Mới đây, tại Hội nghị “Đổi mới sáng tạo Việt Nam”, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chính phủ sẽ sớm cấp phép tần số để tiến hành thử nghiệm 5G ngay từ đầu năm 2019, hướng tới việc đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai nền tảng viễn thông thế hệ mới này.

5G được hứa hẹn sẽ mang lại những lợi ích vượt trội. Nguồn ảnh: ITU
5G được hứa hẹn sẽ mang lại những lợi ích vượt trội. Nguồn ảnh: ITU

Với những tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao và sự ưu việt về mặt tốc độ (donwload 20 Gbps), độ trễ (dưới 1ms), và hỗ trợ đa kết nối (1 triệu thiết bị trong phạm vi 1km2), … 5G hứa hẹn sẽ biến những điều tưởng chỉ có trong phim viễn tưởng trở thành hiện thực. Đó là giấc mơ về một cuộc sống thông minh trong những ngôi nhà với tất cả các thiết bị cùng được nối mạng, đem đến những tiện nghi hoàn hảo như dịch vụ truyền hình, giải trí thực tế ảo, xe tự lái, hay thăm khám, chữa bệnh và cả phẫu thuật từ xa, … Trong thập niên 1990, nhờ sự mạnh dạn và chủ động với 2G, Việt Nam đã từng lọt top 20 thế giới, nhưng sang đến 3G/4G, chúng ta lại tỏ ra chậm chân do những yếu kém về mặt công nghệ và thị trường thiếu tính cạnh tranh. Vì thế, “5G chính là thời cơ để Việt Nam thay đổi hiện trạng(1), nhưng muốn thay đổi thì cần phải đi đầu, và nếu chưa thể đi đầu trên toàn quốc thì hãy áp dụng trước ở Hà Nội và TP. HCM” – Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.

Trên thế giới, nhận thức được những cơ hội mà 5G có thể mang lại, nhiều nước đã và đang đổ rất nhiều tiền cho các nghiên cứu, thử nghiệm nhằm thương mại hóa công nghệ này, điển hình có Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đức. Như Trung Quốc, nước này không hề giấu giếm tham vọng muốn về đích sớm nhất trong cuộc đua khi dự kiến chi tới 450 tỷ USD; hay chỉ tính riêng năm 2017, mỗi ngày Trung Quốc đã cho xây dựng tới 460 trạm thu phát 5G mới, đưa tổng số trạm trên cả nước lên con số 350.000 – gấp 10 lần Mỹ(2). Tuy nhiên mới đây, tờ Gizmochina lại đưa tin, Hàn Quốc tuyên bố sẽ đánh bại Trung Quốc và Mỹ để trở thành quốc gia đầu tiên triển khai 5G, khi ba nhà mạng lớn nhất của họ là SK Telecom, KT và LG Uplus đã cùng gửi đi những tín hiệu đầu tiên vào hôm 02/12/2018. Điều này càng cho thấy tính chất phức tạp của cuộc đua cùng cơ hội của những tay chơi nhỏ, ít tiềm lực nhưng nỗ lực và có tham vọng.

Một trong những lợi thế lớn nhất của Việt Nam, đó là khá giống với Trung Quốc, các nhà mạng sẽ được chính phủ cấp tần số thay vì phải tham gia đấu giá như tại Mỹ hoặc châu Âu. Ngoài ra, lãnh thổ hẹp cùng mật độ dân cư cao, nhất là tại các đô thị lớn, cũng được xem như một điều kiện lý tưởng cho việc khai thác các công nghệ và dịch vụ viễn thông mới(3). Mặc dù vậy, hãy còn rất nhiều rào cản mà chúng ta cần phải vượt qua nếu muốn chinh phục giấc mơ 5G.

Thứ nhất, để đáp ứng được những tiêu chí kỹ thuật cực cao, chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng của 5G chắc chắn sẽ là rất lớn – yêu cầu mà thường chỉ các nước giàu mới đáp ứng nổi. Ngay đối với 4G, chúng ta cũng vẫn còn đang phải hoàn thiện và chờ nâng cấp để theo kịp tốc độ trung bình của các nước phát triển.

Thứ hai, mặc dù không thể phủ nhận những bước tiến của các nhà mạng Việt Nam trong thời gian qua, như Viettel hiện đang sở hữu khoảng 36.000 trạm thu phát 3G/4G trên cả nước – dự kiến nâng lên gấp đôi để tích hợp và dùng chung với 5G, bên cạnh việc làm chủ được nhiều công nghệ sản xuất thiết bị đầu cuối; còn VNPT cũng vừa hợp tác với Nokia để thành lập một phòng thí nghiệm 5G trị giá hơn 15 triệu USD)(4), nhưng mức độ đầu tư của chúng ta xem ra hãy còn quá “khiêm tốn”, nhất là khi so với các cường quốc. Chưa hết, bên cạnh viễn thông, nhiều cơ sở hạ tầng khác của Việt Nam như giao thông, năng lượng … vẫn tồn tại rất nhiều yếu kém và thiếu đồng bộ, gây trở ngại không nhỏ cho quá trình khai thác công nghệ mới – như ví dụ về xe tự lái và thảm cảnh tắc đường ở Việt Nam.

