Cơ cấu đầu tư mạo hiểm cho Startup Việt Nam đang nặng về những vòng gọi vốn sau khi công ty đã trở nên vững vàng trong khi ít đổ vào giai đoạn trước cho thấy khả năng rủi ro cao hơn của các startup Việt trong giai đoạn đầu phát triển.
Theo báo cáo của quỹ mạo hiểm ESP Capital và Cento Ventures, về mặt đầu tư Việt Nam đang là hệ sinh thái khởi nghiệp năng động thứ 3 trong khu vực ASEAN, đứng sau Indonesia và Singapore.
Đơn cử để thấy điều đó là vào năm ngoái, hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước đã ghi nhận những
giao dịch khổng lồ, với 3 thương vụ dẫn đầu đạt hơn nửa tỷ đô la Mỹ vào các công ty
VNLife (Tập đoàn mẹ của công ty công nghệ tài chính VNPay),
Scommerce (Tập đoàn mẹ của các công ty Logistics như Giao Hàng Nhanh, AhaMove) và
MoMo (Ví điện tử).
Tuy nhiên khi nhìn sâu vào cấu trúc đầu tư mạo hiểm có thể nhận thấy một số điểm yếu của hệ sinh thái. Bài viết mới đây trên
Tech In Asia phân tích quy mô giao dịch của các thương vụ đầu tư cho startup vào Việt Nam năm 2019 và nước ở vị trí thứ hai là Indonesia thì thấy khối lượng các thương vụ đầu tư vào startup ở giai đoạn sớm (Seed, Pre-A, Series A) của Việt Nam đang thấp hơn hẳn so với Indonesia, còn ở giai đoạn sau như Series B, C, D… thì có thể coi là tương đương.
Cụ thể, về số lượng thương vụ, thì tỷ lệ phần trăm các startup Việt Nam gọi vốn từ Series A trở lên ít hơn so với Indonesia từ 7-17% (xem biểu đồ).
Như vậy, cơ cấu đầu tư mạo hiểm cho Startup Việt Nam đang nặng về những vòng gọi vốn sau khi công ty đã trở nên vững vàng và chứng minh được khả năng của mình, trong khi ít đổ vào giai đoạn trước cho thấy khả năng rủi ro cao hơn của các startup Việt trong giai đoạn đầu phát triển.
Trong 7 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19, số thương vụ của Việt Nam chốt được cũng chỉ bằng 40% so với Indonesia.
Các quỹ mạo hiểm nhận định rằng Việt Nam đang thiếu vắng những startup công nghệ có tầm nhìn và khả năng cạnh tranh với các startup trong khu vực, đặc biệt là thiếu nguồn startup đầu vào có thể phát triển lên ở các giai đoạn sau.
Điều này cũng đã được nhiều chuyên gia và nhà đầu tư tư nhân trong nước
nhấn mạnh nhiều lần. Có nhiều lý do khiến họ "ngại" bỏ tiền vào giai đoạn đầu, một trong đó là do phần lớn startup Việt Nam vẫn thiếu kinh nghiệm và những kỹ năng cơ bản để đưa các ý tưởng đổi mới sáng tạo thành sản phẩm dịch vụ đưa ra thị trường một cách hiệu quả một cách hiệu quả.
Điều này góp phần khiến thời gian thu hồi vốn của nhà đầu tư bị kéo dài hơn và rủi ro đầu tư cao hơn, khiến họ ít mặn mà với loại hình này.