Cân bằng giữa hiện đại và truyền thống, Sinh Dược trở thành câu chuyện điển hình về một hợp tác xã biết nắm bắt những ưu điểm độc đáo nội tại và không ngừng làm mới từng công đoạn trong quy trình sản xuất.
Cầm trên tay cục xà bông Sinh Dược, rất khó để chúng ta tin rằng một sản phẩm chuẩn chỉ với bao bì bắt mắt, hiện đại dán tem QRCode đầy đủ như thế được làm nên từ một hợp tác xã (HTX) mới chỉ tròn bảy năm tuổi. Lại càng khó tin hơn khi biết rằng người đứng sau thành công của HTX này - anh Vũ Trung Đức - là một người trẻ tuổi, mà khi thành lập nên HTX Sinh Dược, anh chỉ vừa tốt nghiệp Đại học Bách khoa.
Xà bông Mùi Tết - Nhâm Dần 2022 của Sinh Dược. Ảnh: HTX Sinh Dược
Làm sống lại một vùng dược liệu cổ xưa
Tọa lạc dưới chân núi Bái Đính, xã Gia Sinh (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) từ lâu vẫn nổi tiếng với tên gọi cổ “Sinh Dược” - cái tên bắt nguồn từ truyền thuyết Thiền sư, danh y Nguyễn Minh Không đi tìm thuốc chữa bệnh ‘’hóa hổ’’ cho vua nhà Lý. Tại vùng núi Bái Đính ngày nay, ông tìm được nhiều loài thuốc mọc tự nhiên khắp một vùng bán sơn địa, nên đặt tên nơi này là Sinh Dược (nghĩa là nơi cây thuốc sinh sống). Tương truyền, trong quá trình tu hành và tìm hiểu cây thuốc nơi đây, ông đã truyền đạt lại những kinh nghiệm dùng thảo dược, những bài thuốc quý cho người dân thôn Sinh Dược.
Hội tụ đầy đủ những yếu tố để làm nên một thương hiệu làng nghề độc đáo, từ tên gọi cổ “Sinh Dược” với câu chuyện thú vị đằng sau đó, nguồn nguyên liệu dồi dào cho đến những bài thuốc cổ truyền mà ngày nay vẫn còn rất nhiều người dân gìn giữ như một phương thức chữa bệnh lành tính hiệu quả; nhưng câu chuyện về làng cổ Sinh Dược dần dần chỉ còn là ‘hữu danh vô thực’ khi người dân đã không còn duy trì được danh tiếng của vùng dược liệu xưa kia. Đến khoảng những năm 2000, họ chỉ có hai cách “nối nghiệp”: phần đông mua bán cây thuốc ở dạng nguyên liệu thô, “quanh nhà có cây thuốc gì thì cắt xong phơi lên, sao qua rồi mang ra chợ bán với mức giá rẻ”, hoặc là “lên rừng cắt thuốc rồi bán với giá đắt hơn một chút”, anh Vũ Trung Đức, Giám đốc HTX Sinh Dược, nhớ lại.
Khi ấy, một bộ phận người nông dân trong làng gặp khó khăn trên chính đất canh tác của mình. “Giá trị của nông sản bấp bênh vì quy mô sản xuất nhỏ lẻ và phương thức canh tác lạc hậu”, họ phải chấp nhận làm các công việc với mức lương thấp. “Vì sao chúng ta lại bỏ phí cơ hội việc làm từ một nguồn dược liệu tiềm năng?” Câu hỏi đó đã thôi thúc Vũ Trung Đức - khi đang còn là sinh viên chuyên ngành Hóa Dược tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội - mày mò chiết xuất những câu thuốc quý tại vùng đồi núi Gia Sinh như bình vôi, ngành ngạnh, hoài sơn, khúc khắc, mặt quỷ, v.v.
Năm 2014, ngay khi vừa tốt nghiệp đại học, anh Đức đã quyết định trở về quê hương để cùng gia đình thành lập nên HTX Sinh Dược chuyên sản xuất các sản phẩm như xà bông, muối tắm từ các bài thuốc cổ truyền đã được lưu truyền trong suốt nhiều thập kỷ tại xã Gia Sinh. Tại sao lại là HTX mà không phải là một công ty tư nhân hay công ty cổ phần? “Thực chất, chúng tôi thành lập theo mô hình HTX kiểu mới, có quy chế hoạt động tương tự như một công ty cổ phần, vừa có thể hoạt động độc lập lại vừa nhận được nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước” anh Đức nói và giải thích thêm lợi ích của việc hoạt động theo mô hình này, "điều lệ HTX mới quy định mọi người có thể góp vốn bằng tiền, sức lao động, kinh nghiệm và được trả lương theo phần đóng góp hoặc theo sức lao động. HTX Sinh Dược thiên về hướng tạo việc làm, vậy nên hình thức này sẽ phù hợp với người dân ở làng quê”. Theo đó, HTX cũng có Hội đồng quản trị, Ban giám đốc để đưa ra những quyết sách lớn, còn người lao động thì có thể làm công ăn lương và có các tổ trưởng phụ trách từng mảng riêng biệt.
Tuy vậy, với những người nông dân đã quen với sự ổn định, một mô hình HTX kiểu mới cũng đồng nghĩa với sự mạo hiểm và rủi ro. “Ban đầu khi chúng tôi tìm đến người dân, chỉ có một số ít người đồng ý tham gia cùng, đa phần mọi người từ chối vì không tin mô hình này có thể phát triển bền vững”, Vũ Trung Đức kể về khó khăn trong những ngày đầu thành lập HTX. “Lâu dần, khi người dân được ‘mắt thấy tai nghe’ những gì chúng tôi làm, mức lương khá thỏa đáng mà chúng tôi chi trả, họ đã thay đổi ý kiến và tham gia nhiệt tình”.
Giờ đây, HTX có 30 thành viên, lao động thường xuyên 50 người, nghiên cứu ứng dụng hơn 30 loại thảo dược địa phương như mướp đắng, bồ kết, bạc hà, chùm ngây, sả chanh, tía tô… thành những sản phẩm tiện dụng như muối ngâm chân, xà bông tắm, cao xoa bóp. Ngoài ra với nguồn nguyên liệu thảo dược sẵn có quanh vùng, HTX đã nghiên cứu sản xuất nhiều sản phẩm mới lạ như muối tắm bé từ dây kim ngân, tầm bóp. Từ đây, những chuyến hàng đã chở các sản phẩm của Sinh Dược đi đến khắp đất nước, “khách hàng của chúng tôi ở khắp nơi chứ không tập trung ở vùng miền nào cụ thể”.
Chuẩn hóa một quy trình bền vững
Nếu xem nền tảng văn hóa bản địa của Sinh Dược là một ưu thế, thì chưa chắc những câu chuyện cổ xoay quanh vùng núi này lại nhiều, nổi danh và mang đậm bản sắc văn hóa như các khu vực vùng dân tộc thiểu số tại Tây Bắc. Nếu đánh giá đến tiêu chí nguồn dược liệu phong phú thì chưa chắc Sinh Dược có thể so với những vùng đa dạng sinh vật ở Bạch Mã, Hoàng Liên Sơn, Yok Đôn. Vậy mà trong bối cảnh rất nhiều HTX ở các làng nghề lâu năm đã phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, lay lắt; HTX Sinh Dược lại phát triển nhanh chóng chỉ trong một thời gian ngắn, trở thành thương hiệu dẫn đầu trong kinh doanh và phát triển sản phẩm từ thiên nhiên. Họ có gì đặc biệt?
“Có lẽ là vì chúng tôi chấp nhận thay đổi để không giậm chân tại chỗ”, anh Vũ Trung Đức ngẫm nghĩ trước câu hỏi.
Theo một khảo sát vào năm 2019 về sự phát triển bền vững của các làng nghề truyền thống ở Việt Nam, TS. Nguyễn Thanh Hải (Bộ môn Quản trị học, trường ĐH Thương Mại) và các đồng nghiệp đã chỉ ra rằng các làng nghề hiện nay đang gặp phải rất nhiều khó khăn như hạn chế về đầu ra, thiếu nguyên vật liệu nên nhiều khi nhập cả nguyên vật liệu Trung Quốc, không đổi mới quy trình sản xuất, người lao động được trả một mức lương quá thấp nên họ cũng không mặn mà làm việc, dẫn đến sản phẩm kém chất lượng, v.v. “Những yếu tố này đã khiến họ suy thoái dần và lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí phải ngừng hoạt động.”
Để không đi vào những ‘vết xe đổ’ đó, anh Vũ Trung Đức quyết định tiếp cận giải quyết từng bài toán một. Với mong muốn đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, bên cạnh việc trồng các cây thuốc tại địa phương, HTX Sinh Dược đã khảo sát vùng nguyên liệu và đang liên kết khai thác tại một số địa phương như Cam Lộ (Quảng Trị), Duy Tiên (Hà Nam), SaPa (Lào Cai). Các xưởng tại vùng nguyên liệu sẽ chiết xuất tinh dầu theo công nghệ đã được chuyển giao và chuyển đến Gia Sinh để các công nhân tại HTX Sinh Dược tiến hành sản xuất xà phòng, muối tắm. Nhằm kiểm soát chất lượng, anh Vũ Trung Đức vẫn thường xuyên vào “kiểm tra trực tiếp quá trình chiết xuất, định kỳ gửi mẫu đi test để xem có đạt tiêu chuẩn chất lượng hay không.”
