“Tại sao hàng trăm năm nay người khuyết tật vẫn chỉ đi xe lăn? Câu hỏi đó là tiền đề để chúng tôi tạo ra ReWalk. Đã đến lúc có thể đá chiếc xe lăn đi vì giờ đây những người bị liệt cả hai chân vẫn có thể bước được lên cầu thang”.

Yishai Potack - Giám đốc kinh doanh của ReWalk Robotic, startup Israel chuyên về công nghệ cao dành cho người khuyết tật - chia sẻ về đôi chân robot mà họ đã phát triển.

Đôi chân máy trị giá bằng một căn hộ

Trụ sở của ReWalk Robotic nằm trên tầng 6 một tòa nhà hiện đại ở Yokneam, thành phố đẹp như một ốc đảo xanh đang dần trở thành trung tâm startup mới của Israel. Ngay khi bước qua khu tiếp tân, người viết như lạc vào một phòng thí nghiệm của thế giới tương lai với vô số thiết bị giống đôi chân người gắn chi chít các con chip và dây nối.

Chỉ vào chiếc tủ kính bài trí như trong bảo tàng, Yishai cho biết đó là nơi trưng bày đôi chân ReWalk thế hệ đầu tiên, ra đời 7 năm trước. Sản phẩm hiện nay là ReWalk thế hệ thứ sáu với hàm lượng công nghệ cao hơn, giúp người khuyết tật tiến gần với cảm giác về một đôi chân thật. “Hiện thế giới cũng có một số công ty phát triển sản phẩm trong lĩnh vực này; còn chúng tôi có sứ mệnh làm thay đổi cơ bản cuộc sống của người khuyết tật chân bằng việc phát triển các sản phẩm mang công nghệ robot dẫn đầu thị trường”.

Cựu binh Radi Kaiuf rời chiếc xe lăn để tự mình bước đi bằng ReWalk. Để đi được bằng đôi chân robot, phải sử dụng được nạng để giữ thăng bằng khi bước. Ảnh: Đức Anh

Thứ duy nhất có thể khiến mọi người e dè với ReWalk là giá bán 77.000USD/đôi (tương đương 1,7 tỷ đồng, bằng giá mua một căn hộ trung bình ở Việt Nam). Nhưng theo Yishai, đơn đặt hàng ReWalk đang từ nhiều nước đổ về và khách sẽ phải đợi từ một tuần đến một tháng mới nhận được hàng. Như để giải thích cho cái giá đắt đỏ của sản phẩm, Yishai cho mời một cựu binh bị liệt cả hai chân tới.

Radi Kaiuf - cựu binh người Israel 48 tuổi - có mặt sau ít phút trên một chiếc xe lăn. Bằng giọng tiếng Anh trôi chảy, anh kể mình bị liệt cả hai chân sau khi trúng đạn vào tủy sống tại chiến trường Lebanon năm 1988. “Viên đạn khiến tôi phải nằm viện suốt 8 tháng và sau đó là 19 năm ngồi trên xe lăn. Tôi không bao giờ nghĩ mình có thể đi lại được như xưa” - Kaiuf vừa nói vừa chống tay tự nhấc mình khỏi chiếc xe lăn để chuyển sang chiếc ghế bên cạnh đang đặt sẵn bộ chân ReWalk.

Mất khoảng hai phút thao tác, Kaiuf đã đeo xong đôi chân robot. Anh bấm nhẹ vào chiếc đồng hồ thông minh trên tay, tiếng động cơ chạy ro ro khá êm bắt đầu vang lên và anh từ từ đứng dậy khỏi ghế. Thêm một nút bấm nữa, Kaiuf bắt đầu di chuyển vòng quanh căn phòng và sải bước ra hành lang kèm theo hai chiếc nạng. Tốc độ Kaiuf bước đi với đôi chân robot tương đương người bình thường. Khi tới trước cầu thang, anh lại bấm vào chiếc đồng hồ đeo tay và đôi chân lập tức chuyển sang chế độ bước chậm rãi lên cầu thang trong tiếng động cơ nhè nhẹ theo nhịp chân.

Rời xe lăn để đi dạo trên bờ biển

Đôi chân robot ReWalk gồm một bộ pin kiêm trung tâm điều khiển có kích thước một chiếc balô nhỏ đeo sau lưng người dùng. Bộ phận này kết nối bằng dây với tất cả các motor và bộ cảm biến bọc hai bên chân. Mọi mệnh lệnh từ người dùng như đứng lên, ngồi xuống, bước đi hay lên xuống cầu thang đều được chuyển tới trung tâm điểu khiển đôi chân robot thông qua chiếc đồng hồ thông minh có kết nối không dây.

Cận cảnh chiếc đồng hồ thông minh - nơi người dùng ra lệnh cho đôi chân robot ReWalk bằng những nút bấm. Ảnh: Đức Anh

Theo Yishai Potack, sau các lần nâng cấp, hiện dung lượng pin của ReWalk thế hệ thứ sáu có thể sử dụng 4 tiếng liên tục mới cần sạc lại. Khoảng thời gian này đủ để những người như cựu binh Radi Kaiuf tự đi dạo bên bờ biển gần nhà, hoặc thậm chí hoàn thành một cuộc thi marathon ở Tel Aviv. “Cuộc sống của tôi đã hoàn toàn thay đổi theo cách dễ chịu hơn rất nhiều kể từ khi có ReWalk” - anh mỉm cười chia sẻ.

“Cha đẻ” của cỗ máy đang cải thiện đáng kể khả năng hòa nhập cuộc sống cho những người liệt hai chân này là Amit Golfer, cũng là một người khuyết tật. Sáng chế của anh đã nhận được giấy phép lưu hành tại nhiều thị trường trên thế giới và giúp cho công việc kinh doanh của ReWalk Robotic khởi sắc. “Ngày mai tôi sẽ đi Ấn Độ để giới thiệu ReWalk cho cộng đồng người khuyết tật tại đây” - Yishai nói. Đi khắp các nước châu Âu, châu Á và châu Mỹ để tiếp thị ReWalk đã trở thành công việc chính của anh vì thành tựu công nghệ này đã trở thành sản phẩm toàn cầu.