Nhóm tác giả Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM đã cải tiến quy trình sản xuất nghêu giống, giúp tăng tỷ lệ sống của nghêu.

Nghêu là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của huyện Cần Giờ (TPHCM), với diện tích hơn 800ha. Nghề nuôi nghêu đã mang lại cho bà con nông dân nhiều lợi nhuận, ổn định và ít rủi ro hơn nuôi tôm. Trong đó, nghề sản xuất nghêu giống ở Cần Giờ chủ yếu được tiến hành theo quy mô các hộ cơ sở sản xuất cá nhân, tập trung tại xã Lý Nhơn và Long Hòa.

Vấn đề là nghêu bố mẹ ở các trại giống từ Cần Giờ có chất lượng và giá không ổn định, nguồn gốc vẫn phụ thuộc vào nghêu tự nhiên. Để nghề nuôi nghêu đạt hiệu quả hơn, nhóm tác giả Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM đã nghiên cứu ứng dụng quy trình sản xuất giống nghêu phù hợp với điều kiện tại Cần Giờ.

Theo đó, nghêu bố mẹ được mua ở tỉnh Bến Tre, sau khi mang về Cần Giờ được nuôi vỗ trong các bể composite, với thức ăn là tảo Nannochloropsis oculata, Chaetoceros calcitrans. Khi kiểm tra, nếu tuyến sinh dục phát triển căng, màu trắng sữa hoặc vàng nhạt, thì nghêu bố mẹ được chuyển sang bể kích thích sinh sản.

t
Thử nghiệm sản xuất nghêu giống Ảnh: NNC

Để kích thích sinh sản, nghiên cứu áp dụng phương pháp sốc nhiệt dưới ánh mặt trời. Nghêu bố mẹ được rửa sạch bằng nước ngọt, để ráo nước qua đêm hoặc trong bóng râm từ 3 - 5 giờ. Tiếp theo, nghêu được trải ra bề mặt bê tông sốc nhiệt dưới ánh nắng mặt trời trong thời gian 30 - 60 phút, chạm vào thấy bề mặt vỏ nghêu ấm (không để quá nóng) thì chuyển vào bể sinh sản cho nghêu đẻ. Trứng thụ tinh sẽ phát triển thành ấu trùng sau 24 giờ - giai đoạn này, ấu trùng bắt đầu sử dụng thức ăn ngoài.

Thời gian ương nuôi từ ấu trùng thành nghêu giống thường kéo dài từ 35 – 75 ngày tùy thuộc vào kích cỡ con giống cần thu hoạch. Thức ăn sử dụng cho ương ấu trùng nghêu là sinh khối hỗn hợp tảo Nannochloropsis oculata, Chaetoceros calcitrans. Kích cỡ thu hoạch nghêu giống tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng.

So với trước đây, quy trình sản xuất nghêu giống tại Cần Giờ do Trung tâm thực hiện, đã tăng được tỷ lệ sống của ấu trùng nghêu từ khi ấu trùng xuống đáy đến khi đạt kích cỡ nghêu giống cấp 1 (từ 8% lên 10%), từ đó giúp tăng hiệu quả kinh tế của mô hình (từ 19% lên 30%). Trong quy trình này, phương pháp kích thích sinh sản bằng ánh sáng mặt trời từ 30 - 60 phút là phương pháp đơn giản và cho hiệu quả sinh sản cao nhất, tỷ lệ tham gia sinh sản là 74%, mức sinh sản trung bình đạt gần 4 triệu trứng/con, tỷ lệ thụ tinh đạt 75%, tỷ lệ nở đạt 86%.

Thử nghiệm cho thấy, thức ăn trong thời gian ương nuôi nghêu giống là hỗn hợp tảo Nannochloropsis oculata và Chaetoceros calcitrans (thay cho tôm cà mịn kết hợp tảo khô như cách phố biến lâu nay) giúp tỷ lệ sống ở các giai đoạn ương cao nhất. Cụ thể, giai đoạn từ ấu trùng chữ D sang giai đoạn ấu trùng sống đáy kéo dài từ 7 – 10 ngày, tỷ lệ sống đạt 51%. Ương nuôi nghêu giống trong 60 ngày, tỷ lệ sống đạt trên 81% - so với phương pháp truyền thống, chỉ đạt 72 - 77%.

Mô hình sản xuất nghêu giống theo quy trình cải tiến (thay đổi thức ăn, kiểm soát, xử lý nguồn nước đầu vào để đảm bảo chất lượng, hạn chế mầm bệnh cho nghêu) đang được áp dụng thử nghiệm tại Cần Giờ. Hiện nhóm tác giả có thể chuyển giao quy trình cho các đơn vị, tổ chức có nhu cầu.