AI không chỉ là một cuộc đua mang tính biểu tượng để khoa trương sức mạnh quốc gia. Đây là lĩnh vực đầy hứa hẹn và các quốc gia dẫn đầu sẽ định hình tương lai công nghệ và gặt hái được nhiều lợi ích nhất.

Dân số khổng lồ Trung Quốc đang giúp quốc gia này có những bước tiến lớn trong công nghệ nhận diện khuôn mặt.

Trung Quốc không chỉ có dân số đông nhất thế giới và có vẻ sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất - họ cũng muốn dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI).

Năm 2017, Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt mục tiêu dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo vào năm 2030, và để đạt được điều đó, họ đã đặt ra những mốc quan trọng cần đạt vào năm 2020, bao gồm: (i) đóng góp cho nghiên cứu cơ bản, (ii) trở thành điểm đến được ưa chuộng cho những tài năng AI sáng giá nhất thế giới và (iii) có một ngành công nghiệp AI cạnh tranh so với các nước đi đầu trong lĩnh vực này.

Khi thời hạn 2020 đến gần, các nhà nghiên cứu nhận thấy những bước nhảy vọt ấn tượng về chất lượng nghiên cứu AI của Trung Quốc. Họ cũng dự đoán Trung Quốc sẽ ngày càng thành công trong việc giữ chân các nhân lực nội địa tài năng; phần do chính phủ đã thực hiện một số chương trình giữ chân thành công, và phần vì quan hệ ngày càng xấu đi với Hoa Kỳ (đối thủ chính của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả AI) - làm cho nước đối thủ này trở thành một điểm đến kém hấp dẫn.

"Nếu nước Mỹ mất đi sự cởi mở, thì nước này có nguy cơ đẩy tài năng AI trở lại vào vòng tay của các đối thủ cạnh tranh, trong đó có Trung Quốc", theo nhà phân tích AI Joy Dantong Ma tại Viện Paulson, một think-tank độc lập thúc đẩy mối quan hệ Mỹ-Trung.

Nhưng các nhà quan sát cảnh báo rằng có một số yếu tố có thể cản trở các kế hoạch AI của Trung Quốc, bao gồm thiếu nghiên cứu về các lý thuyết được sử dụng để phát triển các công cụ nền tảng và sự việc các công ty Trung Quốc dè dặt trong đầu tư vào các nghiên cứu cơ bản để tạo ra đột phá.

Các nhà khoa học cho biết vị trí thống trị AI không chỉ là một cuộc đua mang tính biểu tượng với Hoa Kỳ. Các công nghệ AI hứa hẹn những tiến bộ trong chăm sóc sức khỏe, vận chuyển và truyền thông, và các quốc gia tạo ra những đột phá cơ bản trong lĩnh vực này có khả năng định hình tương lai công nghệ và gặt hái được nhiều lợi ích nhất.

"Không có nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc coi AI là một trong những công nghệ quan trọng của thời đại này và muốn sánh ngang với Hoa Kỳ", Jeffrey Ding, nhà nghiên cứu về sự phát triển AI của Trung Quốc tại Viện Tương lai loài người, Đại học Oxford, Anh.

Sáng kiến của Trung Quốc về AI được công bố vào năm 2017, được gọi là Kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ mới, đã thúc đẩy vô số chính sách và hàng tỷ đô la đầu tư vào nghiên cứu và phát triển từ các bộ, chính quyền tỉnh và các công ty tư nhân.

Tác động cơ bản

Trung Quốc đang tạo ra những tác động đáng kể, theo một phân tích về các bài báo AI được trích dẫn nhiều nhất được lập chỉ mục trên công cụ tìm kiếm học thuật Microsoft Academy. Phân tích của Viện Trí tuệ nhân tạo Allen ở Seattle, Washington, cho thấy Trung Quốc đã tăng dần tỷ lệ tác giả của mình trong số top 10% bài báo được trích dẫn nhiều nhất. Tỷ lệ này đạt đỉnh 26,5% trong năm 2018, không thua kém nhiều so với Hoa Kỳ - 29%; và đáng lưu ý là tỷ lệ tác giả Mỹ trong số 10% bài báo được trích dẫn nhiều nhất đang giảm dần. Nếu xu hướng này tiếp tục, Trung Quốc có thể vượt qua Hoa Kỳ trên phương diện này vào năm tới. Các phân tích khác cho thấy mức trích dẫn trung bình các bài báo về AI của các tác giả ở Trung Quốc tăng đều đặn qua các năm và đang ở trên mức trung bình thế giới, nhưng thấp hơn so với các bài báo của các tác giả Mỹ.

Về ứng dụng AI, Trung Quốc có các công ty hàng đầu thế giới về thị giác máy tính, nhận dạng giọng nói và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, bao gồm SenseTime, Unisound, iFLYTEK và Face ++, theo Zheng Nanning, giám đốc Viện Trí tuệ nhân tạo và Robotics tại Đại học Giao thông Tây An.

Nhưng Trung Quốc vẫn đi sau trong việc định hình các công nghệ cốt lõi của AI. Ví dụ, các nền tảng nguồn mở TensorFlow và Caffe, đều được phát triển bởi các học giả và công ty Hoa Kỳ để thiết kế, xây dựng và đào tạo các bộ thuật toán cho phép máy tính hoạt động giống như não người, được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp AI và học thuật trên toàn thế giới. PaddlePbag, một trong những nền tảng nguồn mở lớn được phát triển bởi công ty Trung Quốc Baidu, được sử dụng chủ yếu để phát triển nhanh các sản phẩm AI, ông Zheng nói.

Trung Quốc cũng tụt lại phía sau về phần cứng AI, ông nói. Hầu hết các chip bán dẫn hỗ trợ AI hàng đầu thế giới được sản xuất bởi các công ty Mỹ như Nvidia, Intel, Apple, Google và Advanced Micro Devices. "Chúng tôi cũng thiếu chuyên môn trong việc thiết kế chip điện toán có thể hỗ trợ các hệ thống AI tiên tiến", theo ông Zheng.

Ông Zheng dự đoán rằng Trung Quốc có thể mất 5 đến 10 năm để đạt đến mức độ đổi mới trong các lý thuyết và thuật toán cơ bản đang diễn ra ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh - nhưng Trung Quốc sẽ bắt kịp.

Đóng góp cho các lý thuyết và công nghệ cơ bản này sẽ là chìa khóa để Trung Quốc đạt được các mục tiêu AI dài hạn hơn, theo ông Kristin Shi-Kupfer, nhà khoa học chính trị tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator, một think-tank ở Berlin. Thiếu tiến bộ trong nghiên cứu để tạo ra đột phá thực sự trong học máy có dẫn đến một mức trần kìm hãm Trung Quốc trong lĩnh vực AI, cô nói.

Đến lúc cần nhân lực

Một yếu tố sẽ không kém phần quan trọng đối với tiến bộ của Trung Quốc - và cũng là lĩnh vực tỏ ra hứa hẹn hơn với Trung Quốc - là khả năng giữ chân các nhà nghiên cứu tài năng. Theo Báo cáo Phát triển AI Trung Quốc năm 2018, được viết bởi các học giả và ngành công nghiệp, vào cuối năm 2017, Trung Quốc là nơi có đội ngũ các nhà khoa học và kỹ sư AI lớn thứ hai, khoảng 18.200 người, xếp sau Hoa Kỳ, có khoảng 29.000 người. Nhưng Trung Quốc chỉ đứng thứ 6 về số lượng các nhà nghiên cứu AI hàng đầu - những tác giả có năng suất cao nhất và được trích dẫn nhiều nhất, dựa trên chỉ số h (h-index).

Ma nói rằng các nhà khoa học máy tính thường được đào tạo ở Hoa Kỳ và sau đó ở lại đó để làm việc cho các công ty công nghệ toàn cầu.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy tình hình đang thay đổi. Các viện nghiên cứu AI ở Trung Quốc đang cố gắng lôi kéo một số nhà nghiên cứu trở về nước với mức lương cao. Chẳng hạn, tại trung tâm Robotics của Zheng, một số giáo sư được trả lương gấp 2 lần 3 lần so với những người khác ở trường đại học, ông nói.

Ông Zheng nói rằng trung tâm cũng cung cấp một hệ thống đánh giá toàn diện hơn cho nhân viên so với nhiều trường đại học Trung Quốc - những nơi có xu hướng thưởng cho tỷ lệ xuất bản cao hơn so với các tiêu chí khác. Ông cũng đã áp dụng một hệ thống tuyển dụng bỏ qua các thủ tục đại học tập trung và cho phép các nhà khoa học nhanh chóng xây dựng đội ngũ kỹ sư, và Zheng hiện cũng đang điều hành các khóa học đại học về AI.

Nghệ thuật triển khai

Theo kế hoạch của họ, Trung Quốc sẽ có các công ty AI hàng đầu trên toàn cầu vào năm 2020. Mục tiêu này có vẻ như đang nằm trong tầm tay, nhờ vào chuyên môn ngày càng tăng của ba công ty công nghệ cốt lõi là Tencent, Baidu và Alibaba. "Những công ty này đã trở thành những người dẫn đầu toàn cầu về AI, mặc dù họ vẫn không cùng đẳng cấp với các công ty Mỹ, như Google và Microsoft", Zheng nói.

Trung Quốc cũng có ít nhất mười công ty khởi nghiệp AI thuộc sở hữu tư nhân trị giá hơn 1 tỷ USD, bao gồm cả công ty nhận diện khuôn mặt SenseTime, theo công ty nghiên cứu CB Insights ở New York.

