Hàng trăm triệu năm trước, một viên thiên thạch khổng lồ va chạm với Trái đất, tạo ra cơn đại địa chấn, khiến cho khủng long, loài sinh vật thống trị lúc bấy giờ tuyệt chủng hoàn toàn. Vài trăm triệu năm sau đó, loài người đang đối mặt với một “viên thiên thạch” khác - “thiên thạch số 4.0*”. Chuyện gì đang xảy ra?
Ông Vũ Minh Trí, Phó tổng giám đốc VNG đã có một cuộc thảo luận “đã đời” với sinh viên Đà Nẵng hôm thứ bảy tuần rồi…
Xóa sổ hay bị Xóa sổ?
Bây giờ, ra đường, lướt báo mạng, đâu đâu cũng có thể bắt gặp dòng chữ “cách mạng công nghệ 4.0”, cùng hàng loạt bài viết liên quan. “Cách mạng” hay “thiên thạch”, sao cũng được, tùy các bạn nói. Nhưng chung quy, nó cũng là sự kiện gì đó rất lớn xảy ra và thay đổi toàn bộ cách mà thế giới vận hành. Như cách mà viên thiên thạch đã xóa sổ toàn bộ loài khủng long, hoặc các cuộc cách mạng công nghệ khác trước đây.
Quay trở lại với hiện tại, “viên thiên thạch 4.0” cũng đã làm cho hàng loạt các công ty, tập đoàn “khủng long” lung lay, thậm chí là biến mất. Nếu như trước đây có đến 4 trên 5 công ty lọt vào top 5 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất không liên quan đến công nghệ, thì những năm gần đây con số này hoàn toàn bằng 0! Những tập đoàn công nghệ đã trở thành những kẻ sống sót sau cơn đại địa chấn.
Kodak từng là một “con khủng long” trong ngành ảnh. Họ từng là kẻ thống trị, dẫn dắt và đổi mới ngành trong vòng 100 năm. Tuy nhiên, vào năm 2012, Kodak đã buộc phải tuyên bố phá sản. Ai cũng bảo Kodak phá sản vì họ đã bỏ lỡ thị trường máy ảnh kỹ thuật số. Không sai, nhưng chỉ là một phần. Bởi thứ mà Kodak thật sự kinh doanh là phim, chứ không phải máy ảnh. Năm 2010, Instagram ra đời đã giúp cho người dùng hầu như không phải trả bất cứ chi phí nào cho việc có một bức hình đẹp. Thậm chí, giá trị vốn hóa thị trường của Kodak vào ngày 31 tháng 9 năm 1999 là 20,9 tỷ USD, với 85.000 nhân viên. Năm 2012, Instagram được Facebook mua lại với giá 1 tỷ USD, trong khi đội ngũ nhân viên chỉ vỏn vẹn 12 người. Rõ ràng, instagram đã thay đổi toàn bộ ngành ảnh. Nếu Kodak vẫn giữ khư khư cách kinh doanh và không chịu thay đổi theo thị trường thì, sớm hay muộn, họ cũng sẽ đối mặt với bờ vực phá sản. Mà thật ra thì điều đó đã xảy ra. Thứ họ tạo ra giỏi nhất, thì chẳng ai cần nữa...
Câu hỏi đặt ra là, tại sao một gã khổng lồ như Kodak không “nghĩ” ra Instagram hay một ứng dụng tương tự? Họ có nguồn lực, họ có nhân tài và cơ hội, để rồi cũng phải nộp đơn phá sản trong khi Instagram phát triển với tốc độ chóng mặt, khoảng một triệu người dùng mỗi tháng. Kodak, cũng như Nokia (ồ, bạn đã nghe đến câu chuyện sụp đổ của ông vua di động này chưa?) hay rất nhiều công ty ngoài kia đã không nắm bắt được rằng: Sự đổi mới kỹ thuật số, cách mạng 4.0, đã cho phép khách hàng hành động một cách thông minh hơn những gì các công ty mong muốn mang đến cho họ.
