Với ý tưởng hiện đại hóa hệ thống đèn chiếu sáng công cộng, từ đó dựa trên hạ tầng điều khiển thông minh, xây dựng các dịch vụ giá trị gia tăng với chi phí thấp, hệ thống đèn đường thông minh S đã dành giải Nhất cuộc thi IoT Startup 2016.
Sáng 20/8, vòng chung kết cuộc thi IoT Startup 2016 – Phát triển đô thị thông minh và nâng cao chất lượng cuộc sống đã diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Cuộc thi do Bản quản lý khu công nghệ cao tổ chức với mục tiêu ươm tạo và hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực IoT.
Ngay sau khi khởi động, cuộc thi đã thu hút 71 dự án đăng ký tham gia trong nhiều lĩnh vực: nhà thông minh, quản lý đô thị thông minh, nông nghiệp thông minh, quản lý môi trường thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh.
Ông Đỗ Nguyên Thanh Đồng đại diện dự án Hệ thống đèn đường thông minh S3 trình bày về sản phẩm. Ảnh: Ngọc Vũ.
Theo PGS-TS Lê Hoài Quốc -Trưởng Ban quản lý khu Công nghệ cao, cuộc thi IoT Startup nằm chung trong lời kêu gọi của Thủ tướng chính phủ về một đất nước khởi nghiệp, trong đó lĩnh vực mà cuộc thi hướng tới là xây dựng thành phố thông minh.
“Chúng tôi mong muốn rằng sau cuộc thi này, những dự án sẽ nhận được hỗ trợ để tiếp tục hoàn thiện và hiện thực hóa các sản phẩm để ứng dụng vào thực tế” – ông Quốc nói.
10 dự án lọt vào vòng chung kết sẽ có cơ hội được trình bày ý tưởng, tính khả thi của dự án. Kết quả cuối cùng, Ban giám khảo cuộc thi đã quyết định trao giải Nhất trị giá 60 triệu đồng cho dự án Hệ thống đèn đường thông minh S3. 4 dự án nhận giải khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng là: Ứng dụng cảm biến không dây quan trắc thông số nước thải công nghiệp; Rogo Alfa (thiết bị tương tác với các thiết bị điện tử trong nhà); Hệ thống giám sát và cảnh báo các vấn đề tim mạch; Khóa cửa thông minh Gtecklock.
Nhóm dự án Hệ thống đèn đường thông minh nhận giải từ ban tổ chức. Ảnh: Ngọc Vũ
Ông Phan Minh Hiếu – Đại diện dự án Hệ thống đèn đường thông minh S3 – cho biết: “Mục tiêu của Hệ thống đèn đường thông minh là hiện đại hóa hệ thống đèn chiếu sáng công cộng, dựa trên hạ tầng điều khiển thông minh, xây dựng dịch vụ giá trị gia tăng với chi phí thấp. Khi đã có hệ thống đèn đường thông minh, chúng ta sẽ có giao thông thông minh, cảm biến mật độ giao thông (nếu mật độ đông cho đèn xanh lâu hơn, vắng người thì cho đèn đỏ lâu hơn). Thu thập được đủ dữ liệu có thể xây dựng hệ thống cảnh báo giao thông, quản lý xe bus thời gian thực, cảnh bảo thời tiết, ô nhiễm môi trường, giám sát an ninh, quảng cáo thông minh...”.
“Với giải pháp 1000 đèn có công suất 400 wat/bóng, kinh phí đầu tư 900 triệu đồng, chi phi duy trì hàng tháng là 13 triệu đồng, với kịch bản tắt mở hợp lý từ 10-12h nguyên tắc xen kẽ 1/4, 12h – 5h sáng nguyên tắc xen kẽ 1/2 thì sẽ tiết kiệm được 30% tiền điện mỗi tháng (sau 18 tháng sẽ thu hồi được vốn, với tuổi thọ sản phẩm là 10 năm)” – ông Hiếu nói thêm.
Ngọc Vũ