Chúng tôi hẹn gặp Trần Việt Hùng - người tạo ra ứng dụng GotIt! đang thu hút sự chú ý ở thung lũng Silicon (Mỹ) - vào một buổi trưa bận rộn.


Đáp lại tin nhắn hỏi bao giờ tới điểm hẹn, Hùng gửi một hình ảnh bao hàm đầy đủ vị trí, quãng đường và thời gian cần thiết để di chuyển (ảnh dưới). Câu trả lời độc đáo hứa hẹn một cuộc gặp gỡ đầy lý thú.

a

Đúng giờ hẹn, Trần Việt Hùng xuất hiện trong bộ quần jean, áo hoodie và tất nhiên trên tay không thể thiếu chiếc laptop nhỏ gọn cùng đồng hồ thông minh. Hùng tươi cười chia sẻ: “Chút nữa mình còn một cuộc phỏng vấn tuyển nhân viên tại Việt Nam, cũng khá bận”.

Chia sẻ về sản phẩm của công ty, Hùng cho biết: GotIt! thuộc dạng sản phẩm chia sẻ kiến thức theo hình thức tư vấn trên mạng. Chẳng hạn, khi gặp vấn đề với một bài toán hay một khâu trong phần mềm Excel…, người dùng có thể chụp hình ảnh và gửi lên ứng dụng cho rất nhiều chuyên gia trên thế giới tiếp nhận cùng một lúc. Gần như ngay lập tức sẽ có người kết nối và giải đáp thắc mắc cho họ.

Ứng dụng dạng hỏi - đáp này, trên thế giới đã có nhiều người làm, chẳng hạn như Quora, Q&Answer. Ứng dụng Quora có một thế mạnh là các câu trả lời chất lượng rất cao, nhưng người dùng phải chờ khá lâu mới nhận được đáp án. GotIt! đã khắc phục được điểm yếu này: Câu trả lời của các chuyên gia sẽ có gần như ngay lập tức sau câu hỏi. Đây cũng là một yếu tố cạnh tranh giúp GotIt! tạo ra bản sắc riêng.

“Để có được lợi thế này, đội ngũ sáng lập GotIt! đã phải tốn rất nhiều thời gian trong việc xây dựng mạng lưới chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực trên toàn thế giới. Mục tiêu là tận dụng thời gian rảnh của các chuyên gia, mỗi người 10 phút. Còn các chuyên gia thì có thể kiếm được tiền trong lúc nghỉ ngơi”.

Hùng cũng tự hào “bật mí”, GotIt! đang nhận được sự quan tâm của nhiều quỹ đầu tư nổi tiếng như Intel hay các nhà “đầu tư thiên thần” có tiếng như Guy Kawasaki - giám đốc phụ trách New feed trên Facebook…

Bị nhà đầu tư từ chối, cần xem lại mình

Về phong trào startup đang vô cùng sôi nổi tại Việt Nam, Trần Việt Hùng bày tỏ: “Startup không phải dành cho mọi người. Sẽ có rất nhiều startup tự diệt vong trước khi tìm thấy nguồn đầu tư từ bên ngoài”.

Nhiều startup Việt kêu khó tìm nhà “đầu tư thiên thần”. Theo Trần Việt Hùng, điều này chưa phản ánh đúng thực chất vấn đề. Nên hiểu rằng, các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài cũng rất tích cực trong việc tìm kiếm startup tài năng để đầu tư.

“Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, chỉ cần chứng minh được ý tưởng của bạn tốt sẽ có nhà đầu tư tìm tới bạn. Có 3 yếu tố để các nhà đầu tư để mắt tới một startup: Sản phẩm tốt, có thị trường tiềm năng, có đội ngũ cộng sự đủ tốt để phát triển sản phẩm lên tầm cao mới. Nếu bạn bị nhà đầu tư từ chối hoặc nói rằng mình chưa cùng đẳng cấp với họ thì đừng vội trách cứ, hãy xem lại bản thân mình. Đổ lỗi không phải là phẩm chất của người sáng lập” - Hùng nói.

a

Phẩm chất cần có của người sáng lập

Trần Việt Hùng cho rằng, người làm startup luôn phải sáng tạo. Họ cũng cần biết tận dụng tối đa tốc độ để cải thiện sản phẩm, đáp ứng nhu cầu liên tục thay đổi của người dùng.

Mỗi ngày, nhóm của Hùng chạy thử nghiệm 5-7 tính năng mới trên ứng dụng để biết nhu cầu của người dùng, từ đó rút lại để chỉ đưa ra các tính năng thực sự cần thiết.

“Một startup thành công, có thể vươn ra thị trường quốc tế dựa khá nhiều vào tầm nhìn chiến lược của người sáng lập. Họ phải tìm được vấn đề đang tồn tại, đưa ra được giải pháp và kiếm được các cộng sự giỏi, kiên định, cùng chí hướng. Người sáng lập cũng phải có khả năng truyền cảm hứng cho cộng sự để họ cùng mình thực hiện tầm nhìn đề ra” - Trần Việt Hùng chia sẻ.

>> Xem phiên bản e-paper