhất đang liên tục thay đổi và chỉ có thời gian mới trả lời được cho những gì diễn ra trong vài thập kỷ tới.