Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên trên thế giới đưa ra chiến lược trí tuệ nhân tạo (AI) vào năm 2017. Một năm sau Đức mới đưa ra chiến lược AI với cam kết đầu tư 3 tỉ euro. Nhưng việc phát triển AI của hai quốc gia này đều có những điểm yếu nhất định đến từ đặc điểm hệ sinh thái doanh nghiệp, dữ liệu và tầm nhìn chiến lược.
Dân số khổng lồ Trung Quốc đang giúp quốc gia này có những bước tiến lớn trong công nghệ nhận diện khuôn mặt.
Tại sao các chính phủ quan tâm đến trí tuệ nhân tạo? AI hứa hẹn sẽ là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng cũng có nguy cơ làm phá vỡ cách chúng ta làm việc và sinh sống. Theo Kai-Fu Lee, cựu giám đốc Google Trung Quốc, ước tính rằng nhờ có AI nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng 15,7 nghìn tỷ USD vào năm 2030 và 50% số việc làm ở các nền kinh tế lớn sẽ bị đe dọa bởi tự động hóa.
Các nền kinh tế có chuẩn bị ngày hôm nay sẽ ở vị trí thuận lợi để gặt hái lợi ích kinh tế và chống lại những thay đổi xã hội do AI mang lại vào ngày mai. Bây giờ, 1 năm sau khi đưa ra chiến lược, Đức mới đang làm rõ những ý tưởng và kế hoạch chi tiêu của mình về AI, nhưng chiến lược này như thế nào nếu so với Trung Quốc?
Những "chỉ tiêu" cần đạt
Kế hoạch AI của Đức kêu gọi đầu tư 3 tỷ euro đến năm 2025 vào AI và hy vọng số tiền này sẽ tăng gấp đôi bằng cách kêu gọi sự tham gia của khu vực tư nhân và liên bang. Số tiền đó được cho là sẽ biến "Đức và Châu Âu trở thành trung tâm AI hàng đầu". Để so sánh, Pháp đã cam kết 1,5 tỷ euro đến năm 2022 cho AI, trong khi toàn bộ EU sẽ chi tổng cộng hơn 5 tỷ euro, tất cả các chương trình này dự kiến sẽ thu hút thêm tiền từ khu vực tư nhân.
Khó có thể đưa ra những so sánh với Trung Quốc vì kế hoạch của họ không phân bổ một khoản tiền rõ ràng cho đầu tư AI. Thay vào đó, Trung Quốc đặt mục tiêu vào quy mô của ngành công nghiệp AI - và những mục tiêu này rất tham vọng. Đến năm 2020, Trung Quốc muốn có một ngành công nghiệp lõi AI trị giá 150 tỷ Nhân dân tệ trở lên, tăng lên 400 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2025. Đến năm 2030, Trung Quốc dự định dẫn đầu thế giới về AI với ngành công nghiệp lõi 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ.
Chiến lược của Đức đi theo hướng xác định một số các lĩnh vực cụ thể, như nông nghiệp, chuỗi cung ứng thực phẩm, điều dưỡng và du hành không gian.
Kế hoạch Trung Quốc rất khác biệt. Nó phác thảo một danh sách dài các công nghệ cụ thể mà chính phủ muốn. Matt Sheehan, một thành viên không thường trú tại Viện Paulson, gọi đó là phương pháp tiếp cận "danh mục sản phẩm". Danh mục này bao gồm những thứ như vườn cây thông minh, vật dụng gia đình với khả năng kết nối và cảm biến nâng cao và phân loại bưu kiện thông minh. Theo Sheehan, cách tiếp cận này đặt ra chỉ tiêu đối với chính quyền địa phương và các doanh nghiệp tư nhân, và hy vọng rằng họ sẽ hiện thực hóa các mục tiêu này.
SenseTime của Trung Quốc, công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo có giá trị nhất thế giới, giới thiệu công nghệ theo dõi đám đông.
Trung Quốc đã thành lập một tập đoàn gồm 35 trường đại học với chương trình giảng dạy AI. Gần như tất cả các tỉnh và thành phố ven biển đã công bố kế hoạch và chỉ tiêu của riêng họ. Nói chung, ít nhất mười một chính quyền địa phương muốn thành lập ngành công nghiệp cốt lõi AI trị giá 400 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2020, nhiều hơn... gấp đôi so với mục tiêu quốc gia. Chắc chắn, trong nền kinh tế chỉ huy và kiểm soát của Trung Quốc, việc thiết lập chỉ tiêu đóng vai trò là công cụ đã cũ nhưng hiệu quả trong việc huy động đất nước.
Giáo dục và thu hút nhân tài AI
Tạo ra sự thay đổi rộng rãi ở Đức sẽ đòi hỏi những sự "tinh tế" nhất định, vì giáo dục ở Đức phần lớn phụ thuộc vào từng bang. Hiệp hội AI Liên bang Đức đã đưa ra các khuyến nghị chính sách của họ, bao gồm việc bắt buộc học khoa học dữ liệu từ lớp ba; Liên bang cũng đưa ra tài trợ cho các vị trí đại học và đặt ra chương trình giảng dạy của trường. Nhưng tất cả vẫn phụ thuộc vào các bang trong việc trực tiếp thực hiện, tình trạng này cũng rất khác Trung Quốc.
Một số bang, bao gồm North Rhine-Westphalia và Bavaria, đã công bố các kế hoạch hành động độc lập nhằm củng cố AI tại địa phương trước khi chiến lược AI quốc gia được phát hành. Do đó, kết quả chiến lược AI ở Đức sẽ được quyết định bởi mức độ thành công của các bang trong việc thu hút hỗ trợ liên bang và cam kết các nguồn lực của chính họ.
Cuộc đua AI nói cách khác là một cuộc đua nhân lực AI. Đức có kế hoạch kêu gọi thu hút các nhà nghiên cứu Đức hiện đang làm việc ở nước ngoài. Để đạt được điều đó, Đức có kế hoạch tuyển dụng 30 giảng viên quốc tế mới thông qua chương trình Alexander von Humboldt từ nay đến năm 2024 (nói cách khác, sáu giảng viên mới mỗi năm). Chương trình đi kèm tài trợ 3,5 triệu hoặc 5 triệu euro, tùy thuộc vào bản chất của các nghiên cứu.
Trung Quốc cũng đã tuyển dụng ráo riết thông qua Kế hoạch ngàn nhân tài (cái tên cho thấy quy mô tham vọng Trung Quốc), nhằm tìm cách thu hút các nhà khoa học được đào tạo ở nước ngoài. Kế hoạch này cũng đi kèm với tài trợ từ 500.000 Nhân dân tệ (63.000 euro) đến 1.000.000 Nhân dân tệ (127.000 euro).
Trong khi tài trợ mỗi nghiên cứu của Trung Quốc khiêm tốn hơn, kế hoạch của họ có quy mô rộng hơn. Chương trình tuyển dụng quốc tế ở Đức dường như chỉ đặt chỉ tiêu 30 nhà nghiên cứu trong 5 năm tới. Jörg Bienert, một thành viên sáng lập Hiệp hội AI Đức, cảnh báo rằng chính phủ Đức cần phải hành động ngay lập tức và trên quy mô lớn.
Đức và Trung Quốc: những điểm yếu về dữ liệu
Theo John Thornhill, biên tập viên về đổi mới của tờ Financial Times, tính nghiêm ngặt của Châu Âu trong việc bảo vệ dữ liệu của người tiêu dùng (thông qua Quy định bảo vệ dữ liệu chung và các biện pháp khác) sẽ là lợi thế, đặc biệt là trong các ngành như y tế và giáo dục -yêu cầu các quy tắc chặt chẽ hơn để quản lý dữ liệu trong tương lai.
China Telecom Data Centre, đặt ở Nội Mông, Trung Quốc, là trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới. Tính đến năm 2018, 4/ 10 trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới thuộc về Trung Quốc.
Người dùng internet Trung Quốc thường được coi là ít quan tâm đến quyền riêng tư dữ liệu và các khía cạnh khác của quản trị dữ liệu. Tuy nhiên, Lorand Laskai, Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi, Đại học Georgetown, nói rằng sự thật không hoàn toàn như vậy. Trung Quốc đang thiết lập các quy tắc được thiết kế để bảo vệ người tiêu dùng khỏi sự lạm dụng quyền riêng tư của các đại gia internet Trung Quốc như Baidu, Alibaba và Tencent. Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc đang kiểm soát việc sử dụng dữ liệu thương mại, họ cũng đang mở rộng phạm vi truy cập của chính phủ đối với thông tin kỹ thuật số của công dân.
Một yếu tố quan trọng cần chú ý ở Châu Âu và Đức là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) với kỹ nghệ cao. Stefan Heumann, Viện chiến lược Stiftung Neue Verantwortung, Đức, chỉ ra rằng nền kinh tế của Đức chủ yếu được thúc đẩy bởi cái gọi là "nhà vô địch ẩn giấu", SMEs.