SenseTime của Trung Quốc, công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo có giá trị nhất thế giới, đang chú ý đến việc mở rộng ra toàn cầu, bắt đầu với Singapore, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Ngôi sao công nghệ đang lên này vừa có một vòng gây quỹ mới trị giá 620 triệu USD và đặt mục tiêu dẫn đầu ngành công nghiệp AI vào năm 2030. "Chúng tôi đang thuê các công ty người đắt nhất để tuyển dụng các kỹ sư AI hàng đầu trên toàn thế giới", một giám đốc công ty nói với Nikkei Asian Review. "Chúng tôi có ít nhất 150 tiến sĩ đang làm việc".

SenseTime có hơn 700 khách hàng và đối tác - bao gồm Xiaomi, Oppo, Vivo, Huawei Technologies và China Mobile - và đã bắt đầu mang lại lợi nhuận vào năm 2017. Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Honda Motor cũng đã hợp tác với Sensetime để phát triển xe tự lái.

Sensetime giới thiệu công nghệ theo dõi đám đông

Joy Dantong Ma nói rằng một lợi thế lớn cho Trung Quốc là quy mô dân số, tạo ra lực lượng lao động tiềm năng lớn và cả cơ hội để đào tạo các hệ thống AI, bao gồm các bộ dữ liệu bệnh nhân lớn cho phần mềm đào tạo để dự đoán bệnh. Vào tháng 2, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã chỉ ra rằng hệ thống xử lý ngôn ngữ tự nhiên của họ có thể chẩn đoán các tình trạng phổ biến ở trẻ em từ hồ sơ sức khỏe điện tử với độ chính xác tương đương với các bác sĩ nhi khoa có kinh nghiệm. Bộ dữ liệu bao gồm gần 600.000 trẻ em đến thăm một bệnh viện; khó có thể truy cập lượng dữ liệu đó ở nhiều quốc gia khác.

Luật AI

Nếu Trung Quốc muốn có ảnh hưởng toàn cầu trong lĩnh vực AI, thì họ cần phải có hệ thống quản trị phù hợp, Ma nói. Hệ thống quản trị tốt sẽ giúp các công ty và nhà nghiên cứu xây dựng niềm tin với người dùng trên toàn thế giới và xây dựng hợp tác với các nhà nghiên cứu ở các nước khác. Giống như nhiều quốc gia, Trung Quốc đã bắt đầu quá trình thiết lập các nguyên tắc đạo đức cho sự phát triển và sử dụng AI. Nếu các công ty Trung Quốc không quản trị AI và dữ liệu dựa trên công bằng và tôn trọng, họ sẽ không giành được quyền truy cập dữ liệu toàn cầu, Ma nói. "Vì lợi ích của chính mình, Trung Quốc nên cư xử một cách công bằng".

Vào tháng 6, Ủy ban quản trị trí tuệ nhân tạo thế hệ mới đã đưa ra 8 nguyên tắc cần tuân thủ bởi những người làm việc trong lĩnh vực phát triển AI. Các nguyên tắc bao gồm sự hài hòa, công bằng, tôn trọng quyền riêng tư, an toàn, minh bạch, trách nhiệm và hợp tác; tương tự như những gì được phát hành bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế vào tháng 5, ông Đinh nói.

Nhưng các vấn đề đạo đức có thể khác nhau giữa các quốc gia. Chẳng hạn, Trung Quốc bị chỉ trích vì sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để theo dõi người Duy Ngô Nhĩ, một cộng đồng chủ yếu là người Hồi giáo ở Tân Cương. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc không phải là chính quyền duy nhất sử dụng AI để thực thi pháp luật - Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt như một phần của các cuộc điều tra.

Một trong những thách thức chính mà tất cả các nhóm phải đối mặt là sự minh bạch trong cách các thuật toán đưa ra quyết định. Trên thế giới cũng chưa thống nhất các tiêu chuẩn về vấn đề nào, vì vậy Trung Quốc, giống như nhiều quốc gia, vẫn đang tìm cách giải quyết. Quy định bảo vệ dữ liệu chung của Liên minh châu Âu, cung cấp cho người dùng quyền hỏi làm thế nào một thuật toán đi đến quyết định khi thuật toán có liên quan đến cuộc sống của họ, là một ví dụ về quản trị AI tốt, Ma nói.

"AI có thể làm cho cuộc sống của mọi người trở nên thuận tiện và an toàn hơn, trong khi nó cũng có thể mang lại những lo ngại liên quan đến quyền riêng tư và an toàn", Wang Xiaogang, đồng sáng lập và người đứng đầu nghiên cứu tại SenseTime,nói. "AI cũng có thể được sử dụng để hack và tấn công các hệ thống".

Nguồn:https://asia.nikkei.com/Business/Companies/Top-AI-unicorn-SenseTime-charges-beyond-China
https://www.nature.com/articles/d41586-019-02360-7
https://www.trustedreviews.com/news/eu-seven-laws-of-ai-3692150