Instagram không phải là ví dụ duy nhất cho việc một startup ra đời làm thay đổi cách vận hành của cả một ngành công nghiệp. Chúng ta có thể kể ra những cái tên như iTune thay đổi toàn bộ ngành âm nhạc hay câu chuyện tương tự về Netflix với ngành phim. Cách mạng công nghệ 4.0 là một “viên thiên thạch”, thị trường và người tiêu dùng chính là “Trái đất”. Thiên thạch va chạm Trái đất, môi trường thay đổi. Nếu các công ty “khủng long” không thay đổi, thích ứng kịp thời thì việc phá sản là câu chuyện không thể tránh khỏi. Điều này cũng đồng nghĩa, yêu cầu cho các startup muốn sống sót cũng ngày một khắt khe hơn - hoặc phải đổi mới cho tốt hơn tất cả (innovate), hoặc phải thay đổi cách vận hành trong ngành thuộc lĩnh vực của họ (disrupt).
Hãy nhớ rằng, những sinh vật cuối cùng sống sót sau cơn đại địa chấn đó là những loài nhỏ bé. Những sinh vật rất kiên cường (resilient) và có khả năng thích ứng cao (nimble) với sự thay đổi. Đó cũng chính là 2 tố chất cần thiết cho những startup, các doanh nghiệp mới, trẻ sống sót trong cơn đại địa chấn 4.0 này, khi mà nhiều “con khủng long” đã bị thoái trào và diệt vong.
Vậy đấy, xóa sổ hoặc bị xóa sổ, tùy chọn nhé!
Thích ứng là chưa đủ. Stay relevant - phải “hợp thời”
Ông Vũ Minh Trí, nguyên CEO Microsoft Việt Nam, hiện tại đang làm phó chủ tịch mảng điện toán đám mây của tập đoàn VNG, Tổng giám đốc Vinadata, trong buổi trò chuyện với các bạn sinh viên trường Đại học Đà Nẵng về chủ đề “Sáng tạo khởi nghiệp trong thời đại số”, đã tiết lộ một chi tiết rất thú vị: “Giá cảm biến ngày một giảm. Hay nói cách khác, các cảm biến được trang bị nhiều hơn trên các thiết bị. Và khi dữ liệu mỗi lúc ngày một trở nên dễ dàng thu thập, thông qua những cảm biến ngay trên các thiết bị di động, thì ai thu thập, xử lý được nhiều dữ liệu hơn sẽ thắng. Data và data analytics đã và đang trở thành một xu hướng của thế giới”.
Tuy nhiên các công ty không thể làm việc này một mình. Những ai quan tâm đến ngành mỹ phẩm chắc không thể không biết đến thương vụ Shiseido - công ty Nhật vô cùng nổi tiếng trong ngành - đã mua lại MatchCo - startup có trụ sở tại California, vào năm 2017. MatchCo phát triển phầm mềm cho phép khách hàng có thể sử dụng điện thoại thông minh để kiểm tra xem lớp nền như thế nào thì phù hợp cho da của họ.
Nhưng các công ty như Shiseido không thể làm công việc này một mình. Bởi đơn giản, họ không phải là một công ty công nghệ. Họ cần những startup thu thập, phân tích dữ liệu như MatchCo. Và những startup như MatchCo lại cần những khách hàng như Shiseido để sử dụng dữ liệu của họ.
Nói một cách rộng hơn, ông Trí cho rằng, làm gì cũng phải biết hệ sinh thái của mình, của ngành mình đang ở đâu, bao gồm những ai. “Tật xấu đáng sợ nhất là các bạn cứ thích tự mình làm mọi thứ. Tự làm từ đầu, trong khi cả thế giới đã cùng nhau làm được những thứ đó đến một trình độ cao hơn rất nhiều rồi. Nên cần phải nằm chung trong dòng chảy của thế giới, đừng lụi cụi một mình trên hoang đảo nữa.
“Xu hướng tiếp theo, chắc chắn sẽ là máy tính không có bàn phím, mà con người sẽ giao tiếp với máy bằng giọng nói, bằng ánh mắt, bằng biểu cảm trên khuôn mặt, cơ thể. Vậy mình là ai trong cái xu hướng này? Mình làm sao để thực sự hợp thời – stay relevant – với khuynh hướng chung? Đó là thứ các bạn cần hỏi để chuẩn bị cho tương lai của mình” – ông Trí đáp lời một bạn sinh viên năm cuối của trường Bách khoa hỏi về việc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo.