Ba loại rau chịu mặn được trồng thử nghiệm, góp phần giải quyết bài toán về rau xanh tại Cần Giờ.
Cần Giờ là huyện ven biển của TPHCM, thường bị thiếu rau xanh. Trước tác động của biến đổi khí hậu, Cần Giờ sẽ bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng bởi tình trạng nước mặn lấn sâu vào nội đồng. Để giải quyết vấn đề thiếu rau xanh, đảm bảo an ninh lương thực lâu dài, việc nghiên cứu trồng các loại rau chịu mặn đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có khoảng 2% các loại thực vật là chịu mặn, trong khi phần lớn còn lại sẽ bị chết do độ mặn cao.
Trong bối cảnh đó, các nhà khoa học ở Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga chi nhánh phía Nam đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu chọn và trồng thử nghiệm một số loại rau có khả năng chịu mặn tại Cần Giờ, TPHCM”.
Nhóm đã tìm kiếm và xác định 44 loại thực vật tại rừng ngập mặn Cần Giờ, có thể sử dụng làm rau, gồm: 8 loại cây thân gỗ, 5 loại cây thân bụi, 21 loại cây thân thảo và 10 loại cây thân bò leo. Tuy nhiên, qua khảo sát từ người dân địa phương thì tần suất thu hái đối với các loại thực vật này rất khác nhau. Trong đó, lìm kìm và bui là hai loại rau được người dân thu hái nhiều nhất với tỷ lệ 86-90%. Kế đến là các loại rau ngót, rau diễn, rau bình bát dây, với tỷ lệ 64-74%. Ba loại rau khác là điên điển, so đũa và bồn bồn có tỷ lệ người lấy ít hơn, nhưng cũng ở mức 54-60%.
Nhóm nghiên cứu đã lấy đất nhiễm mặn tại xã Long Hòa (huyện Cần Giờ) để canh tác trồng rau. Đất được trộn với phân bón, chia thành luống. Khu vực canh tác có mái che và lắp đặt hệ thống tưới phun sương nhằm đảm bảo điều kiện cường độ ánh sáng xuống luống tương tự với cường độ ánh sáng chiếu xuống rau trong rừng. Năm loại rau được nhóm chọn để trồng thử nghiệm gồm lìm kìm, bui, diễn, ngót, bình bát dây.
Theo TS Vũ Mạnh, chủ nhiệm đề tài, kết quả phân tích hàm lượng dinh dưỡng và dư lượng kim loại nặng của năm loại cây rau trên cho thấy, tất cả đều có hàm lượng protein khá cao, từ 1,84 đến 2,97%, riêng rau ngót đạt đến 5,24%.
Các chất khoáng như K, Mg và Ca của năm loại rau cũng ở mức khá, trong đó rau ngót giàu K nhất với 9,395 mg/kg, thấp nhất như bình bát dây cũng đạt 3,893 mg/kg. Rau ngót cũng là loại giàu Ca nhất, ở mức 5,470 mg/kg so với bốn loại còn lại chỉ khoảng từ 1,559 - 6,603 mg/kg. Cả năm loại rau rừng đều không phát hiện chứa kim loại nặng.
Nhóm cho biết, biện pháp giâm hom thích hợp với rau lìm kìm, ngót, diễn, bình bát dây. Biện pháp gieo hạt thích hợp cho rau bui, lìm kìm, bình bát dây. Riêng rau bui tuy ươm giống bằng chồi gốc tốt nhưng nguồn vật liệu (chồi gốc) không phong phú và thời gian nhân dài. Nếu ươm bằng hạt thì nguồn hạt phong phú hơn, thời gian ươm giống ngắn hơn. Ngoài ra, dùng hạt có thể ươm bằng vỉ như cách ươm rau hiện rất phổ biến, tiết kiệm nguyên vật liệu và không gian vườn ươm hơn phương pháp giâm chồi gốc. Sau khi trồng 90 ngày, năm loại rau đều có tỷ lệ sống cao, thấp nhất (75%) ở rau bình bát dây, cao nhất (97,5%) ở rau bui.
Căn cứ vào hàm lượng dinh dưỡng và khả năng sinh trưởng, nhóm thực hiện đề xuất chọn ba loại rau là lìm kìm, diễn và bui để xác định khả năng chịu mặn, kỹ thuật trồng, nuôi dưỡng và thu hoạch. Kết quả thực nghiệm tiếp theo cho thấy, cả ba loại rau này sống được ở môi trường đất có hàm lượng muối hòa tan dưới 7‰. Thời gian thu hoạch rau vào khoảng hai tháng sau khi trồng.
Năng suất cao nhất ở rau diễn (0,550 kg/m2), kế đến là rau lìm kìm (0,450 kg/m2), thấp nhất là rau bui (0,299 kg/m2). Sản lượng của ba loại rau biến động rất nhỏ, chứng tỏ sự phân bố đồng đều trên mặt đất. Sản lượng thu hoạch từ rau bui, rau diễn và rau lìm kìm tương ứng đạt 300, 550 và 299 (kg/1000 m2).
Hiện nhóm đã soạn “Sổ tay Hướng dẫn kỹ thuật trồng rau chịu mặn”, ghi chú đầy đủ, chi tiết về phương pháp tạo cây con, cách thức chuẩn bị vườn rau đến phương pháp trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch ba loại rau chịu mặn nói trên. Người dân Cần Giờ có thể tham khảo để trồng các loại rau chịu mặn đạt năng suất cao. Ngoài ra, nguồn giống rau chịu mặn ở Cần Giờ cũng có thể được chọn để canh tác được trên nhiều vùng đất nhiễm mặn khác ngoài Cần Giờ, đặc biệt tại các khu vực hải đảo.
Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt.