Startup edtech Marathon mới đây đã huy động được 1,5 triệu USD trong vòng tiền hạt giống do công ty đầu tư mạo hiểm Forge Ventures có trụ sở tại Singapore dẫn dắt.

Hai đồng sáng lập của Marathon: Trần Việt Tùng (trái) và Phạm Đức. Ảnh: Marathon

Tại Quỹ TPG Capital – quỹ đầu tư tư nhân có trụ sở tại Mỹ, Phạm Đức thường được biết đến như một chuyên gia đánh giá các khoản đầu tư về công nghệ thuộc khu vực Đông Nam Á. Anh đã phân tích các cơ hội đầu tư trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng điều mà anh quan tâm nhất đó là làm sao để ứng dụng công nghệ giải quyết các vấn đề giáo dục.

“Tôi thấy nhu cầu về giáo dục tư thục đang tăng nhanh trong khu vực, và sự thâm nhập của công nghệ vào giáo dục đã đạt đến điểm uốn [inflection point - một bước ngoặt mà sau đó sẽ dẫn đến một sự thay đổi mạnh mẽ trong tiến trình của một ngành, lĩnh vực] ở các nước như Ấn Độ và Trung Quốc trong bốn năm qua”, anh chia sẻ với Tech in Asia.

Khi đại dịch COVID-19 kéo đến và trở thành chất xúc tác cho việc áp dụng giáo dục trực tuyến, anh Đức nhìn thấy cơ hội trong lĩnh vực này và quyết định chuyển sang vai trò người sáng lập để xây dựng một công ty khởi nghiệp mang tên Marathon. Trần Việt Tùng, từng là giám đốc khu vực Việt Nam của Klook – một startup du lịch trực tuyến, và đã có kinh nghiệm thành lập một số startup trước đó như Triiip.me và Christina’s, cũng tham gia vào với vai trò đồng sáng lập Marathon.

Công ty khởi nghiệp non trẻ này vừa công bố họ đã nhận được 1,5 triệu USD trong vòng đầu tư tiền hạt giống (pre-seed) do Forge Ventures dẫn dắt. Venturra Discovery, iSeed Đông Nam Á và một số nhà đầu tư thiên thần cũng tham gia vòng này.

Tập trung vào giảng dạy trực tiếp trên nền tảng trực tuyến

Marathon cung cấp các buổi dạy trực tuyến trên nền tảng nhằm kết nối giáo viên với học sinh. Theo anh Đức, điều này có thể mang lại trải nghiệm học tập tốt hơn và gia tăng mức độ tương tác giữa người dùng nhiều hơn so với các phương pháp khác. Một giáo viên và một số trợ giảng có thể đảm nhận một buổi học kéo dài hai giờ với khoảng 300 người tham gia.

“Các giáo viên xem đây là cơ hội vì nền tảng này giúp họ tiếp cận được nhiều học sinh hơn, đặc biệt là những em sống ngoài Hà Nội và TP.HCM”, anh giải thích.

Nền tảng hiện vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Công ty sẽ tiến hành các giai đoạn thử nghiệm trước cuối năm nay và dự kiến tung ra sản phẩm trên quy mô rộng hơn vào đầu năm sau. Họ sẽ bắt đầu bằng cách mở các khóa học toán và khoa học tự nhiên từ lớp 6 đến lớp 12 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, rồi dần dần bổ sung thêm các bài học ở nhiều môn học hơn theo thời gian.

Phạm Đức cho biết anh sẽ sử dụng nguồn vốn mới này vào việc xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng, thuê một đội kỹ sư và xây dựng cơ sở hạ tầng.

“Việc tuyển dụng đội kỹ sư sẽ là một thách thức với chúng tôi do nhân tài công nghệ ở Việt Nam còn ít. Trước tiên, chúng tôi sẽ sử dụng SDK (bộ phát triển phần mềm) của bên thứ ba cho giải pháp phát trực tuyến, nhưng sau rốt, chúng tôi vẫn muốn tự mình xây dựng một sản phẩm nội bộ”, anh chia sẻ.

Thị trường edtech tại Việt Nam đang phát triển mạnh. Trước khi Marathon xuất hiện, đã có sáu công ty edtech hoạt động với tổng số vốn kêu gọi được lên tới 22 triệu USD trong năm nay.

Trong đó, vào tháng 7, Tập đoàn Educa, công ty điều hành startup Edupia, đã huy động được 2 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A từ Quỹ ReDefine Capital. Sớm hơn, Edmicro đã hoàn tất vòng tiền Series A+ với sự đầu tư của nhà đầu tư mạo hiểm BEENEXT, Qualgro, Insignia Ventures Partners.

Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của các startup trong nước, Việt Nam còn thu hút thêm nhiều công ty edtech trong khu vực và toàn cầu như Astrid (Thụy Điển), Geniebook (Singapore), Snapask (HongKong) và Ruangguru (Indonesia).

Nguồn: