Thiết bị stentrode do các nhà khoa học Úc phát triển tạo nguồn kích thích điện được đưa vào não thông qua các mạch máu và được kiểm soát qua liên kết không dây. Các nhà khoa học tin rằng thiết bị sẽ có hiệu quả trong việc chống lại các triệu chứng của một số bệnh nguy hiểm như parkinson, liệt và trầm cảm, stress.
Theo Medical Xpress, từ trước đến nay, một cách để điều trị những triệu chứng của bệnh parkinson là kích thích sâu các tế bào thần kinh. Để làm điều này, các bác sĩ phẫu thuật phải tiến hành mở hộp sọ, để lộ bề mặt của não và kích thích não trực tiếp. Ca phẫu thuật như vậy rất mạo hiểm với nhiều nguy cơ gây tác dụng phụ.
Một nhóm nghiên cứu do các chuyên gia ở Đại học Melbourne (Úc) hướng dẫn đã nghiên cứu phát triển một thiết bị kích thích não không xâm lấn. Thiết bị được gọi là stentrode có đường kính 4mm và được làm bằng hợp kim bền và dẻo - nitinol. Stentrode được đưa vào các mạch máu gần vỏ vận động của não thông qua một lỗ nhỏ ở cổ và được điều khiển qua liên kết không dây. Năm 2016, các nhà khoa học đã chứng minh rằng thiết bị có thể ghi nhận các tín hiệu thần kinh trong đại não. Đến nay, họ đã chứng minh được rằng stentrode có thể truyền xung điện đến vùng đích ở não và kích thích chuyển động của các cơ.
Ở giai đoạn tiếp theo, các nhà khoa học sẽ cố gắng tìm ra các thông số kích thích tối ưu. Theo các tác giả công trình nghiên cứu, ngoài tác dụng hạn chế các biểu hiện của bệnh parkinson, stentrode còn có thể hữu ích trong điều trị trầm cảm và động kinh cũng như giúp ích cho những người bị chấn thương tủy sống trong điều khiển chân tay giả.
Đầu năm 2019, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành các thử nghiệm lâm sàng để tìm ra lợi ích của stentrode đối với các bệnh nhân bị liệt. Công ty Humm dự định ra mắt các thiết bị nhỏ dưới dạng vòng đeo tay kích thích não bằng tín hiệu điện. Các nhà phát triển cho rằng 15 phút đeo vòng sẽ đủ để kích thích não trong ít nhất một giờ bằng cách tăng tập trung chú ý và ngừa stress.
Theo Motthegioi