Trong khi các nhà sản xuất đang miệt mài sao chép "tai thỏ" của iPhone X thì các nhà sản xuất smartphone tên tuổi, kỳ cựu lại kiên quyết nói không.
Trong một thế giới mà sự sáng tạo ngày càng trở nên hiếm hoi như ngành công nghiệp smartphone, thì bắt chước lẫn nhau là chuyện trở nên bình thường. Tuy nhiên, việc bắt chước, như luật bất thành văn, được phân chia làm nhiều cấp độ khác nhau, ở các đẳng cấp khác nhau. Chẳng hạn, một số hãng tên tuổi chỉ học hỏi nhau về công nghệ, một chút "lai" trong thiết kế. Trong khi đó, có nhà sản xuất lại áp dụng chiến lược "của người phúc ta", sao chép ý nguyên từ phần cứng lẫn phần mềm. Chẳng hạn, nhiều nhà sản xuất Trung Quốc nhờ công thức "nhái iPhone" đã tạo dựng cơ nghiệp tỷ đô từ con số 0 (tất nhiên có nhiều yếu tố khác nữa, nhưng công thức nhái iPhone là ‘nguyên liệu' chính).
Gần đây nhất, cái tai thỏ của iPhone X cho thấy sự khác biệt đẳng cấp giữa học hỏi và sao chép nhái. Một bên miệt mài sao chép tai thỏ, thậm chí kỳ công truyền thông rằng tai thỏ của mình tốt hơn, đẹp hơn iPhone X, một bên không dùng tai thỏ, thậm chí còn vội vã tuyên bố là không có tai thỏ.
Khởi điểm của tai thỏ iPhone X là khi Apple học hỏi màn hình tràn cạnh từ điện thoại Android. Tuy nhiên, do tích hợp Face ID ở iPhone X thay thế cho Touch ID cho phép đăng nhập bằng cách sử dụng camera hồng ngoại để quét khuôn mặt người dùng. Mảng camera của iPhone lớn hơn đáng kể trong khi điện thoại tràn viền, dẫn đến sự tồn tại của tai thỏ.
Phản ứng ban đầu đối với tai thỏ của iPhone X là sự hoài nghi và chê bai. Rằng "xấu", "giao diện kinh khủng", "sừng của quỷ", "Steve Jobs nếu còn sống sẽ không cho phép điều này xảy ra"; "làm thế nào các nhà thiết kế của Apple có thể đánh đổi như thế?"...
Thiết kế có tai thỏ bị nhiều người cho là rất xấu, ngay cả iFan cũng phải thừa nhận như thế, còn fan Android thì ghét cay ghét đắng. Nhưng một điều lạ đang diễn ra là đối với nhiều nhà sản xuất Android Trung Quốc, iPhone là tiêu chuẩn ngành, kể cả tính năng bị ghét đi nữa.
Bắt đầu một số nhà sản xuất Trung Quốc ít tên tuổi cho ra điện thoại nhái tai thỏ, đến khi Asus trình làng Zenfone 5 thì đã rõ ràng là dịch tai thỏ đang lan rộng trong thế giới Android. Các nhà sản xuất Trung Quốc Huawei, OnePlus, Vivo, Oppo, ZTE ... đua nhau tung ra điện thoại mới có tai thỏ. Điều đáng nói là tuy sao chép thứ bị ghét nhất của iPhone X, họ đều cố gắng giải thích tai thỏ của mình tốt hơn, sáng tạo hơn của iPhone X. Smartphone của ZTE đưa tai thỏ xuống dưới màn hình. CEO Huawei Li Changzhu trong trả lời phỏng vấn tạp chí Forbes nói rằng họ đã có ý tưởng tai thỏ từ 3-4 năm trước, nhưng không làm vì lo ngại người dùng sẽ không thích. Huawei còn tuyên bố tai thỏ Huawei P20 tốt hơn vì có lựa chọn cho bỏ tai thỏ. Với người dùng, điều này khá hài hước vì tại sao lại phải mua một chiếc điện thoại có tai thỏ nếu như họ có thể giấu nó đi?
Mặc dù iPhone X không phải là người phát minh ra tai thỏ, nhưng những điện thoại sao chép tai thỏ bị chỉ trích là một sự xấu hổ, hay ngu ngốc vì dùng thiết kế tồi tệ như tai thỏ biến thành một sự sáng tạo.
Rất may cho đến thời điểm hiện tại, trong thế giới Android, tai thỏ mới chỉ là xu hướng của điện thoại Trung Quốc. Samsung với Galaxy S9/S9+ đứng ngoài cuộc chơi với màn hình "không bị gián đoạn". Những nhà sản xuất có tên tuổi khác như Sony cũng nói không với tai thỏ. Ngay cả HTC đã giảm sút cũng kiên quyết cưỡng lại trào lưu tai thỏ. Thông tin nội bộ từ nhà sản xuất Việt Nam Bkav khẳng định Bphone 2018 không có tai thỏ. Riêng đối với Bphone, đây là một quyết định sáng suốt bởi nếu có thì nó sẽ là một cái cớ để bị ghét.
Sắp tới, có thể bạn sẽ thấy điện thoại tai thỏ nhiều hơn do sự bành trướng của smartphone Trung Quốc. Nhưng có lẽ đây chỉ là xu hướng tạm thời bởi những hãng dẫn dầu về công nghệ không thích tai thỏ, và nếu công nghệ trong màn hình chín muồi thì tai thỏ sẽ không còn đất sống