Nguyễn Khắc Minh Trí, CEO - founder của công ty nông nghiệp công nghệ cao MimosaTek trao đổi về những tâm tư của người “sống sót” sau 5 năm theo đuổi con đường khởi nghiệp đầy chông gai này...

Nguyễn Khắc Minh Trí, CEO - founder của công ty nông nghiệp công nghệ cao MimosaTek trao đổi về những tâm tư của người “sống sót” sau 5 năm theo đuổi con đường khởi nghiệp đầy chông gai này...
Nguyễn Khắc Minh Trí, CEO - founder của công ty nông nghiệp công nghệ cao MimosaTek trao đổi về những tâm tư của người “sống sót” sau 5 năm theo đuổi con đường khởi nghiệp đầy chông gai này...

KHPT: Ồ, mừng anh vẫn là đơn vị dẫn đầu cộng đồng khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Nhưng có vẻ, MimosaTek vẫn chưa… giàu nhỉ. Cuối cùng thì nền nông nghiệp công nghệ cao của mình tiềm năng đến mức nào, và tại sao cứ mãi chưa phát triển?

Cảm ơn các bạn đã khen, tụi mình chỉ là nhóm tương đối lỳ đòn và dám theo đuổi cuộc chơi dài hạn này thôi. Nói về nông nghiệp công nghệ cao, rõ ràng là tiềm năng lắm. Kích thước thị trường nông nghiệp nói chung tại Việt Nam là vô cùng lớn, MimosaTek chỉ mới tham gia một phần rất nhỏ trong khâu đầu tiên của chuỗi giá trị nông nghiệp là phần sản xuất thông qua đóng góp của mình cho nông nghiệp chính xác. Thứ tụi mình làm, là cố gắng giảm tài nguyên, bắt đầu là nước, sau đó là góp phần làm tăng sản lượng lên. Những điều này sẽ từng bước làm thay đổi cách làm nông nghiệp truyền thống xưa giờ của chúng ta. Vấn đề về canh tác kiểu cũ với kiểu mới đã là một vấn đề đủ lớn, rồi còn lại câu chuyện mỗi năm chúng ta phải bỏ hàng tỷ đô la để nhập phân bón, mua thuốc bảo vệ thực vật… nếu cải thiện được một chút nào trong các công đoạn này đều tạo ra giá trị cao cả.
Nhưng thực tế thì không bao giờ là màu hồng như các bạn nghĩ trước khi bước vào trận chiến thực sự. Công nghệ, suy cho cùng, chỉ là một công cụ. Và người nông dân cũng chính là những nhà đầu tư. Vậy nên bất kỳ một giải pháp nào đưa ra đều phải đảm bảo hai tiêu chí: giúp được gì cho việc gia tăng hiệu quả canh tác, và có đáng để đầu tư tiền vào việc này hay không. Công nghệ 4.0 giờ ai cũng nói, nhưng đó không phải là một món hàng thời trang mua về cho vui, nó là bài toán về cơm áo gạo tiền mà cần thời gian để chứng minh được tính ưu việt của công nghệ cao.

Nông nghiệp cần thời gian để cây lớn lên, thu hoạch và chứng minh hiệu quả. Sau đó người ta sẽ cân nhắc thêm giá của việc đầu tư công nghệ, thời gian thu hồi vốn… Nếu các startup có thể giải được bài toán hiệu quả, giá thành, thì đó là thời điểm nông nghiệp công nghệ cao có thể nở hoa…

Hỏi thiệt, MimosaTek làm hoài mà chưa giàu có nản không?

Nản chứ sao không. Chúng tôi phải vượt qua một rào cản lớn hơn về tính hiệu quả của công nghệ, là sự thay đổi tư duy canh tác nông nghiệp. Đây là ngành đã có từ ngàn đời nay, nên tập quán canh tác đâu có dễ thay đổi trong ngắn hạn. Lấy ví dụ một ngành có vẻ “thành thị” là taxi, thì sự va đập giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống đã hết sức dữ dội, và vẫn sẽ còn tiếp tục dữ dội. Thì như vậy, sự thay đổi tư duy canh tác hiện đại trong nông nghiệp còn khó hơn nhiều. Chúng tôi nghĩ rằng, ít nhất 5 - 7 năm nữa, thì công nghệ mới là một phần không thể thiếu trong nông nghiệp Việt Nam.

Vậy khi nản thì các bạn nghĩ gì để có sức làm tiếp?

