Ông Đào Thanh Khê cùng các cộng sự Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM đã làm chủ công nghệ, chế tạo thành công máy chiết xuất chân không nhằm tiết kiệm chi phí nhưng vẫn giữ được các hoạt chất của loại thực phẩm quý này.

Nấm đông trùng hạ thảo được trồng phổ biến ở Việt Nam có tên Cordycep militaris, chứa các chất có hoạt tính sinh học như: Adenosine, cordycepin (3’-deoxyadenosine), cordycepic acid, cyclosporin... Nấm đông trùng hạ thảo thường được chiết xuất thành thành phẩm có độ đậm đặc cao gấp nhiều lần. Tuy nhiên, các hoạt chất quý adenosine và cordycepin thường dễ bị mất hoặc biến chất trong quá trình chiết.

Để chiết xuất đông trùng hạ thảo, một số phương pháp thường được sử dụng như chiết xuất Soxhlet, siêu âm, khí quyển, chân không. Bộ chiết xuất Soxhlet thường được dùng trong phòng thí nghiệm, hiệu quả cho những thí nghiệm cơ bản thông thường. Tuy nhiên thời gian chiết lâu mới đạt hiệu suất cao. Bộ này không dùng để sản xuất trên qui mô lớn.

Đông trùng hạ thảo tươi và khô
Đông trùng hạ thảo tươi và khô Ảnh: ĐTK

Còn máy chiết dưới áp suất khí quyển thường cần thời gian chiết lâu, nhiệt độ cao làm biến tính sản phẩm. Nếu chiết ở nhiệt độ quá nhiệt độ sôi và thiết bị không kín, dung môi bay hơi rất nhiều, nên có thể gây cháy nổ, độc hại. Loại này dùng cho các công nghệ chiết xuất dược liệu thông thường và các dược liệu chịu nhiệt độ cao và không dùng chiết đông trùng hạ thảo.

Máy chiết siêu âm có ưu điểm chiết xuất nhanh tuy nhiên, nếu chiết trên nhiệt độ sôi, dung môi sôi trào, tăng áp, nên phải kiểm soát tốt việc cháy nổ. Máy có giá thành cao, vận hành không dễ dàng, chỉ phù hợp với các cơ sở có trình độ kỹ thuật cao.

Trước thực tế đó, nhóm của ông Đào Thanh Khê đã chế tạo ra máy chiết xuất chân không. Máy được chiết xuất trong điều kiện áp suất thay đổi từ áp suất khí quyển đến áp suất chân không, tối đa 740mmHg. Máy có những ưu điểm như vận hành đơn giản, tự động, chiết xuất nhanh, có thể điều chỉnh nhiệt cùng với áp, tránh cháy nổ khi làm việc với dung môi nguy hiểm. Ngoài ra, máy có thêm 3 chức năng cô đặc và chưng cất chân không, thu hồi dung môi tiện dụng. Dung môi thu hồi lại khoảng 90% có thể tái sử dụng cho các lần chiết sau. Máy có giá thành rẻ hơn máy siêu âm và có thể chiết xuất nhiều loại dược liệu khác nhau.

Máy chiết chân không được lắp đặt tại Công ty TNHH Beehee Việt Nam
Máy chiết chân không được lắp đặt tại Công ty TNHH Heebee Việt Nam Ảnh: ĐTK

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm nhiều lần chiết đông trùng hạ thảo bằng ba phương pháp Soxhlex, siêu âm, chân không. Phân tích tại Trung tâm phân tích Việt Đức thuộc Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM, cho kết quả, cứ 100g nấm, hàm lượng Adenosinethu được bằng ba phương pháp Soxhlex, siêu âm, chân không lần lượt là: 70.4mg, 87.48mg, 88.9mg; Hàm lượng Cordycepin lần lượt thu được là 9.877mg, 11.35mg, 11.55mg.

Theo ông Khê, hiện nhóm nghiên cứu đã hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất máy chiết chân không sẵn sàng chuyển giao cho các đơn vị có nhu cầu. Máy chiết chân không đã được Công ty TNHH Heebee Việt Nam (TPHCM) và một số cơ sở khác ở Đức Trọng (Lâm Đồng) sử dụng để chiết xuất thảo dược và đông trùng hạ thảo.