Theo Heumann, đây là "những người chế tạo máy tại các thị trấn nhỏ, nhưng lại dẫn đầu thị trường toàn cầu ở các sản phẩm cụ thể, đặc thù của họ". Vấn đề là các doanh nghiệp này khá nhỏ và họ thiếu tài nguyên. Ví dụ, bản thân họ có thể không có chuyên gia dữ liệu. Để giải quyết vấn đề này, chính phủ Đức đã thiết lập các "trung tâm số hóa", sẽ được tích hợp với một chương trình tư vấn mới được nêu trong chiến lược trí tuệ nhân tạo của Đức.
Đây sẽ là chương trình tư vấn rộng rãi do chính phủ tài trợ nhằm hỗ trợ 1.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức hàng năm trong công cuộc số hóa. Tuy nhiên, việc thực hiện có thể sẽ khó khăn. "Chắc chắn có một câu hỏi lớn: ai sẽ là những huấn luyện viên và họ đến từ đâu? Bởi vì thị trường đang rất thiếu các chuyên gia AI. Các công ty lớn đang "mua hết" các nhân tài đó", Heumann cảnh báo.
Bên cạnh những thách thức cố hữu trong việc số hóa nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, có một trở ngại khác phát sinh từ một hệ sinh thái như vậy: các bộ dữ liệu nhỏ và phân tán. Biện pháp khắc phục được đề xuất trong một báo cáo của Viện Stiftung Neue Verantwortung liên quan đến các chiến lược chủ động tập hợp dữ liệu.
Trong khi đó, Trung Quốc đã xây dựng được các nhóm dữ liệu lớn có hồ sơ cụ thể, có thể dùng để phát triển các công nghệ dựa trên dữ liệu. Chẳng hạn, ứng dụng Weixin (WeChat) đặc biệt mạnh mẽ trong việc nắm bắt nhiều thông tin của một người dùng bằng cách tích hợp các ứng dụng khác trong một siêu ứng dụng siêu lớn hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi về việc liệu Trung Quốc có thể nắm bắt được đa dạng thông tin người dùng hay không, vì ứng dụng của Trung Quốc không có nhiều thành công trên thị trường quốc tế (trường hợp thành công có thể kể đến là TikTok).
AI, quân đội và an ninh: vấn đề... nhạy cảm với Đức
Heumann chỉ ra rằng các ứng dụng quân sự và an ninh đang vắng mặt trong kế hoạch AI của Đức. Điều này cũng có thể phản ánh văn hóa Đức. "Chúng tôi không thực sự cảm thấy thoải mái khi nói về các khía cạnh quân sự và đây [chiến lược] là một tài liệu được chuẩn bị bởi [các] bộ kinh tế, nghiên cứu và lao động, vì vậy trọng tâm thực sự là các ứng dụng dân sự. Nhưng tôi nghĩ rằng về tổng thể chính phủ Đức cũng phải suy nghĩ về AI trong bối cảnh an ninh và các ứng dụng quân sự. Đó là một phần còn thiếu trong chiến lược", Heumann nói. Một biểu đồ được biên soạn bởi Netzpolitik.org mô tả phân bổ ngân sách AI hiện tại của Đức cho thấy Bộ Quốc phòng đang hoàn toàn vắng bóng.
Điều này trái ngược hoàn toàn với chính trị và chính sách của Trung Quốc. Tham vọng quân sự là một yếu tố chính trong chiến lược AI của Trung Quốc. Nước này đã thành lập một cơ quan đặc biệt, Ủy ban Trung ương về Phát triển Quân sự và Dân sự, được thiết kế để tạo thuận lợi cho quá trình này. Mục tiêu, như Laskai chỉ ra, là "không chỉ để đảm bảo ứng dụng quân sự phát triển song song với các ứng dụng dân sự, mà sự kết hợp của hai lĩnh vực tạo ra sự phát triển nhảy vọt".
Cloudwalk, một công ty được hỗ trợ bởi chính phủ Trung Quốc, đã trở thành nhà cung cấp AI lớn nhất cho các ngân hàng nước này, với công nghệ nhận diện khuôn mặt trên các máy ATM.
Nếu những lời của các bậc thầy về AI như Kai-Fu Lee có giá trị gì thì triển vọng AI của Châu Âu thực sự ảm đạm. "Tôi không nhắc đến Châu Âu", ông nói, "bởi vì tôi đã không nghĩ rằng Châu Âu có cơ hội, cho dù chỉ là về thứ ba [sau Mỹ và Trung Quốc], trong cuộc đua này".
Nguồn:
https://theasiadialogue.com/2019/10/02/germany-has-an-ai-strategy-how-does-it-stack-up-against-chinas-part-i/
https://theasiadialogue.com/2019/10/03/germany-has-an-ai-strategy-how-does-it-stack-up-against-chinas-part-ii/
https://asia.nikkei.com/Business/Companies/Top-AI-unicorn-SenseTime-charges-beyond-China