Có những lúc rất mệt mỏi chứ. Đường đi thì dài, thành quả thì vẫn chưa đạt được mấy. Có lúc nghĩ hay là mình ngừng lại, để đi một con đường khác. Đã có lúc trả lời “ngưng” thật, vì hết năng lượng. Nhưng nói nông nghiệp công nghệ là cái nghiệp thì hơi quá, nhưng mà những cam kết lúc đầu mình đã đặt ra với công ty, cái mê say của mình vẫn còn nguyên đó, nên không ngưng được. Và bất giác, tự dưng lúc đó lại có một ánh sáng hiện ra, chuyện tự dưng khác đi, hay hơn, đủ sức kéo mình đi tiếp. Đã là năm thứ năm rồi, thị trường sáng hơn nhiều rồi, tụi mình muốn đi đến cùng để biết rằng sức mình có thể góp cho nền nông nghiệp đến đâu…

Cứ mỗi cuộc thi khởi nghiệp, lại có bạn làm dự án IoT (internet vạn vật) cho vườn rau, ao tôm. Chắc cũng đến 30 dự án như vậy rồi. Là một trong những người đi trước về việc này, Trí có cảm nhận gì và lời khuyên gì muốn chuyển cho các bạn đi sau mà vẫn cứ muốn làm cái bánh xe từ đầu?

Thiệt ra lúc tụi mình bắt đầu, cách đây 5 năm, chẳng ai nói gì về 4.0, về IoT trong nông nghiệp cả. Nhưng giờ thì thời thượng lắm. Nhưng các bạn đứng ở ngoài thì thấy rất dễ, vì cứ nghĩ gắn các cảm biến vào, thêm một chút trí tuệ nhân tạo vào là giải được bài toán nông nghiệp Việt Nam. Không phải vậy. Tất cả đều phải quy về hiệu quả. Mà muốn biết có hiệu quả hay không thì phải chứng minh. Mà muốn chứng minh thì cần nhiều mùa vụ thành công mới biết được. MimosaTek bắt đầu làm tối ưu hóa về nước tưới, trong câu ông bà dạy “nhất nước nhì phân tam cần tứ giống”. Thì cảm biến chỉ giúp đo về lượng nước, độ ẩm thôi. Đó là dữ liệu thô, cần phân tích, lưu trữ đủ lâu để biết được các vấn đề về lịch sử cây trồng mới có thể đưa ra được những lời khuyên cho người trồng. Vậy là một mùa trôi qua, mất khoảng 1 năm mới có kết quả. Nhưng người trồng không chỉ muốn tiết kiệm nước, mà phải tăng năng suất, vậy là tốn thêm thời gian để chứng minh hiệu quả, đâu có nhanh được…

Trí tuệ nhân tạo đâu phải cây đũa thần, vì nó cần rất nhiều dữ liệu để học, để phân tích. Chừng nào Việt Nam mình mới có đủ dữ liệu về cây trồng, về lượng nước, lượng phân… để máy có thể học. Đó là một câu chuyện dài và phức tạp, đừng nghĩ là màu hồng…

Dự án nông nghiệp đô thị tại Đà Nẵng mà MimosaTek từng giành giải thưởng thành phố thông minh toàn cầu vì sao chưa triển khai được? Trí định làm gì tiếp với câu chuyện này? Giấc mơ nông nghiệp đô thị của Trí là như thế nào?

Khi MimosaTek đoạt giải thưởng của cuộc trình diễn công nghệ toàn cầu về thành phố thông minh với dự án triển khai nông nghiệp đô thị tại thành phố Đà Nẵng, chúng tôi kỳ vọng rất nhiều. Nhưng thực tế thì còn nhiều điểm chưa giải được. Đà Nẵng là dải đất hẹp, không làm nông nghiệp lớn được, nên mô hình nông nghiệp đô thị, tập trung thành một khu nông nghiệp công nghệ cao phối hợp chặt chẽ với đầu ra của thị trường là một ý tưởng khả thi. Chúng tôi đã làm việc nhiều lần với DNES, trung tâm khuyến nông và nhiều cơ quan khác nhau ở Đà Nẵng, nhưng thực tế là trên bản đồ nông nghiệp công nghệ cao của cả nước lại không có tên của Đà Nẵng…

Trí nghĩ là Đà Nẵng có chút tiềm năng nào để khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp không?

Mình nghĩ là các startup không nên chạy theo thời thượng. Đà Nẵng rất thuận lợi vì con người rất cởi mở và dễ chấp nhận những điều mới. Do đó, vẫn có những thị trường ngách, dù hơi hẹp cho khởi nghiệp nông nghiệp. Nên hiểu rằng Đà Nẵng không thể trở thành vựa rau cả nước như Đà Lạt hay vựa trái cây như Đồng bằng sông Cửu Long, vậy các bạn có những gì là tài nguyên bản địa? Các bạn có thể làm nông nghiệp trực tiếp để cung cấp cho cộng đồng khách du lịch khổng lồ tại chỗ và các sản phẩm đặc trưng địa phương cho khách mang đi. Còn với những startup công nghệ, thì đâu có giới hạn nào về địa lý, các bạn cứ chọn Đà Nẵng vì sự đáng sống, và tập hợp một đội ngũ kỹ thuật đủ giỏi đi…

Xin cảm ơn và chúc anh chân cứng đá mềm trên hành trình nông nghiệp công nghệ cao!