Thứ ba, Việt Nam chưa phải là nước có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất các thiết bị đầu cuối. Nếu như Trung Quốc đang đặt cược rất lớn vào cuộc đua 5G, thì đó là bởi họ có những nhà cung cấp hàng đầu như Huawei (doanh thu hơn 90 tỷ USD năm 2017) – công ty này còn đang tự thiết kế, chế tạo chip 5G và sẽ sớm được tích hợp trên mẫu smartphone đầu tiên của thế giới. Còn chúng ta, với ngành công nghiệp điện tử, vi mạch và bán dẫn còn quá non yếu, khi triển khai 5G chắc chắn sẽ không tránh khỏi phụ thuộc quá nhiều vào các đối tác như Qualcom (Mỹ), hay cả Huawei.

Thứ tư, trên thực tế, việc về đích đầu tiên với mạng viễn thông thế hệ mới thường chỉ thực sự đem lại lợi ích cho các thị trường “khổng lồ”, chứ không phải là vừa và nhỏ. Chẳng hạn Trung Quốc, với quy mô 1,4 tỷ dân và 600 triệu thuê bao di động (gấp đôi dân số Mỹ), nơi này luôn được xem như một phòng thí nghiệm hoàn hảo để phát triển công nghệ, giải pháp và các mô hình kinh doanh mới trước khi xuất khẩu, như trường hợp của Tencent hay Huawei (dẫn đầu nhờ thị trường nội địa quá lớn). Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là yếu tố quyết định như một phân tích mới trên tạp chí WIRED đã chỉ ra, rằng mặc dù Mỹ thường bị xếp sau Hàn Quốc, Nhật Bản, hay châu Âu … về tốc độ, độ phủ lẫn sự ổn định của kết nối băng thông rộng, song các công ty công nghệ của họ vẫn đang thống trị thế giới, khi Apple biến smartphone trở thành đại chúng; Google phổ biến hệ điều hành di động miễn phí; còn nền tảng Facebook khiến người dùng hằng ngày phải gắn chặt với chiếc điện thoại. Vì thế, nhiều chuyên gia nhận định, việc một nước về nhất hay chậm hơn một chút trong cuộc đua 5G, thực chất chỉ là câu chuyện của tự trọng quốc gia hơn là canh bạc “được ăn cả, ngã về không.”(5)

Sau cùng, điều đáng lo ngại hơn cả, chính là sức ép từ sự quyết liệt của Trung Quốc đối với 5G có khả năng sẽ lan sang cả lĩnh vực an ninh quốc phòng, khi rất nhiều nhà mạng trên thế giới (trong đó có Viettel và VNPT) vẫn đang sử dụng thiết bị của Huawei (bị tình nghi có chứa mã độc). Do đó, mặc dù 5G là xu thế tất yếu, song có lẽ Việt Nam không nên quá đặt nặng chuyện phải triển khai sớm nhất, mà quan trọng hơn, chúng ta nên gấp rút xây dựng chiến lược thúc đẩy các ngành điện tử vi mạch, bán dẫn, … phát triển, đồng thời cố gắng làm chủ cả công nghệ sản xuất lẫn công nghệ nguồn nhằm “tự đáp ứng” được hầu hết các thiết bị đầu cuối – vừa để chiếm lĩnh thị phần quốc nội, vừa đảm bảo an ninh quốc gia. Chỉ khi ấy, chúng ta mới thật sự trở thành người đi đầu và nắm giữ lợi thế nhờ làn sóng 5G.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc một nước về nhất hay chậm hơn một chút trong cuộc đua 5G, thực chất chỉ là câu chuyện của tự trọng quốc gia hơn là canh bạc “được ăn cả, ngã về không.”

Chú thích:
1) Báo cáo của Liên minh Viễn thông quốc tế ITU (2017) xếp Việt Nam ở hạng 115/193.
2) VTV trích báo cáo của Deloite.
3) Bài học của Softbank và nước Nhật khi về đích sớm nhất trong cuộc đua 3G.
4) Bản tin VTV
5) Wired, Does it matter if China beats the US to build a 5G network?, Link: https://www.wired.com/story/does-it-matter-if-china-beats-the-us-to-build-a-5g-network/