"Các bạn hãy sáng tạo đi và đừng nghĩ đến việc kiếm tiền bởi vì có thể khả năng sáng tạo bạn có nhưng khả năng kiếm tiền bạn không có. Nếu sáng tạo sản phẩm mới hữu ích cho xã hội thì sẽ có những chuyên gia đánh giá sản phẩm đó và thương mại hóa nó".
Đây là chia sẻ của TS Lê Thống Nhất - Tổng Giám đốc Công ty CP Trường học BigSchool - tại chương trình Startup UniTour tổ chức lần đầu tiên tại Đại học Thương Mại, Hà Nội.
Sự kiện này mở màn cho chuỗi chương trình kết nối - truyền cảm hứng về sáng tạo khởi nghiệp giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với cộng đồng, được tổ chức bởi Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam - Bộ Khoa học & Công nghệ và Ban Thanh thiếu niên (VTV6) - Đài Truyền hình Việt Nam.
Chia sẻ về thời điểm khởi nghiệp phù hợp từ kinh nghiệm của bản thân với các startup trẻ và sinh viên, TS. Lê Thống Nhất cho rằng: "Thời điểm tốt nhất của khởi nghiệp không phải vấn đề bạn bao nhiêu tuổi, mà điều quan trọng nhất là khi bạn có một ý tưởng sáng tạo. Ý tưởng sáng tạo này có thể là một sản phẩm cụ thể nhưng cũng có thể là một sự thay đổi dịch vụ nào đó".
Ông Nhất cho rằng mỗi một lần sáng tạo là một lần khởi nghiệp: "Tôi đã khởi nghiệp quá nhiều lần rồi. Khởi nghiệp không phải là thời điểm, điều muốn nói với các bạn là tinh thần sáng tạo. Bất cứ lúc nào các bạn sáng tạo được thì các bạn có thể khởi nghiệp. Ngay bây giờ các bạn đang là học sinh, nếu có ý tưởng sáng tạo thì các bạn có thể khởi nghiệp".
TS Lê Thống Nhất (ngồi giữa) và ông Nguyễn Thái Hòa(phải) tại chương trình
Startup UniTour.
TS Nhất cũng truyền cảm hứng cho các bạn trẻ bằng chính câu chuyện của mình, rằng ông từng khởi nghiệp nhiều lần nhưng không phải vì mục đích kiếm tiền: "Tôi hợp tác với FPT để đưa ra giải pháp cho các học sinh Việt Nam có niềm đam mê học toán. Tính đến thời điểm này thì chúng tôi chưa nhận được một khoản tiền nào. Đừng vội nghĩ kiếm được bao nhiêu tiền mà hãy nghĩ rằng mình có điều gì mới cho xã hội".
Ông cho biết, định hướng sản phẩm Bigschool trước hết là đến với các trường học, các em học sinh. Nếu sản phẩm thực sự tốt thì sẽ có nhiều người sẵn sàng phát triển sản phẩm: "Các bạn đừng nghĩ giỏi về kinh doanh là được mà phải biết sáng tạo sản phẩm, khi đó sẽ không sợ thiếu tiền hay không kiếm ra tiền. Có đủ tình, đủ tài thì tiền ắt sẽ đến".
Còn ông Nguyễn Thái Hòa - Giám đốc Chiến lược Tập đoàn VNPT - nhận định: "Trước hết, khởi nghiệp cần yếu tố tinh thần mà chúng tôi gọi là "tình" đi trước, sau đó mới đến các giải pháp sáng tạo và cuối cùng chúng ta mới nói đến tiền, vốn để đầu tư. Trong vị trí ban giám khảo của nhiều cuộc thi khởi nghiệp, chúng tôi sẽ đánh giá từ tinh thần, quyết tâm máu lửa của người dẫn dắt dự án, tiến tới khả năng tri thức của giải pháp, sau đó nói đến khả năng hoàn vốn của dự án".
Ông chia sẻ, khi tìm kiếm định nghĩa về khởi nghiệp trên internet, ông nhận thấy ở Việt Nam định nghĩa khởi nghiệp đang bị ghép vào kinh doanh: "Tôi nghĩ rằng đây là một khái niệm không đủ. Khởi nghiệp nếu ghép vào kinh doanh thì nghĩa của rất hẹp so với định nghĩa của từ khởi nghiệp. Ví dụ, tôi mày mò nghiên cứu, viết sách, tham gia những chương trình khởi nghiệp lớn, đó là khát vọng của tôi, sự nghiệp cả đời tôi mong muốn cũng có thể là khởi nghiệp. Khởi nghiệp nên được hiểu là cách bắt đầu bằng một công việc, một nghề, một sự nghiêp tạo ra được những giá trị và giá trị này cũng chưa chắc chỉ là tiền".