Thiết bị bảo hộ, mặt nạ thở là các sản phẩm do nhóm tác giả ở Đại học Y Dược TPHCM nghiên cứu, chế tạo có thể dùng cho bệnh nhân, nhân viên y tế, cũng như cho nông dân phun thuốc trừ sâu, công nhân sơn, người lao động trong môi trường ô nhiễm bụi mịn, mùi…

Hiện nay, nhiều cơ sở y tế vẫn chưa có đủ các trang thiết bị như đồ bảo hộ, khẩu trang chuyên dụng, phòng áp lực âm,… để đảm bảo an toàn cho cán bộ y tế, phòng tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Đặc biệt là các bệnh liên quan đến hô hấp, truyền nhiễm.

Trước thực tế đó, nhóm tác giả ở Đại học Y dược TPHCM đã thực hiện đề tài "Xây dựng giải pháp tổng thể về hệ thống bảo vệ an toàn nhân viên y tế, người bệnh trong các cơ sở điều trị tại Việt Nam".

Theo đó, nhóm đã nghiên cứu, chế tạo hệ thống mặt nạ với bộ lọc N95. Mặt nạ này được nhóm cải tiến từ mặt nạ lặn, che nửa mặt, kín mặt, trùm đầu dành cho nhân viên y tế. Đối với mặt nạ cho bệnh nhân thở hệ thống oxy lưu lượng cao thì được nhóm cải tiến từ mặt nạ lặn.

Đối với mặt nạ cho bệnh nhân sử dụng hệ thống NIV/HFNO (thở máy không xâm lấn), được cải tiến từ mặt nạ lặn, có sử dụng lọc HEPA tiêu chuẩn 13 chống lan tỏa sol khí (sự lơ lửng trong môi trường khí của các hạt chất rắn, hạt chất lỏng hoặc các hạt chất rắn và chất lỏng có tốc độ rơi không đáng kể), ra môi trường xung quanh. Đây là tiêu chuẩn lọc sử dụng phổ biến hiện nay trên thị trường, hiệu xuất đạt 99,97 – 99,99% cho cỡ hạt là 0,3micron.

Một số sản phẩm mặt nạ dành cho nhân viên y tế và bệnh nhân.  Ảnh: NNC
Một số sản phẩm mặt nạ dành cho nhân viên y tế và bệnh nhân. Ảnh: NNC

Ngoài ra, nhóm tác giả đã chế tạo đồ bảo hộ PAPR (bảo hộ trang bị mặt nạ lọc khí áp lực dương) cho nhân viên y tế, với mặt nạ phòng độc dùng màng lọc N95. Bộ đồ được tích hợp quạt hút sử dụng pin có công suất đủ lớn cho lưu lượng (không khí) trên 170 lít/phút, với tiếng ồn nhỏ hơn 80dB và thời gian sử dụng trên 4 giờ. Mặt nạ phòng độc có khả năng điều chỉnh lưu lượng cấp khí đầu vào.

Các sản phẩm của nhóm đã được kiểm định bởi các cơ quan như Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng 3, Trung tâm Khoa học công nghệ Dược Sài Gòn, cho thấy bộ lọc HEPA đạt hiệu suất lọc sương muối (phun mù dung dịch muối Nacl) từ 98,2 – 99,4%, hiệu suất lọc trung bình sương dầu (phun mù dung dịch dầu động cơ) là 98,6%, lượng vi sinh vật trong không khí sau lọc là 37 CFU/m3 (các thông số đạt tiêu chuẩn kỹ thuật). Đây là các tiêu chuẩn trong kiểm nghiệm các loại khẩu trang y tế, khẩu trang thông thường

Theo nhóm tác giả, bộ đồ bảo hộ PAPR có thương hiệu như 3M (Mỹ) có giá thành gần 3 ngàn USD/bộ và tương đối khan hiếm trong đại dịch như COVID – 19. Trong khi đó, bộ đồ bảo hộ PAPR do nhóm sản xuất, đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương 3M, nhưng giá thành chỉ bằng 1/10. Ngoài sử dụng cho các nhân viên y tế, đồ bảo hộ PAPR còn có thể sử dụng cho nông dân phun thuốc trừ sâu, công nhân sơn, người lao động trong môi trường ô nhiễm bụi mịn, mùi…

Hiện nhóm tác giả đã làm chủ được công nghệ chế tạo mặt nạ thở, thiết bị bảo hộ PAPR, có thể chuyển giao công nghệ để sản xuất thực tế. Đồng thời, nhóm phát triển hướng nghiên cứu mặt nạ PAPR, có thêm khả năng lọc mùi, để ứng dụng vào môi trường hóa chất độc hại có mùi, giúp bảo vệ sức khỏe người lao động và nâng cao hiệu quả công việc.

Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt.