Israel là nơi mà các quy định về hỗ trợ người khuyết tật đã được luật hóa và có cả một hệ sinh thái công nghệ dành cho họ.
Giới công nghệ Israel được chính phủ “đặt hàng” nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ cho người khuyết tật - cộng đồng đang chiếm gần 20% dân số (khoảng 1,6 triệu người, theo thống kê năm 2016). Đây là bộ phận ưu tiên trong xã hội Israel và nhận được sự hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước thông qua phương tiện luật pháp, giáo dục, khoa học và công nghệ (KH&CN).
Không hỗ trợ người khuyết tật là phạm luật
Các chính sách nhằm đảm bảo sự tiếp cận xã hội bình đẳng cho người khuyết tật được Israel đưa vào luật từ những năm 1970. Theo đó, các yêu cầu về cơ sở vật chất và phương tiện hỗ trợ họ trong giao thông công cộng, các tòa nhà hành chính và không gian chung như công viên, bãi biển... được quy định rõ trong các bộ luật.
Cụ thể, từ năm 1998, khi Luật Bình đẳng Israel được thông qua, các công ty có trên 100 nhân viên phải sử dụng ít nhất 3% tổng số lao động là người khuyết tật. Nếu không thực hiện, doanh nghiệp sẽ gặp rắc rối về pháp lý.
Năm 2009, Chính phủ Israel bổ sung quy định về tiếp cận số, yêu cầu website của các tổ chức và dịch vụ công phải có thiết kế riêng để người khuyết tật có thể tự truy cập và hưởng lợi từ mọi dịch vụ mà trang web đó cung cấp. Các phương tiện công cộng cũng phải tuân thủ quy định chi tiết về hỗ trợ người khuyết tật. Ví dụ, người ngồi xe lăn và khiếm thị khi đi tàu phải được đảm bảo có ghế dành riêng trong những toa thiết kế đặc biệt. Mặt sàn các xe buýt đô thị phải đủ thấp để xe lăn có thể lên xuống từ bến chờ.
Các nhà hoạt động vì người khuyết tật trao đổi với tiến sỹ Arie Wollner (đứng) - Giám đốc Trung tâm phục hồi tại Bệnh viện Sheba, Tel Aviv - cơ sở chăm sóc và điều trị người khuyết tật hàng đầu Israel. Ảnh: Đức Anh
Luật hóa các quy định hỗ trợ người khuyết tật là điều không mới đối với nhiều nước, nhưng văn hóa tuân thủ các quy định đó chính là sự khác biệt của Israel. Bà Michal Rimol - CEO của Access Israel, tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất nước này với sứ mệnh thúc đẩy khả năng tiếp cận và cải thiện cuộc sống cho người khuyết tật - phân tích: “Việc thực thi quy định hỗ trợ người khuyết tật là nhiệm vụ của các cơ quan chính phủ như Bộ Tư pháp, Bộ Bình đẳng xã hội, của chính quyền địa phương và quan trọng nhất là của chính người dân. Điều này đã khiến cuộc sống của người khuyết tật được quan tâm và cải thiện”.
Những quy định chặt chẽ và chi tiết trong luật cộng với chính sách hỗ trợ các trường đại học, doanh nghiệp nghiên cứu sản phẩm công nghệ cho người khuyết tật là nền tảng thúc đẩy hình thành một hệ sinh thái công nghệ dành riêng cho bộ phận dân số này tại Israel.
Hệ sinh thái công nghệ cho người khuyết tật
Nằm trong khuôn viên rợp bóng cây của khoa Cơ khí, Học viện Công nghệ Technion là một phòng thí nghiệm đặc biệt, nơi có hàng loạt bản mô tả chi tiết sáng chế và máy móc phục vụ nghiên cứu công nghệ robot dành cho người khuyết tật.
Giáo sư Reuven Katz - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu robot J.W.Ullmann, phụ trách phòng thí nghiệm - cho biết: “Bên cạnh việc thiết kế máy móc và hệ thống sản xuất tự động, chúng tôi còn phát triển các công nghệ robot để cải thiện cuộc sống cho người khuyết tật và người già, đồng thời nghiên cứu hệ thống trí tuệ nhân tạo phục vụ các cơ sở phục hồi chức năng”.
Một sản phẩm nổi bật mà phòng thí nghiệm đang nghiên cứu là hệ thống hỗ trợ từ xa bằng robot với trung tâm điều khiển kết nối với các robot đặt tại nhà người khuyết tật thông qua audio và video. Cơ sở này còn cho ra đời những sản phẩm tích hợp công nghệ đơn giản hơn như xe hỗ trợ đi bộ Agile Walker, hệ thống phanh tự động gắn trên các xe lăn, ngăn tình trạng trôi ngược tự do.
Những phòng thí nghiệm như vậy không hiếm ở Israel. Và để các sản phẩm, giải pháp công nghệ dành cho người khuyết tật đến được với người cần chúng, hằng năm có hàng loạt sự kiện để giới công nghệ và startup trình diễn, giới thiệu thành tựu mới nhất của mình trong lĩnh vực này. Nổi bật trong số đó là hội nghị thường niên Access Israel Convention diễn ra tại Tel Aviv - nơi nước chủ nhà giới thiệu với cộng đồng quốc tế các công nghệ dành cho người khuyết tật.
Sự kiện năm nay diễn ra vào cuối tháng 3 với chủ đề “Sự tiếp cận dành cho tất cả mọi người trong kỷ nguyên số”, quy tụ khoảng 800 người gồm các nhà hoạch định chính sách, các CTO (giám đốc công nghệ), CEO và giới truyền thông từ khắp thế giới. Bên lề các tham luận là một không gian giống như hội trợ hàng công nghệ cao dành cho người khuyết tật, nơi hàng loạt công nghệ mới - đang ở giai đoạn nghiên cứu hoàn thiện hay đã thành sản phẩm hàng hóa - được giới thiệu. Có cả các công nghệ dành cho tổ chức và doanh nghiệp, giúp họ phục vụ tốt hơn khách hàng là người khuyết tật, hoặc có thể tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc.
Gây chú ý nhất năm nay là sản phẩm OrCam thế hệ mới dành cho người khiếm thị của công ty cùng tên. Thiết bị sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo này có thể giúp người khiếm thị “đọc” sách báo hoặc nhận biết vật thể xung quanh thông qua một chiếc kính gắn camera và hệ thống máy tính siêu nhỏ mô tả mọi thứ bằng âm thanh.
Bên cạnh đó, công nghệ robot cũng được công ty ứng dụng để phát triển hệ thống hỗ trợ đi lại cho người liệt hai chân. Sản phẩm ReWalk thế hệ thứ sáu cho phép họ tự mình đứng lên, ngồi xuống, bước đi hoặc lên xuống cầu thang dễ dàng mà không cần xe lăn hay sự trợ giúp của người khác. ReWalk còn là công ty công nghệ y tế có tiếng trên thế giới, chuyên cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ phục hồi chức năng cho các đối tác lớn nước ngoài như Bộ Cựu binh Mỹ.
Ngoài ra, các công ty Israel còn cho ra mắt những sản phẩm phục vụ người khuyết tật sử dụng công nghệ IoT như Step Hear, Right Hear, AbiliSense, Mopius, Milbat... với thiết kế điện thoại thông minh dành riêng cho người khiếm thị, hệ thống mở cửa tự động chỉ bằng một cú bấm trên điện thoại dành cho người ngồi xe lăn...
Đại diện của hàng loạt “ông lớn” công nghệ như Microsoft, Facebook, Intel... đang có trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Israel cũng tuyên bố tham gia tích cực vào nỗ lực của nước nay nhằm xóa bỏ mọi rào cản cho người tàn tật khi hòa nhập xã hội thông qua công nghệ cao.