Khi đã đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu, ban quản lý HTX Sinh Dược cũng tiến hành hiện đại hóa các máy móc như máy sao, máy sấy, máy phối trộn, máy cắt bánh xà phòng để tối ưu hóa quy trình, nhưng vẫn đảm bảo “đơn giản hóa quy trình để người lao động có thể dễ dàng học và làm theo”. Nói như vậy không có nghĩa là họ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào máy móc, các công nhân vẫn phải giám sát liên tục thiết bị đong nguyên liệu có đúng tỷ lệ hay không. Khi đã ra thành phẩm, HTX sẽ lưu lại mẫu của từng mẻ tại phòng lưu mẫu để truy xuất trong trường hợp khách hàng phản ánh chất lượng.
Việc chuẩn hóa quy trình như vậy không chỉ giúp gia tăng chất lượng sản phẩm mà còn giúp giảm giá thành sản xuất - hai bài toán muôn thuở trong kinh doanh. “Giá thành sản phẩm của chúng tôi cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại, chất lượng lại đảm bảo, nên lượng khách hàng cũng tăng lên”, anh Đức phấn khởi chia sẻ. Nhờ đó, doanh thu của HTX tăng dần, tiền lương chi trả cho các công nhân cũng thỏa đáng, “mọi người khi đó sẽ dồn tâm sức để cho ra những sản phẩm đạt chất lượng.”
Tìm nét độc đáo
Dù là cơ sở đầu tiên tại Việt Nam sản xuất xà bông, dầu tắm từ những nguyên liệu gần gũi như tía tô, sả, hương nhu,... với tổng công suất tiêu thụ lên đến hàng ngàn tấn nguyên liệu một năm, nhưng chặng đường phát triển của HTX Sinh Dược không phải lúc nào cũng bằng phẳng. “Thực ra, năm 2017, HTX đã có lúc tưởng chừng như rơi vào khủng hoảng vì doanh thu giảm sút”, anh Đức nhớ lại quãng thời gian khó khăn trong quá khứ. Lúc bấy giờ, rất nhiều thương hiệu có nguồn gốc thiên nhiên ra đời, thị trường cũng dần bão hòa và Sinh Dược không còn là một thương hiệu có sức hấp dẫn độc đáo.
Trên thực tế, theo TS Nguyễn Thanh Hải, đó là câu chuyện chung của nhiều làng nghề hiện nay. Dù chất lượng sản phẩm tốt, nhưng vì “chậm thay đổi mẫu mã, kiểu dáng” nên họ ít thu hút được khách hàng. Chẳng hạn, nhiều mặt hàng ‘na ná nhau’ như nhóm sản phẩm thổ cẩm tại các tỉnh thành từ Điện Biên đến Sơn La, Lai Châu… dễ gây nhàm chán cho du khách. “Nếu các cơ sở kinh doanh không đổi mới mẫu mã, tạo ra sản phẩm của riêng mình thì họ sẽ không thể phát triển”.
Giữa lúc các thành viên HTX Sinh Dược đang rơi vào hoang mang, anh Vũ Trung Đức đã đưa ra một quyết định táo bạo là thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, triển khai sản xuất các loại muối tắm bé, cao gội đầu và đặc biệt nhất là tranh từ lá bồ đề. “May mắn là thị trường đã đón nhận những sản phẩm mới đó”, anh kể. Nhận ra rằng chuẩn hóa quy trình sản xuất thôi là chưa đủ, để không bị tụt lại phía sau, HTX bắt đầu tiến hành đều đặn hoạt động nghiên cứu sản phẩm mới, gần đây “chúng tôi đã cho ra sản phẩm nước rửa bát cùng các loại dầu tắm thiên nhiên”. Bên cạnh đó HTX Sinh Dược cũng mời các nhà khoa học đến hướng dẫn quy trình nhân giống, tư vấn thêm về kỹ thuật trồng và bảo tồn cây dược liệu.
Hiện tại, HTX Sinh Dược đang đi theo hướng phát triển mới đó là kết hợp sản xuất hàng hóa với trải nghiệm du lịch: tắm ngâm khoáng thảo dược gọi tên là “tắm vua sao sa”, du lịch homestay, thăm cánh đồng dược liệu. Dự kiến, năm 2022, “HTX sẽ hoàn thiện hệ sinh thái Sinh Dược gắn sản xuất với du lịch như một điểm đến của thương hiệu thảo dược bản địa”, anh Vũ Trung Đức cho biết.